Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ
Đúng một tháng sau khi nhận được yêu cầu hoàn chỉnh Đề án về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Báo cáo số 402/BC-UBND gửi Bộ GTVT về tình hình thực hiện và những khó khăn của Dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Đây là một trong những công trình BOT có số phận “truân chuyên” bậc nhất xét cả quá trình triển khai (3 lần đổi chủ đầu tư) lẫn quá trình thu phí hoàn vốn.
Tại Báo cáo số 402/BC-UBND, ông Lương Ngọc Quỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, các nội dung trong bản báo cáo chi tiết dài tới 24 trang là kết quả của cuộc làm việc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và đơn vị tài trợ tín dụng (VietinBank) được tổ chức vào đầu tháng 8/2024.
Điểm nhấn nổi bật nhất trong báo cáo trên là việc UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất áp dụng giải pháp sửa đổi hợp đồng và bổ sung vốn ngân sách trung ương hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Dự án.
Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ vốn ngân sách trung ương cho Dự án với số tiền khoảng 4.600 tỷ đồng như đề nghị của doanh nghiệp dự án, nhằm bù đắp dòng tiền thâm hụt trong thời gian thu phí hoàn vốn đảm bảo phương án tài chính (khi đó, thời gian hoàn vốn của Dự án còn khoảng 28 năm 7 tháng).
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện việc cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho Dự án.
Trước đó, cuối tháng 3/2024, trong nỗ lực “giải cứu” Dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Tờ trình số 23/TTr-UBND đề nghị người đứng đầu Chính phủ xem xét, đồng ý chủ trương hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương khoảng 5.600 tỷ đồng (không quá 50% theo giá trị kiểm toán, quyết toán của Dự án) để bù đắp dòng tiền thâm hụt trong thời gian thu phí hoàn vốn đảm bảo phương án tài chính và đảm bảo vận hành, khai thác ổn định công trình.
Được biết, để có thể giảm 1.000 tỷ đồng hỗ trợ của Nhà nước, tại cuộc họp có mặt của “ba nhà” là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền); nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và VietinBank (nhà tài trợ), các bên đã thống nhất thực hiện theo đúng nguyên tắc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi xử lý các khó khăn, vướng mắc tại Dự án là “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Tìm giải pháp tối ưu
Ngoài giải pháp sửa đổi hợp đồng và bổ sung vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho Dự án BOT đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư, nhà tài trợ vốn cũng cân nhắc 2 phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khác là tiếp tục thực hiện theo hợp đồng và chấm dứt hợp đồng.
Đối với phương án thực hiện theo hợp đồng, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, đây là phương án được UBND tỉnh Lạng Sơn áp dụng trong gần 5 năm vừa qua. Nếu tiếp tục thực hiện theo phương án này, thì không cần bổ sung vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Dự án, nhưng tồn tại hàng loạt hạn chế rất khó xử lý.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, trên cơ sở lưu lượng thực tế trên tuyến và dự kiến tốc độ tăng trưởng cho các năm tiếp theo, kết quả tính toán phương án tài chính của nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án cho thấy, thời gian hoàn vốn của Dự án khoảng 44 năm 11 tháng, trong khi thời gian hoàn vốn ban đầu là 18 năm 3 tháng.
Điều này không chỉ gây khó khăn cho phía nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, mà còn cho cả phía ngân hàng cung cấp tín dụng trong quá trình xử lý khoản vay, cơ cấu nợ của Dự án.
Bên cạnh đó, do Dự án không có sự tham gia của vốn ngân sách nhà nước, không có cơ chế chia sẻ doanh thu, nên giải pháp chỉ kéo dài thời gian thu phí theo quy định của hợp đồng, mà không có sự hỗ trợ, chia sẻ doanh thu từ phía Nhà nước sẽ không thực sự giải quyết được các khó khăn, vướng mắc của Dự án.
Đối với giải pháp chấm dứt hợp đồng, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án cần bố trí khoảng 11.267 tỷ đồng để thanh toán các chi phí mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã thực hiện, sẽ giải quyết được ngay các khó khăn, vướng mắc của Dự án. Điều này sẽ gây áp lực tương đối lớn lên ngân sách nhà nước, các nhà đầu tư cũng có thiệt hại khi đầu tư không có lợi nhuận và phía ngân hàng cung cấp tín dụng sẽ không thu được phần lãi vay chưa trả từ giai đoạn đưa vào vận hành khai thác dự án cho đến nay, dẫn tới mất vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Như vậy, trong số 3 phương án được đặt ra, thì chỉ có giải pháp sửa đổi hợp đồng và bổ sung vốn ngân sách trung ương hỗ trợ mới có thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Dự án; đồng thời đảm bảo Dự án tiếp tục được thực hiện.