TS. Cấn Văn Lực chỉ ra 9 thách thức lớn trong phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đến hết năm 2024 và cả năm 2025, Việt Nam cần tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Trong trung và dài hạn, nước ta cần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược tài chính đến năm 2030 cùng với việc ưu tiên hoàn thiện thể chế.
TS. Cấn Văn Lực chỉ ra 9 thách thức lớn trong phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Tại Hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững” do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức sáng ngày 16/8, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, thị trường TPDN Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều rủi ro, thách thức cần nhận diện đầy đủ.

Một là vấn đề niềm tin cần thời gian để phục hồi. Mặc dù đến nay, các cơ quan chức năng đã xử lý cơ bản các trường hợp sai phạm xảy ra trên thị trường TPDN thời gian qua, nhưng cần nhiều thời gian để củng cố niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.

Hai là rủi ro TPDN đáo hạn và quá hạn thanh toán còn cao. Theo VIS Ratings ước tính, khoảng 27% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả nợ đúng hạn trong 12 tháng tới (trong đó bao gồm 65% trái phiếu đã chậm trả trước đó). Kỳ vọng với đà kinh tế tăng trưởng khá cao năm 2024 - 2025 và đà phục hồi sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của đa số các doanh nghiệp (nhất là khối niêm yết), rủi ro này sẽ giảm dần.

Ba là rủi ro lan truyền và liên thông giữa thị trường ngân hàng – chứng khoán – bất động sản vẫn luôn tiềm ẩn.

Bốn là quy mô thị trường còn nhỏ. Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam tới cuối tháng 3/2024 là chưa tới 10% GDP, trong khi tại nhiều quốc gia phát triển, thị trường trái phiếu đạt quy mô 50 – 70% GDP.

Năm là thị trường TPDN đang phát triển chủ yếu dựa vào TPDN phát hành riêng lẻ. Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tỷ lệ phát hành riêng lẻ trên thị trường trong 7 tháng đầu năm 2024 vào khoảng 92%, và con số của giai đoạn trước cũng tương tự, thậm chí còn cao hơn.

Sáu là cơ cấu nhà đầu tư TPDN còn nhiều bất cập. NHTM hiện nay đang là bên mua chính trong các đợt phát hành TPDN, trong khi các nhà đầu tư tổ chức khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán…còn chiếm tỷ trọng nhỏ.

Bảy là hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu còn bất cập, một số thông tin về quy mô phát hành, cơ cấu nhà đầu tư… chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch TPDN tập trung mới đưa vào vận hành được hơn 1 năm cũng có ảnh hưởng đến công tác quản lý và tính thanh khoản của thị trường.

Tám là việc áp dụng Nghị định 65/2022/NĐ-CP với những quy định cao hơn, liệu có còn là rào cản đối với phát hành TPDN riêng lẻ hay không là chưa rõ do chưa có rà soát, khảo sát hay đánh giá cụ thể kể từ khi quay lại áp dụng từ đầu năm 2024 đến này.

Chín là nhận thức và mức độ hiểu biết của nhà đầu tư chứng khoán nói chung và TPDN nói riêng còn hạn chế, dẫn đến dễ xảy ra tâm lý đám đông, đầu tư chỉ quan tâm đến lãi suất, bất chấp rủi ro....

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV tại hội thảo sáng 16/8.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV tại hội thảo sáng 16/8.

Từ các thực tế trên, TS. Cấn Văn Lực đã đề cập các giải pháp để phát triển, lành mạnh hóa thị trường TPDN Việt Nam. Trước tiên, đến hết năm 2024 và cả năm 2025 cần tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và phục hồi thị trường TPDN.

Trong trung và dài hạn, cần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược tài chính đến năm 2030 cùng với việc ưu tiên hoàn thiện thể chế.

Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng TTCK nói chung và thị trường TPDN nói riêng, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo....

Ngoài ra cần liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức thông qua nhiều giải pháp khác nhau; hoàn thiện cơ chế và năng lực quản lý và giám sát thị trường; việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính.

Bản thân doanh nghiệp, tổ chức phát hành cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn; quan tâm quản lý rủi ro; chủ động xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, quan tâm tăng trưởng xanh, tài chính xanh.

Về phía nhà đầu tư, cần trau dồi kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, nhất là về các sản phẩm đầu tư, quy định của pháp luật về TTCK và thị trường TPDN, tìm hiểu đầy đủ thông tin về tổ chức phát hành; có thể thông qua nhà đầu tư tổ chức (công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, NHTM…) để có thể đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn, phù hợp.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục