Việt Nam phải chơi thật, hết mình với CPTPP

Thông tin Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được ký tại Chi Lê vào ngày 8/3/2018, theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), là tin tốt. Và để tận dụng cơ hội từ Hiệp định, Việt Nam phải chơi thật, hết mình với CPTPP.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Ông nghĩ thế nào khi vẫn có ý kiến cho rằng, CPTPP, nghĩa là TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) không có Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sẽ không thể đem lại những lợi ích đầu tư - thương mại mà các doanh nghiệp đã kỳ vọng rất lớn trước đó với TPP?

Về góc độ thương mại, đầu tư, CPTPP sẽ không thể hấp dẫn bằng TPP khi chỉ chiếm khoảng 14% GDP toàn cầu (so với mức 40% nếu Mỹ tham gia).

Nhưng với Việt Nam, chúng ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như CPTPP hay cả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang được bàn thảo không chỉ ở góc độ đầu tư - thương mại, mà quan trọng là cơ hội cải cách thể chế. 

Phải nhắc lại là, trong Tuyên bố chung của các bộ trưởng khi quyết định khởi động CPTPP, các bộ trưởng đã thống nhất giữ nguyên các tiêu chuẩn cao, tính cân bằng chung và tính liêm khiết của TPP.

Nên khi CPTPP được khởi động, tôi vẫn nói Việt Nam nên tiếp tục chơi, để thúc đẩy áp lực cải cách mà Việt Nam đang theo đuổi.

Trong quá trình cải cách của Việt Nam, việc tham gia các FTA thế hệ mới dường như luôn nhằm tạo áp lực cho cải cách, nên mỗi khi các FTA có vấn đề, áp lực cải cách lại “rung rinh”, thưa ông?

Tôi vẫn nói, cải cách bên trong là việc tự thân của Việt Nam, các cam kết hội nhập là chất xúc tác, nhằm tạo thêm áp lực. Nếu không có các cam kết, thì Việt Nam vẫn phải cải cách.

Nhưng các FTA sẽ tạo nên áp lực đi nhanh hơn, nhất quán hơn và quan trọng là thúc đẩy những quyết định mang tính dài hạn hơn.

Có thể thấy, nơi nào thiếu thị trường, hay chưa đủ thị trường, nơi nào có xin - cho, thì nơi đó nảy sinh các tệ nạn. Để chấm dứt, phải thay đổi thể chế liên quan đến chúng.   

Trong bối cảnh Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đang phải xử lý rất nhiều việc, cả ngắn hạn, dài hơi, các vấn đề từ kinh tế, xã hội, môi trường..., nếu thiếu ràng buộc từ những cam kết trong các FTA, như những vấn đề về cạnh tranh thị trường, về doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ..., thì rất có thể, các việc dễ làm hơn, đơn giản và ngắn hạn hơn sẽ được chọn.

Khi tôi viết báo cáo về 10 năm thực hiện các cam kết WTO, thì nhận thấy, các địa phương rất có ý thức là phải thực hiện cho đúng cam kết. Đó cũng là điểm tốt, sẽ buộc họ phải cân nhắc giữa thói quen cũ và các yêu cầu của cam kết.

Nhưng thực ra, điều này chưa đủ. Tôi cho rằng, cần phải làm rõ các lợi ích của cam kết, những tác động trong dài hạn với nền kinh tế, để không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương phải tuân thủ theo trách nhiệm hành chính, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, mà phải thực sự thấy sức ép tự thân của nền kinh tế trong thực hiện cải cách, để làm tốt hơn.

Điều này rất cần trong thực hiện các cam kết CPTPP, FTA giữa Việt Nam - EU hay RCEP tới, khi thế giới đang nói nhiều hơn đến sáng tạo trong phát triển.

Có thể hiểu là, nếu chúng ta chỉ thực hiện cam kết theo trách nhiệm, thì sẽ không thể phát huy được hết yếu tố sáng tạo mà nền kinh tế Việt Nam đang cần?

Yêu cầu phần việc mà kinh tế Việt Nam đang cần là cải cách thể chế. Nhưng cũng phải nói thêm là chỉ có cải cách thể chế mới thay đổi được hành vi ứng xử của các thành phần trong nền kinh tế.

Thử nhìn vào các đại dự án thua lỗ vài năm vừa rồi, có thể thấy, đây là những dự án nằm trong các ngành công nghiệp đang được bảo hộ, trong các doanh nghiệp nhà nước.

Nếu nhìn xa hơn, đầu những năm 2000, các vụ án kinh tế chủ yếu liên quan đến xuất nhập khẩu. Xa hơn nữa, thời bao cấp, hành vi nhũng nhiễu, bây giờ có thể gọi là tham nhũng vặt... chủ yếu ở các cửa hàng buôn bán.

Có thể thấy, nơi nào thiếu thị trường, hay chưa đủ thị trường, nơi nào có xin - cho, thì nơi đó nảy sinh các tệ nạn. Để chấm dứt, phải thay đổi thể chế liên quan đến chúng.

Khi mở cửa thị trường, các cửa hàng buôn bán của Nhà nước hết độc quyền, không còn cửa để nhũng nhiễu. Khi bỏ quota xuất khẩu, tư nhân được trực tiếp xuất khẩu, các đại dự án không còn.

Hiện giờ, cách để chấm dứt các đại dự án trong ngành công nghiệp, trong doanh nghiệp nhà nước là tạo thể chế cạnh tranh, mở cửa cho sự tham gia của tư nhân.

Khi thể chế thay đổi theo hướng thị trường hiện đại, hội nhập, hành vi ứng xử sẽ thay đổi, đó là chìa khóa để Việt Nam tận dụng các cơ hội thương mại - đầu tư từ các cam kết hội nhập.

Tóm lại, Việt Nam cần phải chơi với các FTA và phải chơi thật sự, hết mình.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục