T&T và SHB liệu có được chấp thuận mua cảng Quảng Ninh?

Việc Cảng Quảng Ninh sẽ là cảng biển lớn đầu tiên được phép thoái toàn bộ vốn nhà nước đang hứa hẹn mở cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia nắm giữ.
Tổng sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quảng Ninh đạt 6,5 triệu tấn trong năm 2014. Ảnh: Đức Thanh Tổng sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quảng Ninh đạt 6,5 triệu tấn trong năm 2014. Ảnh: Đức Thanh

Mũi tên trúng 3 đích

Các nhà đầu tư đang rất quan tâm việc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa chính thức trình lại Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phương án chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của Vinalines tại CTCP Cảng Quảng Ninh. Theo đó, điểm nhấn quan trọng nhất của phương án thoái vốn mới tại doanh nghiệp cảng biển lớn thứ hai ở khu vực phía Bắc là việc Vinalines đề xuất thoái toàn bộ 98,02% vốn điều lệ tại Cảng Quảng Ninh (tương đương 49.060.387 cổ phần) thay vì tiếp tục giữ 51% vốn điều lệ như phương án được chính đơn vị này đề xuất vào tháng 11/2014.

Theo các chuyên gia, đợt thoái vốn này được đánh giá là có quy mô lớn nhất và triệt để nhất kể từ khi Vinalines được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT “bật đèn xanh” để mạnh tay tái cơ cấu các đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực khai thác cảng biển.

Kế hoạch thoái vốn đầy tham vọng này được lãnh đạo Vinalines đánh giá là một mũi tên trúng ba đích.

Cụ thể, với Vinalines, việc thoái vốn sẽ giúp Tổng công ty thu được ít nhất 490,6 tỷ đồng - một nguồn lực tài chính đáng kể phục vụ công tác tái cơ cấu các khoản nợ. Đối với CTCP Cảng Quảng Ninh, việc thoái vốn nhà nước sẽ mở ra cơ hội để các nhà đầu tư có năng lực tài chính tham gia vào quản trị doanh nghiệp với những phương thức quản lý mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của Cảng. Bên cạnh đó, với tư cách là một trong hai cảng đầu mối lớn nhất và đóng vai trò là cảng hàng rời chính yếu ở khu vực phía Bắc trong vài năm tới, việc tham gia góp vốn với tỷ lệ chi phối tại Cảng Quảng Ninh là cơ hội hiếm có dành cho các nhà đầu tư nếu có đủ tiềm lực tài chính.

Được biết, mặc dù vận tải biển đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng trong năm 2014, tổng sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Quảng Ninh vẫn đạt khoảng 6,5 triệu tấn, mang lại doanh thu 316 tỷ đồng và 12 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho đơn vị khai thác.

Trước đó, trong phương án cổ phần hóa Cảng Quảng Ninh được Bộ GTVT phê duyệt hồi giữa năm 2014, có khoảng 25% lượng cổ phần được bán ra bên ngoài. Tuy nhiên, trong đợt IPO vào đầu tháng 10/2014, Cảng Quảng Ninh chỉ bán được 206.822 cổ phần cho các cổ đông bên ngoài (tương đương 0,42% vốn điều lệ), cùng 707.037 cổ phần (tương đương 1,41% vốn điều lệ) bán ưu đãi cho người lao động và 75.690 cổ phần (tương đương 0,15% vốn điều lệ) bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn. Tình trạng ế nặng cổ phiếu còn xuất hiện tại một loạt các cảng biển khác như Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng.

“Điều khiến các nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà với cổ phiếu cảng biển là tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước vẫn còn quá cao khi đã cổ phần hóa. Chính vì vậy việc nhà nước chấp nhận thoái vốn sâu sẽ tạo thêm hấp lực mới cho các nhà đầu tư với cổ phiếu ngành cảng biển”, ông Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines cho biết.

Cửa chỉ mở cho nhà đầu tư nội?

Có đến 99% khả năng cổ phần Cảng Quảng Ninh được Nhà nước thoái vốn trong đợt này sẽ được dành cho nhà đầu tư trong nước do vị trí đặc biệt quan trọng tới an ninh - quốc phòng mà cảng biển vùng Đông Bắc này nắm giữ.

Đây có lẽ cũng là lý do mà Vinalines mạnh dạn đề xuất thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Cảng Quảng Ninh thay vì chỉ chấp nhận bán tối đa 29,58% vốn điều lệ cho đối tác nước ngoài như trường hợp của CTCP Cảng Hải Phòng.

Theo thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư điên tử  - Baodautu.vn nhận được, CTCP Tập đoàn T&T hiện là nhà đầu tư trong nước sốt sắng nhất quan tâm trở thành cổ đông tuyệt đối tại Cảng Quảng Ninh.

Ngay từ tháng 8/2014, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB đã gửi văn bản tới Bộ GTVT đề nghị được nhận chuyển nhượng 100% vốn cổ phần nhà nước tại Cảng Quảng Ninh. Thậm chí vào tháng 9/2014, Vinalines và ông Hiển đã có buổi làm việc để tìm hiểu tình hình doanh nghiệp cũng như định hướng phát triển cụ thể của Cảng Quảng Ninh.

Cho đến đầu tháng 1/2015, ông Hiển một lần nữa thể hiện quyết tâm nắm giữ Cảng Quảng Ninh thông qua việc mua lại cổ phần của Nhà nước dưới hình thức chỉ định đồng thời cam kết phát triển kinh doanh, giải quyết việc làm tại Cảng theo đúng định hướng của Chính phủ, Bộ GTVT.

Hiện chưa rõ T&T có được “một mình, một chợ” không, bởi rất có thể khi phương án thoái vốn được Bộ GTVT phê duyệt, sẽ xuất hiện thêm nhà đầu tư mới vì 490 tỷ đồng không phải là con số quá lớn ngay cả với nhà đầu tư tư nhân trong nước. Chính vì vậy, trong đề xuất của mình, Vinalines vẫn đưa ra hai phương thức chuyển nhượng: đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán và bán thỏa thuận trực tiếp (trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua hoặc được Thủ tướng Chính phủ cho phép bán thỏa thuận trực tiếp).

“Căn cứ vào triển vọng của Cảng, khả năng chuyển nhượng vốn đầu tư của Vinalines tại Cảng Quảng Ninh theo phương thức đấu giá công khai ra công chúng sẽ thành công, nhất là tại thời điểm hiện nay”, ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines đánh giá.

Anh Minh
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục