Theo các chuyên gia kinh tế, CPTPP được ký kết đã chứng tỏ, sức mạnh của kinh tế và chính trị là dòng chảy không thể ngăn cản. Có hay không có nước Mỹ, khối liên kết kinh tế mới này vẫn là điểm nhấn ấn tượng của hiện tại và tương lai.
11 thành viên của CPTPP hiện chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu, chỉ nhỉnh hơn một nửa của đóng góp lên tới 24,5% GDP thế giới của nước Mỹ. Tuy nhiên, mỗi quốc gia tham gia CPTPP được kỳ vọng sẽ cộng thêm khoảng 1% vào tăng trưởng quốc gia cho tới năm 2030, theo tính toán của Giáo sư Shujiro Urata, Đại học Waseda (Tokyo).
Trong khi đó, Manu Bhaskaran, CEO của Centennial Asia Advisors (Singapore) nhận định: “CPTPP sẽ giúp giữ gìn ngọn lửa của thương mại tự do bừng sáng tại châu Á, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ nhen nhóm trỗi dậy”, cùng với việc mang tới những lợi ích bền vững cho mỗi quốc gia thành viên.
Theo đó, thứ nhất, CPTPP tạo nên một thị trường rộng lớn với 500 triệu người, sản lượng đầu ra trị giá 10.000 tỷ USD, đại diện cho hơn 13% nền kinh tế toàn cầu. Một khi CPTPP được ký kết, nó sẽ là cơn sóng đầu tiên mở đầu cho làn sóng bắt tay xây dựng các thỏa thuận thương mại tự do giữa các quốc gia thành viên với nhau, đồng thời giúp các nền kinh tế hiện chưa có nhiều thỏa thuận thương mại tự do được tận hưởng các mối liên kết thông thoáng, bền vững.
Bên cạnh đó, CPTPP được xem như một liều thuốc trợ lực cho doanh nghiệp, trong bối cảnh các rào cản thương mại được hạ thấp khiến tính cạnh tranh cao hơn, thúc đẩy các công ty phải hiệu quả hơn nữa trong hoạt động. Ở mức độ rộng hơn, chính tính cạnh tranh gia tăng cổ vũ các nền kinh tế đẩy nhanh hơn nữa quá trình cải cách, điều tiết quy định kinh doanh, đầu tư nhiều hơn nữa vào hạ tầng và giáo dục. Tất cả diễn biến này đều tác động tích cực tới tăng trưởng thu nhập và nền kinh tế quốc gia.
Thứ hai, Hiệp định mới được ký kết đúng vào thời điểm thế giới đang chuyển mình trong giai đoạn mới, đó là thời đại của công nghệ tạo nên những tiến bộ vượt bậc. Có thể nói, CPTPP đã nhấn mạnh những vấn đề nóng của thế kỷ XXI như thương mại điện tử và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ một cách rõ ràng. Đây đồng thời cũng là Hiệp định có tầm nhìn đúng đắn về việc chuẩn bị cho quá trình gỡ bỏ các hàng rào thuế quan, cổ vũ thương mại dịch vụ và đầu tư hơn so với các thỏa thuận thương mại trước đây.
Thứ ba, CPTPP củng cố sức mạnh của các quốc gia châu Á, khi họ đang phải đối diện với chủ nghĩa bảo hộ nền kinh tế nội địa của Mỹ. Thực tế, Nhật Bản đã lịch thiệp bác bỏ ý tưởng về một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ, trong khi Hàn Quốc – vốn đang trong quá trình đàm phán FTA với Hoa Kỳ, cũng nhận thấy sức mạnh của mình lớn hơn trên bàn đàm phán.
Theo Manu Bhaskaran, đã có một số báo cáo chỉ ra rằng, CPTPP sẽ mang tới nhiều lợi ích cho các nước ký kết, trong đó Malaysia và Việt Nam là những quốc gia hưởng lợi lớn nhất, sau đó là Singapore.
Trong khi đó, các nền kinh tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài loan, Indonesia và Thái Lan, hiện chưa phải thành viên của CPTPP, sẽ đứng bên ngoài lề của một sân chơi lớn và ít nhiều chứng kiến hoạt động đầu tư, giao thương có xu hướng chuyển dịch về nội khối 11 quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhiều khả năng sẽ có thêm các nền kinh tế tham gia vào Hiệp định, biến đây thành một khung khổ hợp tác chính tại châu Á nói riêng và trên thế giới nói chung.
Thực tế, một điểm nhấn được đánh giá cao đối với CPTPP là tính chất mở của hiệp định. Kazuyoshi Umemoto, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản cho biết: “TPP được thiết lập với tính mở, có các quy định chung, hệ thống thương mại tự do. Vì vậy, nếu bất kỳ quốc gia nào quan tâm và sẵn sàng tôn trọng các quy tắc, chúng tôi có thể bắt đầu thảo luận về chuyện kết nạp”.
Hiện tại, cả Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, Sri Lanka và Vương quốc Anh đều được xem là các nền kinh tế có khả năng được gia nhập vào khối thương mại tự do tại khu vực có động lực tăng trưởng lớn bậc nhất trên thế giới này.