Trí tuệ nhân tạo “cứu cánh” cho Alibaba trong bối cảnh thương mại điện tử suy giảm

(ĐTCK) Trong khi Taobao và Tmall không đạt được kỳ vọng về doanh thu, dịch vụ đám mây Alibaba Cloud của “ông lớn” công nghệ cho thấy sức tăng trưởng nổi bật giữa nhu cầu bùng nổ đối với các sản phẩm AI.

Khoản đầu tư lớn của Alibaba Group Holding vào trí tuệ nhân tạo (AI) đã mang lại thành quả. Mảng kinh doanh điện toán đám mây của tập đoàn này nổi lên như ngôi sao sáng trong báo cáo doanh thu quý II, trong khi đó, thương mại điện tử lại cho thấy sự bất ổn.

AI là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng đám mây tại Alibaba. Kết thúc quý II/2024, lợi nhuận EBITA từ các sản phẩm liên quan đến AI tiếp tục cho thấy mức tăng trưởng “ba chữ số”, đạt 155% so với cùng kỳ năm trước, lên 2,3 tỷ nhân dân tệ.

"Với chiến lược lấy AI làm nền tảng thúc đẩy và đặt người dùng làm trọng tâm, Alibaba đã bước đầu đạt được thành công trong năm qua", chuyên gia nghiên cứu thương mại, Chen Hudong, cho biết.

Vị này nói thêm rằng, khoản đầu tư vào AI góp phần thúc đẩy doanh thu của nhờ vào các chức năng tìm kiếm và đề xuất, đồng thời giúp tăng tần suất khách hàng mua lại sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử của tập đoàn như Taobao và Tmall.

Alibaba đã trải qua nhiều biến động trong quý II vừa qua. Tập đoàn công nghệ báo cáo mức tăng trưởng doanh thu 4% trong năm lên 243,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 33,5 tỷ USD), tuy nhiên vẫn thấp hơn dự kiến. Kết quả này đặt ra câu hỏi về những nỗ lực của Alibaba nhằm tái tập trung vào thương mại điện tử và ổn định thị phần trong nước trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Trong khi Taobao và Tmall Group chứng kiến ​​doanh thu giảm 1% xuống còn 113,4 tỷ nhân dân tệ, thấp hơn mức ước tính 117,6 tỷ nhân dân tệ, thì Cloud Intelligence Group, bao gồm mảng kinh doanh AI của Alibaba, đã ghi nhận mức tăng trưởng nhanh đột biến kể từ quý III/2022, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 26,5 tỷ nhân dân tệ.

Điều này cũng có nghĩa điện toán đám mây vẫn là động lực tăng trưởng chính của Alibaba. Mặc dù bị thương mại điện tử quốc tế vượt mặt trong khoảng thời gian ngắn vào cuối năm 2022, tăng trưởng điện toán đám mây vẫn ở mức ổn định kể từ đó.

"Khách hàng của chúng tôi có nhu cầu rất, rất lớn đối với AI và các sản phẩm liên quan đến AI”, CEO Eddie Wu Yongming của Alibaba trình bày trong kỳ họp báo cáo kinh doanh vừa qua.

“Và nếu nhìn xa hơn, nhu cầu đó vẫn chưa được đáp ứng triệt để", CEO Eddie Wu chia sẻ, đồng thời nói thêm rằng, doanh thu từ khách hàng bên ngoài sẽ đạt mức tăng trưởng “hai chữ số” trong nửa cuối năm tài chính.

"Tôi cho rằng hơn một nửa mức tăng trưởng dự kiến ​​đó sẽ đến từ lực đẩy của các sản phẩm AI", ông nói thêm.

Alibaba là một trong những tên tuổi có thành tích tốt nhất trong lĩnh vực AI của Trung Quốc. Mô hình ngôn ngữ lớn Tongyi Qianwe, gồm phiên bản AI mã nguồn mở Qwen hiện đứng đầu bảng xếp hạng các mô hình nguồn mở trên toàn cầu.

Trong khi đó, các công ty thương mại điện tử Trung Quốc đã và đang chịu nhiều áp lực. Với chiến lược tập trung vào ngân sách, PDD Holdings, chủ sở hữu của Pinduoduo, Temu và ByteDance, đã chiếm lĩnh thị phần cả trong và ngoài nước khi mở rộng các tùy chọn mua sắm trên mạng xã hội Douyin và TikTok.

Các nhà phân tích đã lưu ý đến khoảng cách giữa mức tăng trưởng doanh thu CMR (là hoa hồng từ người bán sử dụng nền tảng của Alibaba và là nguồn doanh thu lớn nhất của tập đoàn này) và GMV (là tổng giá trị hàng hóa từ các nền tảng này) của Taobao và Tmall trong vài quý vừa qua, báo hiệu thách thức trong việc tối ưu tiền hoa hồng từ người bán.

Taobao đã tung ra một công cụ quảng cáo có tên Quanzhantui vào tháng 4 và công bố kế hoạch tính thêm phí dịch vụ công nghệ cho người bán từ tháng 9, nhằm thúc đẩy hoạt động kiếm tiền. Tuy nhiên, phía công ty cho biết có thể mất vài tháng để các biện pháp này có hiệu quả.

Trong khi đó, nền kinh tế trong nước yếu kém đã tiếp tục kìm hãm tâm lý người tiêu dùng cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bao Yuezhong, Chủ tịch của Baomu Consulting, cho hay, có 2 vấn đề mà Alibaba và đối thủ JD.com phải đối mặt, đó là áp lực giảm giá trên thị trường và tác động của các mô hình kinh doanh thương mại điện tử đa dạng. ByteDance đã tìm thấy thành công tại Trung Quốc với thương mại điện tử phát trực tiếp trên Douyin.

Trong khi doanh thu của Taobao và Tmall "có vẻ đáng thất vọng", thì tăng trưởng GMV thương mại điện tử trong nước của Alibaba "nói chung là phù hợp với ngành trong hai quý liên tiếp, chứng tỏ chiến lược đầu tư mới của công ty đã thành công ban đầu", JPMorgan viết trong một nghiên cứu mới đây.

Qui Ánh
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục