Được biết, lãnh đạo UBCK vừa tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 39 của IOSCO tổ chức tại Braxin. Là thành viên chính thức của IOSCO, Việt Nam đã có những đóng góp gì tại Hội nghị quan trọng này, thưa ông?
Từ ngày 28/9 - 2/10, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng đã dẫn đầu đoàn cán bộ UBCK tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 39 của IOSCO. Đây là hoạt động đối ngoại và hội nhập quan trọng của ngành chứng khoán Việt Nam, trong bối cảnh lãnh đạo UBCK đã ký kết Phụ lục A Biên bản ghi nhớ đa phương (MMoU) của IOSCO, chính thức trở thành thành viên ở cấp độ cao nhất của tổ chức này.
Là tổ chức định ra các tiêu chuẩn, nguyên tắc quốc tế về quản lý, vận hành TTCK trên thế giới, IOSCO là một trong những hiệp hội ngành nghề quốc tế quan trọng cho sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý thị trường vốn. Với tư cách là thành viên chính thức ở cấp độ cao nhất của IOSCO, ngành chứng khoán Việt Nam ngày càng có tiếng nói quan trọng hơn tại diễn đàn quốc tế này.
Tại Hội nghị ở Braxin vừa qua, đoàn công tác của UBCK đã tham gia bỏ phiếu bầu các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch Tiểu ban Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APRC), Tiểu ban Tăng trưởng và các thị trường mới nổi (GMEC)…
Tại Hội nghị, các thành viên của IOSCO đã đồng thuận sẽ nghiên cứu đưa ra một Biên bản ghi nhớ đa phương về hợp tác và trao đổi thông tin (MMoU) mới, thay thế MMoU hiện tại. MMoU hiện tại được thông qua năm 2002, đã rất thành công trong tăng cường hiệu quả trong công tác phòng chống các hành vi vi phạm và gian lận xuyên biên giới. Hiện có 103 thành viên tham gia ký kết đầy đủ MMoU, trong đó có Việt Nam.
Hội nghị năm nay đã đưa ra những sáng kiến nào nhằm thúc đẩy TTCK toàn cầu phát triển minh bạch, hiệu quả hơn, thưa ông?
Tại Hội nghị, Hội đồng IOSCO gồm các nhà quản lý chứng khoán của các thị trường phát triển và các thị trường mới nổi, đã tích cực đưa ra các sáng kiến quan trọng, nhằm phục hồi và củng cố lòng tin vào TTCK thông qua việc tăng cường bảo vệ NĐT, giải quyết rủi ro hệ thống và giúp các thị trường đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các nội dung sáng kiến gồm: phối hợp với Ủy ban Ba-den về giám sát ngân hàng, nhằm hỗ trợ phát triển các TTCK hóa như một nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế; xúc tiến thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, thông qua việc phát triển các cơ chế cưỡng chế thực thi hiệu quả, thiết lập một khuôn khổ đáng tin cậy, nhằm ngăn chặn tội phạm tiềm năng thực hiện các hành vi sai trái trên thị trường; tiếp tục xây dựng và triển khai các biện pháp quản lý nhằm giải quyết các vấn đề xuyên biên giới...
Các thành viên Hội đồng IOSCO cũng đưa ra sáng kiến liên khu vực nhằm giải quyết các rủi ro trên TTCK, tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý trong phát hiện các rủi ro phát sinh.
Bước tiến mới về hội nhập có ý nghĩa như thế nào đối với việc thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển năng động, hiệu quả hơn theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, thưa ông?
Với tư cách là thành viên đầy đủ, ở cấp độ cao nhất của IOSCO, ngành chứng khoán Việt Nam đã có vị thế cũng như trách nhiệm mới trên bản đồ TTCK toàn cầu. Điều này xuất phát từ yêu cầu để trở thành thành viên đầy đủ của IOSCO, các nước thành viên phải đáp ứng các điều kiện về năng lực, thẩm quyền của cơ quan quản lý, cũng như mức độ phát triển của TTCK.
Với bước tiến mới trong hội nhập quốc tế, Việt Nam khẳng định với thế giới rằng, sẵn sàng hợp tác, chia sẻ thông tin để hỗ trợ các cơ quan quản lý thị trường vốn trên thế giới trong việc đảm bảo trật tự, cũng như tính minh bạch của thị trường vốn toàn cầu.
Những bước tiến hội nhập mới trong khuôn khổ IOSCO cũng là điều kiện quan trọng để TTCK Việt Nam hội nhập sâu rộng, hiệu quả hơn với thị trường vốn khu vực ASEAN. Lý do là bởi, tất cả các tiêu chí, chuẩn mực của thị trường vốn trong khu vực này đều dựa trên các tiêu chí của IOSCO.
Bước tiến này còn đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN trong triển khai Chương trình kết nối ASEAN. Đó là các cơ quan quản lý thị trường vốn phải là thành viên đầy đủ của IOSCO, vì khi tham gia Chương trình kết nối ASEAN có thể phát sinh các giao dịch xuyên biên giới, nên có thể phát sinh các tranh chấp. Do đó, cần có sự hợp tác của các cơ quan quản lý thị trường vốn ASEAN trong phối hợp giải quyết các tranh chấp này.