Trung Quốc xem xét nới lỏng thị trường

0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy quá trình mở cửa và nỗ lực đem lại một môi trường kinh doanh theo định hướng thị trường, đẳng cấp thế giới trong một khuôn khổ pháp lý lành mạnh.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (ở giữa) nói chuyện với Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nick Burns (bìa trái) trước thềm cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ở Bắc Kinh vào ngày 29/8/2023. Ảnh: AFP Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (ở giữa) nói chuyện với Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nick Burns (bìa trái) trước thềm cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ở Bắc Kinh vào ngày 29/8/2023. Ảnh: AFP

Lo ngại rủi ro, khối ngoại bán ròng kỷ lục

Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ông Liu Pengyu, đã khẳng định như trên sau khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phản ánh rằng doanh nghiệp Mỹ lo ngại "khó đầu tư" vào Trung Quốc, nhấn mạnh xu hướng các nhà đầu tư toàn cầu quay lưng lại với tài sản ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bộ trưởng Gina Raimondo là quan chức cấp cao mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Trung Quốc trong năm nay. Bộ trưởng Raimondo có chuyến thăm 4 ngày tại hai thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải của Trung Quốc từ ngày 27-30/8, nhằm tăng cường liên lạc, đặc biệt là về kinh tế và quốc phòng, trong bối cảnh lo ngại rằng căng thẳng giữa hai siêu cường có thể vượt quá tầm kiểm soát.

Bộ trưởng Raimondo khẳng định Mỹ không muốn tách rời nền kinh tế Trung Quốc và phản ánh của bà Raimondo về những khó khăn mà doanh nghiệp Mỹ đang đối mặt đã cho thấy tầm quan trọng của dòng chảy thương mại và đầu tư giữa hai siêu cường kinh tế.

Khi được đề nghị đánh giá về những bình luận mà Bộ trưởng Raimondo đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ông Liu Pengyu, cho biết hầu hết trong số 70.000 công ty Mỹ đang kinh doanh ở Trung Quốc đều muốn ở lại nước này, trong đó gần 90% công ty báo lãi và Bắc Kinh đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường tỷ dân.

"Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy quá trình mở cửa ở cấp cao và nỗ lực đem lại một môi trường kinh doanh theo hướng thị trường, đẳng cấp thế giới trong một khuôn khổ pháp lý lành mạnh", ông Liu Pengyu nói thêm. Vị này nhấn mạnh: "Trung Quốc sẽ mở cửa rộng hơn nữa với thế giới bên ngoài".

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận về vấn đề trên, theo Reuters.

Lo ngại trước những cuộc "nắn gân" pháp lý khó lường của Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực, từ thương mại điện tử đến giáo dục trong vài năm gần đây, các nhà đầu tư toàn cầu gần đây đã rút tiền ra khỏi tài sản của Trung Quốc.

Cụ thể, khối ngoại bán ròng 82,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 11,4 tỷ USD) cổ phiếu Trung Quốc trong tháng 8, đánh dấu dòng vốn chảy ra kỷ lục. Tương tự, đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào nước này cũng giảm mạnh khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xuống mức thấp nhất trong quá trình thống kê 25 năm qua.

Ngày 30/8 là ngày cuối cùng trong chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Raimondo. Tại đây, Bộ trưởng Raimondo tiếp tục các hoạt động ở Thượng Hải trước khi trở về Mỹ.

Khi được hỏi về thông điệp cho doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc, Bộ trưởng Raimondo nói: "Thông điệp là hãy tiếp tục làm những gì các bạn đang làm. Chúng tôi muốn các bạn ở đây đầu tư và phát triển".

Trước đó một ngày, trên chuyến tàu cao tốc từ Bắc Kinh đến Thượng Hải, Bộ trưởng Thương mại Mỹ nói với báo chí rằng các công ty Mỹ đã than phiền với bà rằng Trung Quốc đã trở nên "khó đầu tư", đồng thời viện dẫn các khoản tiền phạt, các cuộc “đột kích” doanh nghiệp và các hành động khác khiến việc kinh doanh ở Trung Quốc trở nên rủi ro.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ đang thúc ép Trung Quốc hành động để cải thiện điều kiện kinh doanh.

Ông Michael Hart, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho biết, các doanh nghiệp đã "rất dứt khoát" khi bày tỏ quan ngại của họ với chính phủ Trung Quốc. "Một số hành động nhất định như đột kích các công ty và hạn chế trao đổi dữ liệu, không có lợi cho việc thu hút thêm vốn FDI", ông Hart nói.

Cần một "môi trường kinh doanh dễ đoán hơn"

Bộ trưởng Raimondo cho biết các công ty Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức mới, trong số đó có "các khoản phạt cắt cổ mà không nhận được bất kỳ lời giải thích nào, các sửa đổi đối với luật chống gián điệp không rõ ràng và gây ra làn sóng chấn động trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ; các cuộc đột kích doanh nghiệp - một cấp độ thách thức hoàn toàn mới và chúng tôi muốn những điều đó phải được giải quyết".

Bà Raimondo cho rằng "không có lý do căn bản nào" cho các hành động của Trung Quốc nhằm vào hãng sản xuất chip Mỹ Micron Technology bởi sản phẩm của hãng này bị Bắc Kinh hạn chế trong năm nay; đồng thời người đứng đầu Bộ Thương mại Mỹ cũng bác bỏ mọi so sánh với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Washington.

Theo Bộ trưởng Raimondo, trong tuần này rằng bà không đưa ra bất kỳ cú sốc nào trong cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc khi thảo luận về mối lo ngại của doanh nghiệp Mỹ, bao gồm cả việc cải thiện cách đối xử với hãng chip Micron Technology.

Trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp ngày 30/8 với Bí thư thành ủy Thượng Hải Chen Jining, Bộ trưởng Raimondo đã đưa ra quan điểm tích cực khi nói rằng bà muốn thảo luận về "những cách thức cụ thể mà chúng ta có thể làm việc cùng nhau để hoàn thành các mục tiêu kinh doanh và mang lại một môi trường kinh doanh dễ dự đoán hơn, một môi trường pháp lý có thể dự đoán được và một sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp Mỹ".

Bí thư thành ủy Thượng Hải Chen Jining cho rằng mối quan hệ ổn định giữa Trung Quốc và Mỹ là rất quan trọng đối với thế giới. Thượng Hải là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp Mỹ nhất tại Trung Quốc.

Ông Chen Jining cho rằng: "Quan hệ kinh doanh, thương mại đóng vai trò là điểm tựa ổn định cho quan hệ song phương. Tuy nhiên, tình hình thế giới hiện nay khá phức tạp. Sự phục hồi kinh tế còn mờ nhạt. Vì vậy, quan hệ song phương ổn định về mặt thương mại, kinh doanh là mối quan tâm của hai nước" và cả cộng đồng thế giới.

Đông Phong
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục