TTCK góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nền kinh tế

(ĐTCK) Sự phát triển của TTCK đã phục vụ và hỗ trợ tích cực cho nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
TSKH. Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước TSKH. Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế

TTCK đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK đến nay đạt gần 2 triệu tỷ đồng, trong đó, giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế 2010 - 2015, mức vốn huy động qua TTCK tăng hơn 4 lần so với giai đoạn 2005 - 2010.

Đặc biệt, TTCK đã trở thành kênh phân phối chính của hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ, huy động vốn cho ngân sách nhà nước. Lượng vốn huy động từ các đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ trên TTCK từ năm 2005 tới nay ước đạt trên 833.000 tỷ đồng, trong đó huy động trong giai đoạn 2010 - 2015 đạt 795.830 tỷ đồng, tăng hơn 18 lần so với giai đoạn 2005 - 2010.

Thông qua TTCK, các DN tư nhân huy động một lượng lớn vốn để đầu tư phát triển và trở thành những DN tầm cỡ khu vực. Cụ thể, các DN trong VN30 có tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ gần 60%/năm kể từ khi niêm yết, ví dụ: Vingroup, REE tăng 18 lần, lần lượt tăng từ 800 tỷ đồng lên 15.456 tỷ đồng và từ 150 tỷ đồng lên gần 2.700 tỷ đồng; FPT, VNM, CII, KDC, PVD, SSI, HPG, HAG… có mức tăng vốn từ 40 - 100%/năm.

TTCK không chỉ khơi thông dòng vốn trong nước, mà còn thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Với các cơ chế, chính sách ngày càng được hoàn thiện theo hướng cởi mở, thông thoáng, thân thiện hơn trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới, TTCK tiếp tục thu hút được sự quan tâm của các NĐT nước ngoài.

Đến nay, số lượng tài khoản của NĐT nước ngoài đạt gần 18.000, tăng gấp đôi so với năm 2007; trong đó, số lượng NĐT tổ chức tăng từ 200 lên gần 2.300. Điều này đã góp phần đa dạng hóa cơ cấu NĐT trên TTCK Việt Nam, vừa giúp cải thiện thanh khoản thị trường, vừa đóng góp nguồn vốn trực tiếp vào các DN niêm yết.

Giá trị danh mục của NĐT nước ngoài liên tục tăng theo các năm và duy trì ở mức cao. Tổng giá trị danh mục NĐT nước ngoài năm 2009 là 6,34 tỷ USD; năm 2014 là gần 13,5 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2008, hơn gấp đôi so với 2010. Điều này thể hiện sự tin tưởng cũng như ý chí đầu tư dài hạn, bền vững của NĐT nước ngoài tại Việt Nam, kể cả khi kinh tế Việt Nam gặp khó khăn.

Từng bước trở thành một kênh đầu tư quan trọng

TTCK tăng trưởng cả về quy mô và mức độ thanh khoản. Quy mô thị trường tăng trưởng mạnh, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đến cuối năm 2014 đạt 1.121.000 tỷ đồng (tăng 54,4% so với đầu năm 2010), đạt trên 31% GDP (cuối năm 2007, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu thậm chí đạt 43,23% GDP).

Tính cả dư nợ trái phiếu trên thị trường trái phiếu thì quy mô của TTCK Việt Nam đạt khoảng 54% GDP. Quy mô TTCK tăng liên tục thể hiện đây là một trong những kênh đầu tư mới đang được xã hội quan tâm. Đến đầu tháng 7/2015, tổng số lượng tài khoản của NĐT đạt gần 1,5 triệu tài khoản, tăng gần 50% so với năm 2010.

Quy mô giao dịch cũng tăng trưởng liên tục qua các năm. Trong giai đoạn 2010 - 2015, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 2.900 tỷ đồng/phiên, tăng gấp đôi so với giai đoạn 2005 - 2010. Thanh khoản của TTCK là yếu tố quan trọng nhất quyết định tới chức năng huy động vốn của nền kinh tế. Tính thanh khoản của từng mã cổ phiếu, hay từng nhóm ngành còn thể hiện chức năng phân bổ vốn hiệu quả theo tín hiệu thị trường của TTCK.

Thiết lập các chuẩn mực mới về công tác quản trị DN và minh bạch hóa hoạt động DN

Quản trị công ty tốt hiện được coi là yếu tố quan trọng cấu thành môi trường đầu tư lành mạnh, hấp dẫn. Quản trị công ty tốt giúp cải thiện mối quan hệ với người lao động, chủ nợ và các bên liên quan khác; giúp bảo vệ các cổ đông thiểu số, làm tăng niềm tin của NĐT. Từ đó, giúp DN dễ dàng huy động được vốn trên TTCK. Quản trị công ty tốt còn giúp minh bạch hóa hoạt động của các công ty, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng thích ứng trước những biến động vĩ mô.

Chính bởi lý do này mà từ các Diễn đàn kinh tế toàn cầu tới các chương trình hành động, chương trình tái kiến thiết, tái cấu trúc các nền kinh tế ở tại hầu hết các quốc gia, các cộng đồng kinh tế, khu vực kinh tế trên thế giới, việc xây dựng, hình thành và duy trì một nền tảng quản trị công ty tốt luôn là một nội dung quan trọng được quan tâm và thảo luận.

Nhận thức được tầm quan trọng của quản trị công ty tốt đối với nền kinh tế, sự phát triển ổn định, hiệu quả của TTCK nói chung và hoạt động của từng DN nói riêng, nên ngay từ khi thành lập thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, xây dựng khung pháp lý tạo nền tảng cho việc tiếp thu và áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty tại Việt Nam.

Về khung pháp lý, cho tới nay, chúng ta đã có gần như đầy đủ các quy định hướng dẫn về quản trị công ty tại các DN niêm yết, các công ty đại chúng (Thông tư 121/2012/TT-BTC), áp dụng và tiếp cận gần như đầy đủ các chuẩn mực theo thông lệ quốc tế tốt nhất (OECD) về quản trị công ty. Hệ thống các văn bản pháp luật về công bố thông tin trên TTCK, quản trị công ty theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế… đã dần trở thành hình mẫu cho việc áp dụng đối với cả các DNNN.

Tạo nền tảng thiết lập hệ thống an sinh xã hội hiện đại

Theo thông lệ quốc tế, TTCK là kênh đầu tư tạo mức sinh lời chủ yếu trong dài hạn đối với các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí. Ngược lại, bên cạnh quỹ đầu tư, các loại hình quỹ nêu trên tạo thành lớp các NĐT tổ chức, định hướng đầu tư theo giá trị và bảo đảm sự phát triển bền vững của TTCK.

Hiện tại, Việt Nam chỉ có một quỹ bảo hiểm xã hội đơn lẻ theo cơ chế PAYG, mà chưa thiết lập được hệ thống đa trụ cột theo thông lệ quốc tế (quỹ trợ cấp xóa đói giảm nghèo, quỹ hưu trí bắt buộc, quỹ hưu trí bắt buộc bổ sung, quỹ hưu trí tự nguyện…).

Vì vậy, trong bối cảnh nguy cơ lão hóa dân số, trong thời gian tới, việc cho ra đời các quỹ hưu trí là cần thiết. Điều này không chỉ giúp TTCK phát triển, mà quan trọng hơn, sâu xa hơn, đó chính là giúp các quỹ này có thêm cơ hội đầu tư, sinh lợi nhuận để bảo đảm thu nhập của người lao động sau khi nghỉ hưu, hiện thực hóa các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.

Thúc đẩy công tác cổ phần hóa

Năm 2014, nhằm đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn DNNN và gắn công tác cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg, đây được coi là bước đột phá, góp phần đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN cũng như minh bạch hóa hoạt động của các DN này.

Trong năm 2014, hoạt động đấu giá trên 2 Sở GDCK và qua các công ty chứng khoán tăng mạnh, tổng giá trị đấu giá đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2013. Trong 4 tháng đầu năm 2015, 2 Sở GDCK đã tổ chức 34 phiên đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn với giá trị đạt hơn 2.200 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị cổ phần hóa ước đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 11%; giá trị thoái vốn đạt gần 717 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Hỗ trợ tái cấu trúc nền kinh tế

Đối với đầu tư công, TTCK đã trở thành kênh huy động vốn trọng yếu của Chính phủ. Trong giai đoạn 2010 - 2015, Chính phủ đã huy động gần 715.000 tỷ đồng thông qua các đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ trên TTCK, tăng 18 lần so với giai đoạn 2005 - 2010. Mức độ tăng trưởng của thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam đạt bình quân 23%/năm, dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi trong khu vực Đông Á cũng như khu vực ASEAN+3.

Đối với đầu tư của khu vực tư nhân, sự phát triển của TTCK, đặc biệt là tính minh bạch của TTCK đã và đang thu hút các tổ chức phát hành (bên cầu vốn) và NĐT (bên cung vốn). Cùng với sự thông thoáng của hệ thống quy định pháp luật về DN, về đầu tư, thì TTCK với chức năng là kênh lưu chuyển vốn cho khu vực tư nhân sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.

TTCK cũng hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Nhờ vào sự phát triển của TTCK, các NHTM huy động được lượng vốn lớn qua phát hành cổ phiếu, để đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ theo quy định của NHNN trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống các NHTM. Từ năm 2005 đến nay, thông qua TTCK, các NHTM đại chúng đã huy động được hơn 252.000 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu, tổng vốn điều lệ tăng từ 20.600 tỷ đồng lên 272.600 tỷ đồng.

Thậm chí, trong giai đoạn khó khăn nhất của hệ thống này từ năm 2009 đến 2014, TTCK đã giúp các NHTM huy động được 74.000 tỷ đồng vốn cổ phần. Tổng vốn điều lệ khi niêm yết của 6 ngân hàng trên HOSE (CTG, EIB, BID, STB, VCB, MBB) là 69.464 tỷ đồng, thì hiện nay đã tăng gần 100%, lên đến 130.000 tỷ đồng. TTCK không chỉ trực tiếp hỗ trợ, làm tăng vốn khả dụng của các NHTM, mà còn gián tiếp hỗ trợ cung vốn cho nền kinh tế trong giai đoạn nguồn vốn từ các NHTM bị hạn chế do quá trình tái cấu trúc các tổ chức này.

Vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng được giảm thiểu khi các NHTM lên niêm yết, vì phải minh bạch cơ cấu cổ đông, hoạt động giao dịch của các cổ đông và hoạt động quản trị công ty.

Hoàn thiện hệ thống tài chính, giảm thiểu rủi ro hệ thống

Sự phát triển đều đặn, vững chắc về mặt quy mô của TTCK Việt Nam về mặt giá trị tuyệt đối cũng như tương đối so với lĩnh vực ngân hàng trong những năm qua, ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu năm 2008 đã cho thấy cấu trúc hệ thống thị trường tài chính nước ta đang đi theo xu thế chung của thế giới với một cấu trúc cân bằng hơn giữa thị trường tiền tệ - ngân hàng và thị trường vốn (TTCK), bảo đảm sự ổn định của cả hệ thống tài chính.

Vốn huy động qua TTCK ban đầu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với cung tín dụng (năm 2010 chỉ đạt 11%), nhưng đã có sự cải thiện nhanh chóng nhờ các chính sách phát triển TTCK. Đến nay, tỷ lệ vốn huy động qua TTCK đạt khoảng 60% so với cung tín dụng qua hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, trong năm 2014, TTCK cung ứng lượng vốn ước đạt 283.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; trong cùng kỳ, hệ thống ngân hàng cung ứng lượng vốn ước đạt 492.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, dư nợ tín dụng ước đạt trên 101% GDP. Như vậy, về cơ bản, sự phát triển của TTCK đã từng bước góp phần hình thành hệ thống tài chính đa trụ cột.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, các nền kinh tế dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng thường ít năng động hơn các nền kinh tế có thị trường vốn phát triển. Chưa kể, các rủi ro hệ thống tích tụ có thể dẫn tới các cuộc khủng hoảng tiền tệ, khủng hoảng tài chính.

Định hướng phát triển TTCK

Ngày 11/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 252/2012/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020; tiếp đó, ngày 6/12/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1826/2012/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cấu trúc TTCK và DN bảo hiểm. Hai văn bản quan trọng này đã đưa ra những triết lý và giá trị phát triển của TTCK, các định hướng lớn, mục tiêu phát triển cụ thể, lộ trình và giải pháp chi tiết trong từng thời kỳ đối với TTCK. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã kiên định và thực hiện hiệu quả các giải pháp tại hai văn bản nêu trên.

Để thúc đẩy sự phát triển của TTCK trong giai đoạn tới, thứ nhất, cần nhìn nhận và định vị đúng hơn vai trò của TTCK trong hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Cần có sự đột phá trong tư duy, theo đó, TTCK phải được chú tâm phát triển, để cùng gánh vác vai trò chu chuyển vốn một cách hiệu quả cho nền kinh tế.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu như nền kinh tế chủ yếu trông đợi vào vốn được huy động qua hệ thống ngân hàng, thì sự tích tụ vốn sẽ làm tăng rủi ro trong hệ thống, đồng thời về lâu dài, nền kinh tế trở nên kém năng động do phụ thuộc vào dòng vốn thụ động với bản chất vay - cho vay, không nhấn mạnh tới hiệu quả của dòng vốn đầu tư theo tín hiệu của thị trường (như dòng vốn trên TTCK).

Thứ hai, cần gắn kết chặt chẽ sự phát triển của TTCK với quá trình cải cách thể chế, tái cơ cấu và phát triển kinh tế. TTCK không chỉ là một kênh dẫn vốn trong nền kinh tế, giúp Chính phủ, DN huy động vốn để đầu tư phát triển, mà sự phát triển của TTCK cần được nhìn nhận như một công cụ, giải pháp quan trọng hỗ trợ:

(i) cải cách và tái cấu trúc DNNN (như thúc đẩy cổ phần hóa và minh bạch hóa hoạt động DNNN);

(ii) tái cấu trúc hệ thống NHTM (giúp nâng cao năng lực tài chính, cải thiện hoạt động quản trị rủi ro và quản trị ngân hàng; cung cấp nguồn vốn bổ sung cho kênh tín dụng của hệ thống ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc);

(iii) hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội (giúp hình thành và phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội phổ cập và đa trụ cột). Các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách về đầu tư và thương mại cần có sự phối hợp hài hòa, tạo điều kiện và dư địa để TTCK là một cấu phần không thể tách rời, cùng phát triển với các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Thứ ba, tranh thủ và tận dụng các cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tiến trình cải cách thể chế trong nước. Cải cách mạnh mẽ thể chế và hệ thống quy định pháp lý, loại bỏ những quy định có tính hành chính, xây dựng hệ thống quy định pháp lý hướng dẫn nghiệp vụ theo thông lệ quốc tế tốt nhất.

Mục tiêu xuyên suốt là khơi thông triệt để dòng lưu chuyển vốn trong nước và thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài. TTCK phải được coi là kênh huy động vốn quan trọng, phân bổ vốn hiệu quả theo tín hiệu thị trường và xác định giá trị DN, giá trị tài sản hợp lý.

Thứ tư, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển TTCK đã đề ra. Về cung hàng hóa, cần tăng cung, đa dạng hóa nguồn cung gắn với nâng cao chất lượng chứng khoán:

(i) Gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK;

(ii) Cho phép niêm yết, giao dịch các loại hình chứng khoán phái sinh, các sản phẩm quỹ đầu tư, sản phẩm cơ cấu nhằm tạo thêm công cụ đầu tư và phòng ngừa rủi ro;

(iii) Từng bước ban hành và áp dụng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán, công bố thông tin và quản trị công ty theo thông lệ quốc tế.

Về cầu hàng hóa, cần đa dạng hóa cơ sở NĐT, thu hút sự tham gia của NĐT nhỏ lẻ, cá nhân kết hợp khuyến khích phát triển hệ thống NĐT tổ chức, thông qua chính sách thuế thu nhập đầu tư chứng khoán hợp lý. Lấy hệ thống NĐT tổ chức là nền tảng để thúc đẩy phát triển theo chiều sâu, bảo đảm tính bền vững của TTCK.

Thiết lập hệ thống các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung với mục tiêu chính là bảo đảm an sinh xã hội, kết hợp thúc đẩy phát triển thị trường tài chính. Tranh thủ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế để thu hút vốn đầu tư và kinh nghiệm kỹ trị, quản trị DN của NĐT nước ngoài vào TTCK Việt Nam.

Về định chế trung gian và tổ chức thị trường: (i) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm thu hẹp số lượng các tổ chức này kết hợp với nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực tài chính và quản trị rủi ro; (ii) Hiện đại hóa tổ chức thị trường, hạ tầng công nghệ, hệ thống giao dịch, hệ thống thanh toán bù trừ, hệ thống giám sát và công bố thông tin theo thông lệ quốc tế.

Thứ năm, thúc đẩy TTCK phát triển về chiều rộng, kết hợp với đổi mới, cơ cấu lại nhằm củng cố chất lượng và chiều sâu của thị trường, bảo đảm TTCK phát triển bền vững, ổn định, hoạt động hiệu quả, an toàn.

Xu hướng phát triển TTCK là từng bước tự do hóa các hoạt động của thị trường, gắn liền với nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý giám sát dựa trên rủi ro và cưỡng chế thực thi nhằm củng cố lòng tin của NĐT; nâng cao năng lực, ý thức về quản trị công ty, quản trị rủi ro, trách nhiệm giải trình và tuân thủ pháp luật của các tổ chức phát hành, các tổ chức trung gian thị trường; tuyên truyền, phổ cập kiến thức về TTCK nhằm nâng cao nhận thức về TTCK và kiến thức pháp luật về TTCK cho công chúng đầu tư.

TSKH. Nguyễn Thành Long
Đặc san 15 Năm TTCK

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục