Chuyên gia lo ngại Trung Quốc hết tiền đổ vào Vành đai và Con đường

Kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm hồi sinh Con đường Tơ lụa cũ khắp châu Âu, Á và Phi đang đối mặt thách thức tài chính lớn. 
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Đồ họa: Việt Chung. (Nhấn vào hình để xem cỡ lớn) Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Đồ họa: Việt Chung. (Nhấn vào hình để xem cỡ lớn)

Lý Nhược Cốc, cựu Chủ tịch Ngân hàng Xuất - nhập khẩu Trung Quốc, tuần trước cho rằng hầu hết các nước dọc con đường "Sáng kiến Vành đai và Con đường" không đủ tiền gánh các dự án họ tham gia, theo SCMP. Nhiều nước nợ chồng chất và cần "nguồn tài chính bền vững" cũng như sự góp sức của đầu tư tư nhân.

"Việc tìm cách gây các quỹ phát triển cho các nước là một nhiệm vụ lớn", ông Lý nói tại một diễn đàn kinh tế ở Quảng Châu. 

Dịch Cương, thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh đang tìm cách bắt tay với các tổ chức quốc tế, những bên cho vay thương mại và các trung tâm tài chính như Hong Kong và London để đa dạng hoá nguồn vốn. 

Vương Nhật Minh, phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, cho rằng dù nhiều dự án Vành đai và Con đường được các thể chế tài chính lớn tài trợ, nguồn quỹ vẫn còn thiếu tới 500 tỷ USD/năm.

Sự tham gia hạn chế của các nhà đầu tư tư nhân, khả năng thu lợi nhuận thấp và kênh cấp vốn hạn hẹp là những vấn đề lớn, trong khi các nước tham gia có năng lực tài chính thấp và tỷ lệ nợ cao, ông Vương nói.

Ông kêu gọi thiết lập cơ chế gây quỹ quốc tế nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân, và một hệ thống riêng biệt để tính toán các rủi ro tín dụng liên quan đến từng dự án.  

Sáng kiến Vành đai và Con đường được Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình công bố năm 2013. Mục tiêu của ông là xây dựng Con đường Tơ lụa hiện đại, kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi, bằng cả đường bộ và đường biển.

Trung Quốc đã cam kết đổ 126 tỷ USD vào kế hoạch tham vọng này. Tại Diễn đàn Kinh tế châu Á Bác Ngao, ông Tập cho biết 5 năm qua, hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế đã tham gia sáng kiến. 

Bà Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế, hôm 12/4 cho rằng các nước không nên coi nguồn tài chính từ sáng kiến cho hạ tầng cơ sở là "bữa trưa miễn phí".

Các dự án hợp tác trong sáng kiến này có thể khiến khối nợ tăng mạnh, hạn chế khả năng chi tiêu của các nước do còn phải trả nợ. Việc này có thể tạo ra thách thức về cán cân thanh toán. Vì vậy, bà cảnh báo ở các nước vốn có nợ công cao nên cân nhắc kỹ các điều khoản tài chính.

Nó sẽ giúp cả chính phủ Trung Quốc và nước đối tác tránh tham gia các hợp đồng khiến hai bên đều gặp khó về tài chính trong tương lai


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục