Đây là động thái cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19 và là khởi đầu mạnh mẽ của chu kỳ nới lỏng tiền tệ đầu tiên của Fed trong 4 năm qua.
Với việc cả thị trường việc làm và lạm phát đều giảm, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan tham mưu chính sách tiền tệ của Fed - đã quyết định hạ lãi suất vay qua đêm chủ chốt xuống 0,5 điểm phần trăm (tức 50 điểm cơ bản) sau cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong hai ngày 17-18/9.
Ngoài các lần cắt giảm lãi suất khẩn cấp trong thời kỳ Covid-19, lần cuối cùng FOMC cắt giảm 0,5% lãi suất là vào năm 2008 - thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Mặc dù ngưỡng lãi suất cơ bản 4,75 - 5% được dùng để thiết lập chi phí vay ngắn hạn cho các ngân hàng, nhưng nó cũng ảnh hưởng đến nhiều sản phẩm tài chính tiêu dùng như vay thế chấp, cho vay mua ô tô và thẻ tín dụng.
Ngoài đợt cắt giảm này, FOMC đã công bố thông qua "biểu đồ chấm" tương đương với mức giảm lãi suất 50 điểm cơ bản nữa vào cuối năm nay, gần với kỳ vọng của thị trường.
Biểu đồ chấm cho thấy các tín hiệu mà các thành viên FOMC gửi gắm kỳ vọng lãi suất. Trong biểu đồ chấm công bố lần này, các quan chức Fed kỳ vọng cắt giảm 100 điểm cơ bản vào năm 2025 và 50 điểm cơ bản vào năm 2026. Nhìn chung, biểu đồ chấm cho thấy lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ giảm khoảng 200 điểm cơ bản sau động thái ngày 18/9 của FOMC.
"Ủy ban (FOMC - BTV) đã có thêm niềm tin rằng lạm phát đang tiến triển bền vững về mức 2% và đánh giá rằng rủi ro để đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát của mình là tương đối cân bằng", tuyên bố sau cuộc họp của Fed nêu rõ.
Quyết định nới lỏng tiền tệ trên được đưa ra "dựa trên tiến triển về lạm phát và cân bằng rủi ro". Đáng chú ý, cuộc bỏ phiếu thông qua phương án giảm lãi suất của FOMC có tỷ lệ 11-1, trong đó Thống đốc Michelle Bowman bỏ phiếu ủng hộ phương án cắt giảm 25 điểm cơ bản.
"Chúng tôi đang cố gắng đạt được tình hình khôi phục ổn định giá cả mà không làm gia tăng đau đớn về tỷ lệ thất nghiệp như đôi khi xảy ra với tình trạng lạm phát này. Đó là những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện và tôi nghĩ bạn có thể coi hành động ngày hôm nay là dấu hiệu cho thấy cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc đạt được mục tiêu đó", Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, phát biểu tại cuộc họp báo sau quyết định giảm lãi suất.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng vọt tới 375 điểm sau khi Fed công bố quyết định mạnh tay hạ lãi suất, trước khi giảm bớt phần nào do các nhà đầu tư cân nhắc những tác động của quyết định hạ lãi suất đến tình hình kinh tế.
"Đây không phải là khởi đầu của một loạt các đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản. Thị trường tự nghĩ rằng nếu bạn giảm 50, thì khả năng giảm thêm 50 điểm nữa là rất cao. Nhưng tôi nghĩ [ông Powell] thực sự đã phá vỡ ý tưởng đó ở một mức độ nào đó", ông Tom Porcelli, nhà kinh tế trưởng tại PGIM Fixed Income, bình luận sau động thái của Fed.
"Không phải là ông ấy (ông Powell - BTV) nghĩ rằng điều đó sẽ không xảy ra, mà là ông ấy không cam kết trước để điều đó xảy ra. Đó là quyết định đúng đắn", ông Porcelli nhận xét.
FOMC lưu ý rằng "việc làm tăng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng nhưng vẫn ở mức thấp". Do đó, các thành viên FOMC đã nâng dự báo tỷ lệ thất nghiệp năm nay lên 4,4%, từ mức dự báo 4% trong bản cập nhật gần đây nhất vào tháng 6 và hạ triển vọng lạm phát xuống 2,3% từ mức 2,6% trước đó.
Đối với lạm phát lõi, FOMC đã hạ dự báo năm 2024 xuống còn 2,6%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 6.
Fed quyết định mạnh tay hạ lãi suất, bất luận hầu hết các chỉ số kinh tế Mỹ đều có vẻ khá vững chắc.
Tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ đã tăng đều đặn và Fed chi nhánh Atlanta đang kỳ vọng nền kinh tế Mỹ đạt tăng trưởng 3% trong quý III, dựa trên sức tăng liên tục trong chi tiêu của người tiêu dùng.
Hơn nữa, Fed đã quyết định hạ lãi suất trong lục hầu hết các thước đo đều cho thấy lạm phát Mỹ vẫn vượt xa mục tiêu 2% của họ. Chỉ số PCE, thước đo lạm phát ưa dùng của Fed, cho thấy lạm phát đang ở mức khoảng 2,5%, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm nhưng vẫn cao hơn mục tiêu mà họ đề ra.