Cảng Chân Mây sau khi cổ phần hóa sẽ có vốn điều lệ 308,623 tỷ đồng. Số cổ phần đem ra đấu giá lần này là 7.431.775 cổ phần, với giá khởi điểm 10.700 đồng/cổ phần.
Nhìn vào tiềm lực của Cảng Chân Mây, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng kinh doanh ổn định của doanh nghiệp này thời gian tới, nhưng điều đó có lẽ là chưa đủ để cổ phiếu này hút hàng khi IPO.
Cảng Chân Mây nằm giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung (Huế và Đà Nẵng). Cảng có Bến số 1 với chiều dài 420 m, độ sâu trước bến 12,5 m đủ khả năng đón tàu có trọng tải 30.000 DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn. Về quy hoạch dài hạn, Cảng Chân Mây sẽ phát triển đào sâu vào đất liền với chiều dài bến cảng có thể đạt đến 20 km và lượng hàng thông qua có thể đạt đến 100 triệu tấn/năm, tương lai có khả năng tiếp nhận tàu biển có trọng tải đến 50.000 DWT.
Tình hình kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Cảng Chân Mây cũng đang có những tiến triển khá tốt. Trong 9 tháng đầu năm, Cảng Chân Mây đạt doanh thu hơn 70,2 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với mức gần 56 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng của Cảng đạt gần 4,4 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với mức 3,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, một thực tế khiến giới đầu tư không khỏi lo ngại trước đợt IPO Cảng Chân Mây là những tiền lệ ế ẩm cổ phiếu của nhiều cảng biển lớn khác và tiền lệ này cũng rất có thể sẽ “vận” vào Cảng Chân Mây.
Hồi tháng 5/2014, Công ty TNHH một thành viên Cảng Hải Phòng đã IPO 37.635.600 cổ phần, nhưng chỉ bán được 17.669.000 cổ phần, tức bị ế quá nửa số cổ phần chào bán.
Tuy vậy, cổ phiếu Cảng Hải Phòng vẫn được đánh giá là bán chạy nếu so với nhiều cảng biển khác. Cảng Quảng Ninh khi đưa ra IPO 11,3 triệu cổ phần vào cuối tháng 5 đã phải ngậm ngùi chỉ bán được 854.500 cổ phần, chiếm tỷ lệ 7,5%, thu về 9 tỷ đồng.
Số phận của Cảng Nha Trang thậm chí còn đìu hiu hơn nữa, khi IPO hơn 5,5 triệu cổ phần, mà chỉ bán được 350.800 cổ phần, bằng 6,3% số cổ phần chào bán, thu về hơn 3,5 tỷ đồng.
Tương tự, thành viên họ hàng nhà cảng tại khu vực miền Trung là Cảng Đà Nẵng khi thực hiện IPO hồi tháng 6/2014 chỉ bán được 1,6 triệu trên tổng số 8,3 triệu cổ phần chào bán.
Sau khi các cảng biển gặp khó khăn khi bán cổ phần, nhiều chuyên gia cho rằng, các cảng biển đã khá dè dặt khi đưa tỷ lệ cổ phần bán ra ngoài khá thấp. Ông Nguyễn Hồng Quang, chuyên gia phân tích lĩnh vực kinh doanh cảng biển của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, lý do chính khiến các đợt IPO cảng biển không như ý là thiếu sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài hoặc đối tác chiến lược. Theo ông Quang, nhà đầu tư nước ngoài cần thanh khoản tốt, nếu đầu tư dài hạn, họ cũng muốn được tham gia điều hành, nhưng tỷ lệ sở hữu nhà nước còn quá cao khiến nhóm nhà đầu tư này ít mặn mà.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cơ chế mới trong chào bán cổ phần các cảng biển và tùy thuộc vào vị thế, tình hình của từng doanh nghiệp, Chính phủ sẽ quyết định tỷ lệ Nhà nước nắm cổ phần của từng cảng. Dù vậy, riêng trường hợp Cảng Chân Mây, giới phân tích cho rằng, tỷ lệ cổ phần bán ra ngoài chỉ ở mức 24% vẫn chưa phải là mức hấp dẫn đối với các tổ chức đầu tư lớn.
Tình trạng trầy trật của hàng loạt “đàn anh” trong ngành cảng biển khi bán cổ phần rõ ràng tạo áp lực không nhỏ đối với Cảng Chân Mây khi IPO đợt này. Tuy nhiên, Cảng Chân Mây cũng hướng lợi thế riêng. Trong khi các cảng biển lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang… dồn dập tiến hành IPO trong một khoảng thời gian ngắn (tháng 5 - tháng 6), làm loãng sức mua đối với cổ phiếu cảng, thì đợt IPO lần này của Cảng Chân Mây đã lùi một khoảng thời gian dài sau “cơn mưa” cổ phiếu cảng từ thời điểm giữa năm.