TTCK thế giới xanh “ào ạt” khi Fed không giảm gói QE

(ĐTCK) Chứng khoán châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng qua, lợi suất trái phiếu giảm, trong khi các kim loại công nghiệp tăng giá sau khi Fed không thực hiện cắt giảm chương trình kích thích kinh tế. Đồng baht của Thái Lan cũng tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 6 năm qua.
TTCK thế giới xanh “ào ạt” khi Fed không giảm gói QE

Chứng khoán bật xanh…

Ngày đầu tiên sau khi Fed tuyên bố chưa thực hiện cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng, các thị trường châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hàn Quốc đóng cửa nghỉ Tết Trung thu, đã đồng loạt tăng điểm.

Chỉ số chứng khoán MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 1,6% đầu giờ giao dịch tại Tokyo và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 22/5. Chỉ số chính của Indonesia tăng 4,4%. Chỉ số chứng khoán tổng hợp của Philippines tăng 3,6%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 1,7%. Chỉ số Tokyo ’s Topix của Nhật tăng 0,9%, góp phần vào mức tăng chung từ đầu năm lên đến 40%. Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc tăng 1% lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2008. Chỉ số VN-Index của Việt Nam cũng tăng 0,8%. Trước đó, chỉ số S&P 500 của Mỹ đã tăng 1,2% lên mức kỷ lục.

Giá cổ phiếu của các nhà sản xuất vật liệu thô, trong số 10 tập đoàn công nghiệp thuộc chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương, tăng mạnh nhất. Cổ phiếu của BHP Billiton Ltd., công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới, tăng 1,6%. Cổ phiếu của Tập đoàn Rio Tinto, công ty mỏ lớn thứ hai thế giới, tăng 3% và cổ phiếu của Newcrest Mining Ltd. tăng 7,3%.

Bên cạnh cổ phiếu, giá trái phiếu cũng tăng khi lợi suất giảm. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Úc giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tuần. Ngoài ra, giá kim loại đồng cũng tăng 1,6%, giá dầu tăng 0,6%. Đồng baht Thái tăng 1,8% và đồng ringgit Malaysia tăng 1,9%.

 

… và thông điệp “nhấp nháy vàng” của Fed

Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mặc dù chưa thực hiện ngay việc cắt giảm gói nới lỏng định lượng trong tháng 9 như dự báo của thị trường, song cũng chưa đưa ra một lịch trình rõ ràng nào cho vấn đề này.

Khi được hỏi trong cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng, liệu ông có còn giữ bí mật nào về cuộc khủng hoảng tài chính, Chủ tịch Fed Ben Bernanke nửa đùa nửa thật là… “còn nhiều”. Sau buổi họp báo, nhiều người đoán rằng, có lẽ một trong các bí mật của ông Bernanke là chiến dịch truyền thông gần đây của Fed, nhất là khi so sánh phát ngôn của Chủ tịch Fed lần này với hồi tháng 6.

“Lộ trình giảm gói nới lỏng định lượng mà ông Bernanke ‘phác ra’ hồi đó đã bị làm cho rối rắm ngày hôm nay”, Paul Edelstein, Giám đốc kinh tế học tài chính ở IHS Global Insight nói.

Ví dụ, trong tháng 6, ông Bernanke cho biết quan điểm của FOMC là, nếu nền kinh tế tăng trưởng ổn định như dự báo thì cơ quan này sẽ “xem xét điều chỉnh tốc độ mua trái phiếu vào cuối năm nay”. Còn hôm nay, ông Bernanke lại nói FOMC nghĩ rằng, “triển vọng kinh tế trung hạn nhìn chung đang gần với… quan điểm của Fed trong tháng 6”.

Ông Bernanke có nói hôm thứ Tư rằng, việc cắt giảm gói QE “có thể diễn ra cuối năm nay”. Thế có nghĩa là ngay cả nếu Fed có tin tưởng nhiều hơn vào triển vọng của nền kinh tế thì khả năng cắt giảm gói kích thích vẫn chỉ là “có thể”.

Ngoài ra, Chủ tịch Fed cũng không đưa ra quan điểm rõ ràng về tiêu chí tỷ lệ thất nghiệp. Một mặt, ông gọi đó là “chỉ tiêu độc lập tốt nhất về trạng thái của thị trường lao động” và khẳng định hầu hết trong số 0,8 điểm phần trăm giảm đi của tỷ lệ này từ cuối năm ngoái là do số lượng việc làm được tạo ra nhiều hơn số người rời khỏi thị trường lao động. Nhưng mặt khác, ông cũng nói rằng, tỷ lệ thất nghiệp “không phải là một chỉ số đại diện cho toàn bộ”, đồng thời nhấn mạnh việc giảm số người tham gia vào thị trường lao động như là một lý do để Fed không hài lòng về thị trường này.

Vậy đâu là lý do chính khiến Fed trì hoãn thu hẹp gói QE? Đó có thể là do lãi suất thị trường tăng lên trong những tháng gần đây. Fed lo rằng, nếu việc tăng lãi suất còn tiếp tục“, nó có thể làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế và thị trường lao động”. Thực tế, Fed đã không đặt nặng vấn đề đó trong thông cáo tháng 6, do mức lãi suất chỉ tăng mạnh sau đó.

Với những gì mà ông Bernanke đề cập trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, rất khó để nói đây có thực sự là một sự trì hoãn của Fed hay không. Liệu tháng 10 có là thời điểm bắt đầu giảm gói QE hay vẫn còn cần thêm bằng chứng chắc chắn về tăng trưởng?

Tóm lại, vẫn phải chờ đến cuộc họp tiếp theo của Fed trong tháng 10, với báo cáo việc làm tháng 9 và tình hình tăng GDP trong quý III, để biết rốt cuộc ngân hàng trung ương này sẽ làm gì sau đó.

Cho đến khi nào còn chưa có dấu hiệu chắc chắn về việc cắt giảm gói QE, tức là hàng tháng vẫn có thêm 85 tỷ USD giá rẻ được Fed bơm vào thị trường thì nhiều loại tài sản khác, như chứng khoán, vàng, hàng hóa cơ bản…, trừ đô la Mỹ, sẽ còn tăng giá hoặc ít nhất là giữ ở mức như hiện tại.  


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục