TTCK châu Á dửng dưng với bán đảo Triều Tiên

(ĐTCK) Bất chấp khu vực quanh bán đảo Triều Tiên đang nóng lên, các chỉ số chứng khoán châu Á vẫn tăng điểm.
Chỉ số Kospi của TTCK Hàn Quốc vẫn có xu hướng tăng trong tuần qua. Chỉ số Kospi của TTCK Hàn Quốc vẫn có xu hướng tăng trong tuần qua.

Trong những ngày gần đây, khu vực quanh bán đảo Triều Tiên liên tục được hâm nóng bởi các tuyên bố và động thái quân sự của các bên liên quan. Nhiều chuyên gia phân tích thậm chí không dám bác bỏ khả năng chiến sự có thể xảy ra. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là các thị trường chứng khoán châu Á, từ Hàn Quốc, Nhật Bản đến Trung Quốc dường như dửng dưng trước tình hình đó, thậm chí một số chỉ số còn tăng điểm.

Các chỉ số chứng khoán châu Á vẫn vận động, song mọi động thái lên xuống đều được phân tích là có liên quan mật thiết đến những diễn biến kinh tế, tài chính ở châu Âu, Mỹ và tình hình bên trong các thị trường đó chứ không hề dính dáng đến những tuyên bố hiếu chiến của Bắc Triều hay các cuộc diễn tập quân sự xung quanh bán đảo Triều Tiên.

Chỉ số chứng khoán chính của Hàn Quốc, thị trường nằm ở trung tâm của điểm nóng chính trị - quân sự, đã có một tuần tăng điểm gần đây, thời điểm mà mật độ các tuyên bố và động thái quân sự dày đặc nhất. Từ mức thấp 1.948,71 điểm ngày 22/3, chỉ số Kospi Index đã leo lên mức cao 1.995,04, đầu phiên giao dịch ngày 28/3, tức là đã tăng 46,33 điểm, tương đương 2,37%.

Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225, chỉ số chứng khoán chủ chốt của thị trường chứng khoán Nhật Bản hầu như vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc chu kỳ tăng kéo dài từ cuối tháng 12 năm ngoái. Trong vòng một tháng qua, chỉ số Nikkei 225 đã tăng từ mức 11.559,36 điểm ngày 28/2 lên mức 12.546,46 điểm ngày 25/3, tức là tăng 987,1 điểm, tương đương 8,54%.

Còn chỉ số Hang Seng Index của Hồng Kông cũng đã tăng điểm trong khoảng hơn 1 tuần gần đây. Cụ thể, từ mức thấp 22.041,86 điểm của ngày 19/3, chỉ số này đã tăng lên mức cao trong ngày 27/3 là 22.464,82 điểm. Như vậy, sau 6 ngày giao dịch, chỉ số Hang Seng Index đã tăng 422,92 điểm, tương đương 1,92%.

Tại thị trường chứng khoán đại lục Trung Quốc, chỉ số tổng hợp của thị trường chứng khoán Thượng Hải (Shanghai Composite Index) đã tăng 86,7 điểm (tương đương 3,87%) từ mức 2.240,0 ngày 18/3 lên mức 2.326,7 ngày 25/3.

Hầu hết các chỉ số khác thuộc khu vực châu Á -Thái Bình Dương cũng đã tăng điểm trong khoảng 1 tuần gần đây.

Nếu như việc tăng điểm như nói trên là minh chứng rõ nhất cho việc các thị trường chứng khoán châu Á đã “bỏ ngoài tai” (nếu không muốn nói là phản ứng ngược) với các diễn biến căng thẳng quanh bán đảo Triều Tiên thì động thái điều chỉnh của hầu hết các chỉ số đầu ngày 28/3 cũng không phải đã phản ánh sự lo lắng của thị trường với những căng thẳng đó. Yếu tố đã khiến cho các chỉ số của châu Á giảm điểm nằm ở tận châu Âu.

Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đang trở lại mới thực sự là điểm nóng đối với các thị trường chứng khoán châu Á. Sự kiện Síp mở cửa trở lại các ngân hàng đang khiến các nhà đầu tư trên khắp thế giới lo ngại, bởi những vấn đề trong hệ thống ngân hàng nước này không thể biến mất chỉ với lời hứa sẽ cứu trợ của Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu hay Quỹ Tiền tệ quốc tế. Những người gửi tiền trên 100.000 euro tại các ngân hàng Síp có thể đồng loạt rút tiền để chuyển đi nơi khác nhằm bảo toàn tài sản. Nếu điều đó xảy ra, từ Síp, sẽ có một cuộc chấn động tài chính lan tỏa ra toàn khu vực đồng tiền chung.

“Tâm lý đối với châu Âu đang rất xấu”, Stephen Halmarick, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường đầu tư của Công ty quản lý tài sản toàn cầu Colonial First State nhận định. “Sự không chắc chắn nảy sinh khi gói cứu trợ các ngân hàng Síp được thông qua và khi chính phủ Ý không thể hình thành đang đè nặng lên các thị trường”.

Phản ứng trước các thông tin trên, cổ phiếu của hãng điện tử nổi tiếng Sony, vừa ghi nhận doanh thu tăng 38% ở châu Âu và Mỹ, đã giảm 3,8%. Trong khi đó, cổ phiếu của Ngân hàng Công thương Trung Quốc, ngân hàng lớn nhất nước này cũng mất 1,5% giá trị.

Các cổ phiếu giảm giá kéo theo sự giảm điểm của các chỉ số. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương đã giảm 0,8% xuống còn 134,99 điểm trong buổi sáng hôm qua. Cứ 1 cổ phiếu tăng điểm thì có tới 3 cổ phiếu giảm điểm trong chỉ số này. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,3% cho dù nước này vừa tăng được thặng dư thương mại trong tháng 2. Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc cũng giảm 0,3%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 1,1%; Shanghai Composite giảm 2,3%; Taiex của Đài Loan giảm 0,4% và Straits Times của Singapore giảm 0,1%...

Tóm lại, có vẻ như các thị trường chứng khoán châu Á đã quen với các diễn biến tương tự như hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, từng lặp đi lặp lại trong những thập kỷ gần đây. Và có lẽ, chỉ khi chuyện mà những người yêu chuộng hòa bình không mong muốn xảy ra trên bán đảo này thì các thị trường chứng khoán lân cận mới... “đỏ sàn” theo.           


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục