Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của các nước châu Á

(ĐTCK) Trung Quốc đang thay thế Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm ngoái, phần nào thể hiện sự tăng trưởng ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với khu vực Đông Nam Á.
Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của các nước châu Á

Trung Quốc có sức ảnh hưởng lớn hơn

Trong 15 năm qua, Mỹ luôn nắm giữ vị trí quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn nhất từ Việt Nam và chỉ bị hạ bệ trong năm 2017 bởi Trung Quốc, theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Diễn biến này sẽ còn tiếp tục khi xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng 33,5% trong quý I/2018 so với cùng kỳ năm trước, so với con số chỉ 20% tại Mỹ, theo cơ quan thống kê của Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu như trước đây, các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam dựa vào Mỹ để cân bằng sự phụ thuộc vào Trung Quốc, thì hiện tại, chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo cơ hội để Đại lục tiến hành giao dịch thương mại và đầu tư nhiều hơn nữa vào Đông Nam Á.

Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của các nước châu Á ảnh 1

 Giá trị xuất khẩu của các quốc gia châu Á sang Mỹ (màu đen) và Trung Quốc (màu đỏ) trong năm 2017

“Các giao dịch thương mại tại châu Á rõ ràng đang chuyển hướng từ Mỹ sang Trung Quốc. Các quốc gia châu Á sẽ ngày càng nhận ra sức ảnh hưởng lớn hơn từ phía Trung Quốc”, Eugenia Victorino, chiến lược gia tại ANZ Banking Group cho biết.

Thực tế, không chỉ Việt Nam, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành người mua hàng lớn nhất tại các nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu tại châu Á, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Pholippines. Ấn Độ là một trong số ít quốc gia châu Á vẫn xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ.

Theo IMF, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng khoảng 15 lần, lên mức 50,6 tỷ USD trong 1 thập kỷ qua, so với mức tăng khoảng 4 lần lên 46,5 tỷ USD đối với Mỹ.

Nỗ lực đa dạng hóa

Các quốc gia Đông Nam Á đang nổi lên trong những năm gần đây như là công xưởng sản xuất lớn trên thế giới, nhờ sở hữu lợi thế nguồn nhân công trẻ và chi phí thấp.

Ngân hàng Thế giới dự báo, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ tăng trưởng thêm 13% mỗi năm trong giai đoạn 2018 – 2020, thúc đẩy chính bởi các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia này.

Đây cũng sẽ là động lực hỗ trợ đà tăng trưởng của nền kinh tế vào khoảng 6,5% cho tới năm 2020, nằm trong số những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Với giá trị xuất khẩu vào khoảng gần 100% GDP năm 2017, việc chỉ phụ thuộc vào 1 thị trường lớn sẽ tạo nên những rủi ro cho nền kinh tế. Chính vì vậy, Việt Nam đang theo đuổi các thỏa thuận thương mại tự do với Nhật Bản, một số quốc gia châu Âu và đồng thời tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bao gồm 10 nước thành viên.

“Việt Nam đang làm rất tốt, nhất là trong việc tích cực tìm kiếm các thỏa thuận thương mại tự do. Với CPTPP đang thành hiện thực, Việt Nam sẽ được hưởng lợi tích cực”, ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nhận định.

Lam Phong (Theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục