Gặp chị Phương Hoàng Lan Hương, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, chị bảo, 15 năm qua, Đầu tư Chứng khoán sống được theo TTCK, đó là thành công đáng ngưỡng mộ.
Lời khen của người phụ nữ có nụ cười tỏa nắng, đứng đầu tổ chức gìn giữ tài sản chứng khoán của nhà đầu tư và thực hiện các hoạt động phía sau giao dịch, luôn đặt sự chân thực và lòng tin là những giá trị hướng tới, tôi tin là không sáo.
Bà Phạm Oanh, Trưởng ban Chứng Khoán
Một ngày cuối tháng 9/1999, tôi - cô sinh viên mới nhận bằng tốt nghiệp chưa biết tìm việc nơi đâu - vô tình biết tin Báo Đầu tư đang tuyển phóng viên, biên tập viên.
Chưa một ngày học làm báo, cũng chưa từng viết báo, nhưng trong tâm thế của kẻ cần việc, cứ có nơi tuyển dụng là ứng thi, tôi đã mạnh dạn nộp đơn xin việc vào Báo Đầu tư.
Vòng thi kiến thức không quá khó, bởi các câu hỏi xoay quanh những câu chuyện thời sự của thị trường tài chính, ngân hàng - đúng ngành học chính của tôi tại trường đại học. Tôi vượt qua vòng thi đầu tiên dễ dàng, dù có gần 1.000 thí sinh tham dự.
Tôi nhớ khi đó, Báo Đầu tư đã phải tổ chức thi như thi đại học, thuê riêng một trường học mới đủ phòng thi. Nhưng tới vòng phỏng vấn, tôi thực sự cảm thấy áp lực. Vòng này, tôi bị “test” trực tiếp bởi các nhà báo, lại là lãnh đạo Báo. Tôi đã xin mẹ 150.000 đồng, mua một cái áo mới và lấy hết tinh thần đến dự thi.
May mắn với tôi là Hội đồng tuyển dụng ngày đó có 7 thành viên, thì có 3 thành viên xuất thân từ dân chuyên toán. Hội đồng tin rằng, tôi, với tư duy của người từng học chuyên toán sẽ dần dần hiểu việc và làm việc được tại tòa báo.
Và tôi vào nghề như một định mệnh. Gắn bó với nghề có lẽ bởi cái duyên với hai điểm mới: nghề mới, TTCK quá mới (Năm 1999, khi Báo Đầu tư Chứng khoán ra mắt, TTCK Việt Nam chưa mở cửa). Được vào làm việc tại Báo Đầu tư, tôi cứ mải học, mải làm, làm mãi, học mãi vẫn chưa thấy mình vững nghề để… thay đổi nghề mới.
Gặp nhiều lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) bây giờ, các anh chị thường nhắc đến hình ảnh cô gái gầy nhom (là tôi của năm 1999, 2000), tuần nào cũng sang Ủy ban, gõ cửa khắp các phòng làm việc chỉ để đề nghị: Hãy viết bài cho Báo Đầu tư Chứng khoán!
Mỗi tuần một số báo ra mắt bạn đọc, nhiệm vụ Ban Biên tập giao cho tôi là làm sao tổ chức đủ bài, đảm bảo có thông tin mới, có kiến thức mới, có các diễn đàn theo các chủ đề khác nhau để các chuyên gia tranh luận về hình hài và con đường xây dựng TTCK Việt Nam.
Thời đó, chưa có mấy người hiểu biết về TTCK, nên các bài viết của chuyên gia hay những người làm việc trong ngành chủ yếu xoay quanh việc giới thiệu về các TTCK quốc tế, phổ biến kiến thức, chia sẻ một số bài học cho việc xây dựng TTCK Việt Nam….
Ở một nhánh khác, Văn phòng đại diện tại TP. HCM của Báo Đầu tư, nơi có thị trường tài chính năng động hơn, Ban Biên tập đặt bài các chuyên gia kinh tế như Trần Tô Tử, Đặng Quang Gia, Bùi Nguyên Hoàn, Huy Nam… viết thường xuyên cho Báo.
Tôi nhớ mãi kỷ niệm một lần sang gõ cửa phòng làm việc của một vị lãnh đạo ngành, cũng chỉ để đặt bài cho Đầu tư Chứng khoán. Vừa nhìn thấy tôi, vị ấy đóng sầm cửa lại. Có thể vì vị ấy quá bận, cũng có thể vì không muốn bị làm phiền thêm nữa. Tôi bật khóc. Tôi hiểu ra rằng, chúng tôi phải tự làm nội dung, không thể phụ thuộc quá nhiều vào bài vở từ bên ngoài như trước.
Tháng 7/2000, TTCK mở cửa hoạt động với 6 công ty chứng khoán, 4 DN niêm yết và vài trăm nhà đầu tư đầu tiên. Ban Biên tập cử thêm phóng viên viết cho Báo Đầu tư Chứng khoán. Những diễn biến mới của TTCK khiến chúng tôi háo hức ghi nhận, cập nhật cẩn thận, sắp xếp thành các tin, bài để truyền thông đến đại chúng.
Thời kỳ đầu, thị trường giao dịch 2 ngày/lần, có lúc giá cổ phiếu tăng quá nóng, có lúc lại quá nguội lạnh, viết cái gì đăng báo luôn là bài toán rất hóc búa.
Để có đề tài, chất liệu viết bài, tôi tìm cách làm quen với nhiều người. Sáng sáng, tôi đến các sàn giao dịch, trao đổi và lắng nghe câu chuyện của các nhà đầu tư.
Ba sàn tôi đến thường xuyên nhất là Chứng khoán Bảo Việt, Chứng khoán Thăng Long và Chứng khoán BSC. Bởi ở đó, có nhiều nhà đầu tư già dặn, có bác từng làm việc ở nước ngoài, có bác từng là kế toán trưởng đã nghỉ hưu, có bác từng là thuyền trưởng tàu viễn dương…, họ có thể cho tôi nhiều kiến thức thực tế về cổ phiếu, doanh nghiệp.
Về phía cơ quan quản lý, anh Vũ Bằng, chị Liên Hoa, chú Trần Cao Nguyên, anh Trần Dũng, anh Phạm Hồng Sơn… là những người đầu tiên tôi may mắn được tiếp cận và học hỏi từ những ngày chưa biết gì về chứng khoán.
Hồi đó, các anh chị ở cấp chuyên viên hoặc lãnh đạo phòng ban, nên công việc chuyên môn rất bận rộn. Các anh chị làm việc miệt mài để tạo dựng khung pháp lý, xây dựng hình hài TTCK, nhưng tôi vẫn phải “lăn xả” vào họ, với một lý lẽ duy nhất là: Hãy giúp tôi hiểu để truyền thông cho nhiều người cùng hiểu, truyền thông đúng hơn, bớt sai sót hơn.
Trong các doanh nghiệp tiên phong đến với TTCK, anh Vũ Dương Hiền của HAPACO, anh Nguyễn Duy Hưng của SSI, anh Hồ Công Hưởng của BSC, anh Lê Đình Ngọc của Chứng khoán Thăng Long, anh Nguyễn Quang Vinh của Chứng khoán Bảo Việt, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai của Chứng khoán Công thương (chị Mai nay vướng vào vòng lao lý)… là những người tôi đã may mắn được quen biết, được học hỏi trong những ngày đầu tiên ấy.
Cho đến năm 2005, Báo Đầu tư Chứng khoán vẫn duy trì tần suất 1 số/tuần và trên mặt báo thường xuyên có mục Phổ biến kiến thức hoặc Đọc sách giúp bạn, Thư gửi từ TTCK nước ngoài.
Lúc này, Internet chưa phát triển, Đầu tư Chứng khoán là tờ báo được hầu hết doanh nghiệp tham gia TTCK đặt mua, nhà đầu tư tìm đọc để có thông tin, kiến thức mới. Đội ngũ làm báo được Ban biên tập bổ sung thêm người để chuẩn bị bước sang giai đoạn mới, phát triển độc lập, tự chủ dần về tài chính, chứ không còn phải bù lỗ như những năm đầu.
Năm 2006 - 2007, TTCK Việt Nam bùng nổ, Đầu tư Chứng khoán được nâng tần suất xuất bản lên 3 số/tuần. Nhiều giai đoạn, báo vừa in ra nóng hổi đã được các đại lý đến tận nhà in lấy về.
Lên nhiều sàn giao dịch lúc bấy giờ (nhất là sàn Habubank và TSC), không khó để bắt gặp những sinh viên kiếm thêm bằng việc bán báo Đầu tư Chứng khoán. Tòa soạn phát hành với giá 4.800 đồng/tờ, họ mua lại và đem bán cho nhà đầu tư với giá 10.000 đồng hoặc 15.000 đồng. Nhưng nhà đầu tư chả lăn tăn khi rút ví, vì họ cần thông tin và dễ dàng kiếm lời từ TTCK.
Năm 2007 cũng là năm Báo Đầu tư có Tổng Biên tập mới, TS. Nguyễn Anh Tuấn. Từ đây, Ban Chứng khoán được kiện toàn với Trưởng ban đầu tiên là anh Đỗ Xuân Khánh và không gian làm báo của chúng tôi có sự thay đổi mạnh mẽ.
Không chỉ làm báo đơn thuần, chúng tôi còn tổ chức sự kiện, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, xây dựng các giải thưởng (Báo cáo thường niên, M&A…), xuất bản các chuyên đề, đặc san, tổ chức các diễn đàn đầu tư trên quy mô toàn quốc…
Đội ngũ làm báo liên tục được kiện toàn, bổ sung thêm các biên tập viên, phóng viên mới, tạo nên bức tranh đa sắc cho Báo Đầu tư Chứng khoán. Báo Đầu tư Chứng khoán điện tử ra đời năm 2007, đáp ứng nhu cầu đọc online, khi Internet đã phổ cập trong đời sống xã hội. Báo Đầu tư Chứng khoán bước vào giai đoạn phát triển báo viết và báo điện tử song hành.
15 năm đã biến TTCK Việt Nam từ mốc sơ khởi chỉ có 4 DN niêm yết, thành một thị trường có gần 700 DN niêm yết, quy mô vốn hóa trên 30% GDP. Từ chỗ chỉ có vài trăm nhà đầu tư, nay có 1,6 triệu nhà đầu tư tham gia thị trường.
Trong lớp 6 CTCK đầu tiên, 4 công ty phải trải qua lắm thăng trầm, nếm nỗi đau thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu, chỉ duy nhất CTCK Sài Gòn - CTCK nhỏ nhất trong nhóm có bước phát triển mạnh, trở thành biểu tượng đẹp của khối định chế tài chính trung gian trên TTCK Việt Nam.
Ôn lại chặng đường đã qua của TTCK, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng nói, 15 năm trước, không ai có thể tưởng tượng được TTCK lại phát triển như bây giờ. Việc Báo Đầu tư Chứng khoán đứng vững, theo Chủ tịch SSI, là rất đáng tự hào, khi thực tế đã cho thấy, biết bao chủ thể, cả niêm yết và CTCK, nhiều nhà đầu tư tổ chúc phải rời bỏ TTCK, vì sức ép rủi ro quá lớn.
15 năm ấy, cá nhân tôi, người được Tòa soạn giao nhiệm vụ làm Báo Đầu tư Chứng khoán từ buổi ban mai của thị trường, đã già đi nhiều hơn 15 tuổi, nhưng tình yêu với tờ báo, với TTCK, với những người đã tạo dựng, giúp đỡ và dẫn dắt tôi vẫn nồng ấm, vẹn nguyên như những ngày đầu.
Tất nhiên, trong 15 năm ấy, cũng không ít những lúc tôi và các cộng sự của mình cảm thấy mệt mỏi, quá tải vì công việc, không ít lần cảm thấy có lỗi vì hiểu biết hạn chế mà thông tin không thật chuẩn, ít nhiều ảnh hưởng đến các chủ thể khác trên thị trường… Thay lời kết, xin mượn một bài hát để chia sẻ về “chuyện tình” của tôi với ĐTCK, trong niềm tin TTCK Việt Nam sẽ phát triển và Báo ĐTCK sẽ đứng vững cùng thị trường.
“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng
Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai
Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió
Lời hứa ghi trong tim mình
Vẫn bước đi hiên ngang đầu ngẩng cao…
Ngày đó ngày đó sẽ không xa xôi
Và chúng ta là người chiến thắng
Đường đến những ngày vinh quang không còn xa
Dù khó khăn vẫn còn”.