Một hội thảo nhằm xác định vai trò/thực trạng TTCK Việt Nam sẽ được Sở GDCK TP. HCM dự kiến tổ chức vào giữa tháng 5 với sự tham dự của nhiều nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành trong nền kinh tế. Hàng loạt câu hỏi quan trọng sẽ được mang ra mổ xẻ, đối thoại tại sự kiện này.
Đặt lên bàn đối thoại là những câu hỏi: TTCK có được nhìn nhận đúng mực là kênh huy động vốn trong nền kinh tế không? Cho đến nay, TTCK đã làm được gì ở vai trò là kênh huy động vốn cho các DN và tác động thực tế từ TTCK đến quá trình tái cấu trúc DNNN là như thế nào? Bản chất sự phụ thuộc của TTCK vào vốn ngân hàng ra sao…?
Cùng với đó là câu hỏi thời sự: Thông tư 36/2014/TT-NHNN (hạn chế dòng tiền từ ngân hàng cho vay đầu tư cổ phiếu ở 5% vốn điều lệ) có quá khắt khe không và tại sao ngành chứng khoán không tự đưa ra nhiều sản phẩm để giúp các chủ thể (đặc biệt là CTCK) huy động vốn từ nhà đầu tư thay vì lo lắng và mong đợi Ngân hàng Nhà nước, thậm chí Chính phủ sẽ chỉ đạo sửa Thông tư 36?
Nội dung nóng bỏng khác dự kiến sẽ được các chuyên gia phân tích là nới rộng tỷ lệ đầu tư tối đa cho khối ngoại (tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP) liệu có phải là giải pháp tăng sức hấp dẫn dòng vốn ngoại, tăng vai trò huy động vốn của TTCK trong nền kinh tế không? Liên quan đến cổ phần hóa DNNN, sau Quyết định 51/2014/QĐ-TTg và Công văn 2260/2015 của Bộ Tài chính, dư luận vẫn không hiểu rõ DNNN sau cổ phần hóa có quyền lựa chọn niêm yết hay bắt buộc phải lên sàn UPCoM trước khi niêm yết?... Với cách đặt vấn đề rất sát thực tiễn, công chúng chờ đợi các chuyên gia sẽ chia sẻ nhiều thông tin, góc nhìn có giá trị cho việc định hình sự phát triển của TTCK trong tương lai.
Đánh giá vai trò huy động vốn của TTCK với các DN, thống kê cho thấy, các DN trong VN30 có tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ gần 60%/năm kể từ khi niêm yết. Giữ vị trí kỷ lục là Tập đoàn Vingroup - VIC, khi vốn điều lệ ngày mới lên sàn chỉ có 800 tỷ đồng, nhưng nay đã lên đến 14.546 tỷ đồng. CTCP Cơ điện lạnh xếp thứ hai, khi lên sàn có vốn 150 tỷ đồng, nhưng nay đạt đến gần 2.700 tỷ đồng vốn điều lệ. Một loạt DN tên tuổi khác như FPT, VNM, CII, KDC, PVD, SSI, HPG, HAG… có mức tăng vốn từ 40% - 100%/năm kể từ khi niêm yết trên TTCK. Huy động được vốn chính là yếu tố quan trọng, giúp các DN vươn tầm hoạt động, trở thành những DN lớn, thành danh trên thương trường.
Khối ngân hàng cổ phần, thống kê cho thấy, nếu tổng vốn điều lệ của 6 ngân hàng trên HOSE (CTG, EIB, BID, STB, VCB, MBB) ngày chào sàn chỉ có 69.464 tỷ đồng, thì hiện nay đã tăng gần 100%, lên đến 130.000 tỷ đồng. Nếu không có TTCK, các ngân hàng sẽ không dễ dàng huy động được lượng vốn lớn, đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và giúp nhiều ngân hàng định hình là những tập đoàn tài chính hiện nay.
Nhìn tổng thể, TTCK Việt Nam có quy mô còn khiêm tốn, vốn hóa mới bằng 31% GDP (sàn HOSE chiếm 88%), nhưng nhìn sâu hơn, vai trò của TTCK trong việc giúp các DN, trong đó có nhiều ngân hàng huy động vốn là không thể phủ nhận. Vậy làm thế nào để chính sách phát triển TTCK không mang tính giật cục, mà có sự thống nhất chung trong tổng thể chính sách phát triển thị trường tài chính (gồm hai cấu phần là thị trường vốn và thị trường tiền tệ), là điểm cần nhiều sự tranh luận để thống nhất cách làm từ những người có trách nhiệm trên các thị trường này.
Một hội thảo tương tự đã được Ban Kinh tế Trung ương và HOSE phối hợp tổ chức cách đây 1 năm đã chỉ ra nhiều điểm lệch trên thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt là lệch về vai trò cung ứng vốn dài hạn của hệ thống ngân hàng và TTCK. Nói như GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương thì những điểm lệch phải được “cân lại” sớm, mới có thể thúc đẩy một thị trường tài chính lành mạnh tại Việt Nam.