Hai bên là đối tác kinh tế lớn nhưng đã bất đồng quan điểm trong những tháng gần đây về các khoản trợ cấp mạnh mẽ của Trung Quốc cho các ngành công nghiệp trong nước.
EU lập luận rằng sự hỗ trợ này làm suy yếu nguyên tắc cạnh tranh tự do và góp phần kéo giá hàng xuất khẩu của Trung Quốc xuống, làm giảm giá bán từ các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phủ nhận các cáo buộc này.
Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra vào tháng 1 đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU, vài tháng sau khi EU tiến hành một cuộc điều tra về trợ cấp xe điện của Trung Quốc.
Trung Quốc đã tuyên bố vào tháng 8 rằng họ sẽ không áp dụng thuế quan tạm thời đối với các nhà sản xuất rượu mạnh châu Âu mặc dù đã tìm thấy bằng chứng về việc bán phá giá, nhưng không loại trừ các biện pháp tiếp theo.
Kể từ thứ Sáu (11/10), Bộ thương mại Trung Quốc cho biết, các nhà khai thác sẽ phải trả phí cho hải quan Trung Quốc khi nhập khẩu rượu mạnh EU vào nước này. Số tiền này sẽ dựa trên các tính toán liên quan đến giá do hải quan phê duyệt, cũng như thuế nhập khẩu.
Theo Bộ thương mại, cuộc điều tra đã "xác định sơ bộ rằng việc nhập khẩu một số loại rượu mạnh có nguồn gốc từ EU đang bị bán phá giá, đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp rượu mạnh trong nước".
Bộ cũng nói thêm rằng cuộc điều tra cũng xác định "mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá và mối đe dọa gây thiệt hại đáng kể".
Đồng thời, Bộ cũng công bố danh sách chi tiết về mức thuế mà mỗi công ty dự kiến phải trả, dao động từ 30,6% đối với rượu cognac Martell đến 39% đối với Jas Hennessy và 38,1% đối với Remy Martin.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Daxue Consulting, Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều rượu mạnh hơn bất kỳ loại rượu mạnh nào khác vào năm 2022, phần lớn trong số đó đến từ Pháp.
Tuần trước, EU đã bỏ phiếu thông qua vấn đề áp thuế bổ sung lên tới 35,3% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc vì cho rằng Trung Quốc đã trợ cấp không công bằng cho ngành công nghiệp trong nước gây bất lợi cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu.
Sau cuộc bỏ phiếu đó, các nhà sản xuất rượu cognac của Pháp - đại diện cho phần lớn các loại rượu mạnh của châu Âu nhập khẩu vào Trung Quốc - cho biết họ đang bị "hy sinh" trong cuộc tranh chấp thương mại EU-Trung Quốc.
"Chính quyền Pháp đã bỏ rơi chúng tôi", Cục liên ngành quốc gia về Cognac (BNIC) của Pháp cho biết trong một tuyên bố.
Ngoài ra, EU cũng đang điều tra các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho các tấm pin mặt trời và tua bin gió.
Trung Quốc cũng đã mở một cuộc điều tra về các khoản trợ cấp của EU đối với một số sản phẩm từ sữa và thịt lợn nhập khẩu vào Trung Quốc.