Trao cơ hội khẳng định năng lực cho thế hệ kế thừa

Đưa ra những quyết định táo bạo là cách để những người trẻ thể hiện năng lực bản thân, nhưng sự sáng tạo ấy không phải lúc nào cũng làm vừa lòng thế hệ đi trước, nhất là vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Mai Thanh là người chơi ở vị trí CEO.

Theo khảo sát trên quy mô toàn cầu về tầm quan trọng của thế hệ kế thừa trong doanh nghiệp gia đình do PwC Việt Nam thực hiện gần đây, các thế hệ kế thừa thường có tư duy cải tiến doanh nghiệp sau khi được kế thừa, trong đó 69% được hỏi cho biết sẽ tuyển dụng nhân sự chuyên nghiệp từ bên ngoài để đem lại sự hiện đại và chuyên nghiệp cho doanh nghiệp. Nhưng có đến 61% người cho rằng, thế hệ trước sẽ khó từ bỏ quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Do đó, việc cải tiến công ty gia đình với những bước đi đột phá thường vấp phải sự phản đối của thế hệ đi trước - là người đã gây dựng và tạo nên tên tuổi cho doanh nghiệp.

Thừa nhận vấn đề này, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam cho rằng, việc chuyển giao thế hệ vẫn là điểm yếu trong mô hình doanh nghiệp gia đình.

Câu chuyện tuy không mới, nhưng luôn nóng mỗi khi được đưa ra mổ xẻ này đã được Chương trình CEO - Chìa khóa thành công đề cập trong số phát sóng ngày 8/10.

Tình huống được đề cập tại một doanh nghiệp gia đình 20 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công và kinh doanh hàng tiêu dùng trong nước và có xuất khẩu.

Doanh nghiệp này vẫn duy trì 100% sở hữu gia đình, đã chuyển giao vị trí CEO sang cho người con. Các thành viên chủ chốt của thế hệ trước đã rút khỏi vai trò điều hành, chỉ còn là thành viên HĐQT.

Với kinh nghiệm làm việc bên ngoài cũng như làm trợ lý cho bố mình, CEO mới đã tiếp quản công việc rất thuận lợi.

Với tư tưởng đổi mới và đột phá, CEO quyết định trao quyền tự quyết rộng hơn cho những vị trí quản lý trẻ (phần nhiều là các thành viên gia đình thuộc thế hệ sau) để thu hút và phát huy được tiềm năng của thế hệ mới, đưa doanh nghiệp phát triển đột phá. Tuy nhiên, sau khi được giao thẩm quyền, một số quản lý đã tổ chức lại hoạt động của bộ phận mình, thay đổi quy trình, cách làm việc và áp dụng công nghệ thông tin thay cho cách truyền thống. Tuy các quyết định này thuộc thẩm quyền của họ, nhưng đang tạo ra tranh cãi.

HĐQT cho rằng, cần thành lập Ban Kiểm soát gồm các thành viên gia đình có kinh nghiệm điều hành, để đưa ra nguyên tắc, quy định giám sát và hạn chế các quyết định của ban điều hành hiện tại nếu cần.

CEO không đồng tình và cho rằng, các quyết định của ban điều hành được nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng, dựa trên mô hình quản trị tiên tiến và bám sát mục tiêu chiến lược của Công ty.

Ủng hộ quan điểm này của CEO, khán giả Huỳnh Minh Nam nói: “để doanh nghiệp có thể tiến xa, tầm nhìn quan trọng hơn kinh nghiệm”. Trong khi đó, bạn Nguyễn Byun bày tỏ: “Những người sống với doanh nghiệp ngay từ đầu chẳng lẽ không đủ sáng suốt để kiểm soát người ít kinh nghiệm sao. Tôi ủng hộ HĐQT”.

Sau cuộc tranh luận “bất phân thắng bại” với 2 cổ đông, người chơi ở vị trí CEO là bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Mai Thanh đã tìm đến sự tư vấn của 2 chuyên gia là ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse và ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo của PwC Việt Nam. Với kinh nghiệm của mình, 2  chuyên gia sẽ đưa ra nhiều gợi ý phù hợp cho CEO. Và dĩ nhiên, những gợi ý này rất hữu ích với các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho quá trình chuyển giao thế hệ.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục