Trông đợi gì ở CPTPP?

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được ký kết vào mai, 8/3. Việt Nam có thể trông đợi gì từ hiệp định quan trọng này?
Trông đợi gì ở CPTPP?

Việc Hiệp định CPTPP dự kiến được ký kết vào ngày 8/3 tới đang là tâm điểm chú ý của dư luận, đặc biệt là ở 11 nước thành viên. Mặc dù không còn Mỹ, nhưng có thể nói, CPTPP vẫn được coi là hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây. Hiệp định này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho tất cả các nước tham gia.

Với riêng Việt Nam, thông tin từ Bộ Công thương cho biết, chúng ta có thể trông đợi ở CPTPP ở nhiều khía cạnh.

Cụ thể, về chính trị - đối ngoại, CPTPP mới sẽ là tập hợp có ý nghĩa của các nước trong khu vực, có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Là nước tham gia Hiệp định ngay từ đầu, thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình   

Về kinh tế, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico…, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.

Phần quan trọng khác chính là việc giúp Việt Nam cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới chính là các lợi ích mang tính lâu dài.

Thông tin từ Bộ Công thương cũng cho biết, Hiệp định CPTTP có tính mở, khi có nước khác tham gia Hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. “Là nước tham gia Hiệp định ngay từ đầu, thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình”, Bộ Công thương khẳng định.

Dự kiến, sau khi được ký kết, Hiệp định CPTPP sẽ được trình để Quốc hội xem xét, thông qua và quyết định việc đưa vào thực hiện theo lộ trình được các nước tham gia CPTPP thống nhất.

Theo thỏa thuận giữa các nước, 6 tháng sau khi ký Hiệp định, các thành viên phải thông qua và đưa vào thực thi. Như vậy, cuối năm nay, Việt Nam đã bắt đầu có thể hưởng lợi từ CPTPP.

Cũng như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống, như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại..., mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước...

Ngoài ra, hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùngcủa các nước thành viên.

Nhận thức rõ tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của hiệp định này, nên ngay từ khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp với các nước CPTPP tìm hướng đưa Hiệp định vào thực thi trong thời gian sớm nhất trên cơ sở bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam.

Sau khi các nước đã thống nhất được toàn bộ các nội dung đàm phán và hoàn tất quá trình rà soát pháp lý, Bộ Công thương đã kịp thời công bố toàn văn Hiệp định CPTPP (lời văn tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt) lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công thương để tạo điều kiện cho công chúng và cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nội dung của Hiệp định này.  

Tuy nhiên, để CPTPP nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam, quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan cần sớm tiến hành tuyên truyền, phổ biến về nội dung và tác động của Hiệp định tới công chúng.

Thêm vào đó, Chính phủ cũng cần tiếp tục triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của Hiệp định CPTPP.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục