Alibaba ra mắt dịch vụ mới dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cần nhiều giải pháp thúc đẩy niềm tin giữa các nhà cung cấp Việt Nam và người mua hàng không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới
6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện 2.773 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 174,01% so với cùng kỳ) trên thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện 2.773 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 174,01% so với cùng kỳ) trên thương mại điện tử

Những con số đáng chú ý

Theo khảo sát của Bộ Công thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng cao, dự kiến sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tăng 25% so với năm trước.

Mọi việc không phải ngẫu nhiên nếu nhìn vào thời gian trung bình truy cập internet của người dùng Việt Nam (khoảng 6 giờ 23 phút), tương đương với mức trung bình toàn cầu (6 giờ 37 phút), thấp hơn Philippines (9 giờ 14 phút), Thái Lan và Malaysia (cùng 8 giờ 6 phút), Indonesia (7 giờ 42 phút), Singapore (6 giờ 59 phút)…

Trên toàn cầu, có 57,6% người dùng Internet đã có mua hàng hóa hoặc dịch vụ trực tuyến hàng tuần, khoảng 14,2% người dùng internet mua hàng đã qua sử dụng; 23,5% người dùng sử dụng dịch vụ so sánh giá trực tuyến; 18,4% sử dụng dịch vụ mua ngay trả sau.

Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng internet mua sắm hàng hóa trực tuyến hàng tuần ở mức trên 60%, cao hơn mức trung bình toàn cầu 57,6%. Cụ thể, tỷ lệ này ở Việt Nam là 60,7%, trong khi đó Thái Lan là 66,8%, Hàn Quốc là 65,6%, Indonesia là 62,6%, Ấn Độ 62,3%, Trung Quốc 61,9%…

Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) nhận định, thương mại điện tử đang phát triển với tốc độ nhanh chóng và ngày càng trở thành một kênh quan trọng để các doanh nghiệp thay thế các phương thức thương mại truyền thống.

Tăng trưởng nhanh, mạnh và mang lại nhiều lợi thế cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp, tuy vậy, theo ông Đỗ Hồng Trung, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, thương mại điện tử có mặt trái. Đó là tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên các sàn, các trang mạng xã hội ngày càng nhiều.

“Đây là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách. Rất đơn giản khi tìm mua những mặt hàng này trên các sàn thương mại điện tử”, ông Đỗ Hồng Trung nhấn mạnh.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 cho biết, năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, các đơn vị và địa phương phát hiện, bắt giữ 3.692 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 56,51% so với cùng kỳ năm 2021). Còn 6 tháng đầu năm 2023, có 66.049 vụ việc vi phạm (tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, có 2.219 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 9,72% so với cùng kỳ); 2.773 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 174,01% so với cùng kỳ)…

Tuy vậy, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia nhấn mạnh, số liệu trên chưa phản ánh hết được tình hình thực tế. Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ… trên nền tảng thương mại điện tử còn tiềm ẩn phức tạp.

Gỡ nút thắt

Trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc 2023 (CIFTIS 2023) tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 2 đến ngày 6/9, Alibaba.com cho ra mắt dịch vụ Đảm bảo Thương mại (Trade Assurance) dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam. Được biết, Trade Assurance là dịch vụ bảo vệ đơn hàng độc quyền của Alibaba.com nhằm giúp các SME giảm thiểu các rủi ro trong thương mại toàn cầu.

Dịch vụ này yêu cầu người mua hàng thực hiện thanh toán tại thời điểm mua hàng, khoản thanh toán này sẽ được Alibaba.com giữ lại dưới dạng ký quỹ, và chuyển cho nhà cung cấp sau khi người mua hàng xác nhận đã nhận được đơn đặt hàng đúng với yêu cầu của họ trong một khoảng thời gian hợp lý.

Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, đội ngũ nhân viên của dịch vụ Trade Assurance sẽ hỗ trợ nhà cung cấp và người mua hàng đạt được giải pháp dựa trên những bằng chứng được đưa ra. Từ đó, các nhà cung cấp sẽ hạn chế được việc phải tham gia vào các cuộc chiến pháp lý kéo dài và tốn kém, điều mà vốn dĩ các SME thường không đủ khả năng để chi trả.

Đối với các nhà cung cấp, dịch vụ Trade Assurance giúp họ có thêm lợi thế khi tạo ra được sự tin tưởng với người mua hàng, tích lũy hồ sơ giao dịch trực tuyến, từ đó làm nền tảng để củng cố hồ sơ, xếp hạng cũng như độ hiển thị trực tuyến trên Alibaba.com. Điều này có nghĩa là nhà cung cấp sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh hơn trong tương lai.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, phát biểu tại CIFTIS 2023.
Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, phát biểu tại CIFTIS 2023.

Tại CIFTIS 2023, ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc nhận định: “Chúng tôi đánh giá rất cao những sáng kiến ​​của Alibaba.com dành cho thị trường Việt Nam, nhằm mục đích hỗ trợ nhà bán hàng Việt Nam và các SME xuất khẩu ra toàn thế giới. Thông qua việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ với công nghệ hiện đại, Alibaba.com giúp nhà bán hàng có thể tập trung hơn vào chuyên môn của mình bằng cách giảm thiểu thời gian và công sức dành cho các quy trình trong quá trình giao dịch”.

Ông Nông Đức Lai hy vọng rằng Alibaba.com sẽ tiếp tục giới thiệu các giải pháp sáng tạo giúp sản phẩm Việt Nam tiếp cận ra thế giới. Những nỗ lực như vậy sẽ không chỉ giúp người bán hàng Việt Nam tăng cường sự hiện diện quốc tế, mà còn nâng cao khả năng hiển thị và nhận thức về sản phẩm Việt Nam với người mua hàng toàn cầu.

Lý giải về việc giới thiệu dịch vụ Trade Assurance đến thị trường Việt Nam, ông Roger Luo, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Alibaba.com nói: “Việt Nam là một trong những thị trường nhà cung cấp có tiềm năng rất lớn của Alibaba.com, với năng lực sản xuất mạnh mẽ và danh mục sản phẩm đa dạng, thu hút được sự quan tâm lớn từ thế giới”.

Cũng theo ông Roger Luo, dịch vụ này nhằm mục đích thúc đẩy niềm tin giữa các nhà cung cấp Việt Nam và người mua hàng không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới, đồng thời đơn giản hóa quy trình giao dịch. Bằng cách đó, nâng cao hiệu quả và mở ra những cơ hội kinh doanh mới, góp phần vào sự phát triển và thành công cho các nhà cung cấp Việt Nam.

Được biết, đối với người mua hàng toàn cầu, dịch vụ Đảm bảo Thương mại Trade Assurance cung cấp các phương thức thanh toán an toàn và dễ dàng hơn cho các đơn đặt hàng B2B, cũng như các biện pháp bảo vệ trong các trường hợp không lường trước, như vấn đề về chất lượng sản phẩm hay giao hang chậm trễ. Mỗi đơn hàng được bảo vệ lên tới 60 ngày sau khi người mua hàng nhận được đơn đặt hàng, giúp thúc đẩy trải nghiệm tìm nguồn cung ứng suôn sẻ và an toàn.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục