Ðiều này có nghĩa, giá vàng có thể tăng lên 4.000 USD/ounce, tiếp theo đó là 12.000 USD/ounce. Nhận định có phần “không tưởng” này bất ngờ nhận được sự đồng tình của không ít chuyên gia cũng như cộng đồng đầu tư tại SeekingAlpha.
Thậm chí, một quỹ đầu tư lớn “mạnh dạn” đặt mục tiêu 15.000 USD/ounce cho giá vàng năm 2030 hay gần hơn, Global Investors đánh giá, việc chinh phục mốc 4.000 USD/ounce là dễ dàng.
Thực tế, đà tăng vượt trội của giá vàng kể từ đầu năm tới nay không phải chưa từng có tiền lệ. Trong giai đoạn 2008 - 2011, giá vàng đã tăng gấp đôi khi nhà đầu tư cần nơi trú ẩn trước rủi ro nền kinh tế không thể gắng gượng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và viễn cảnh lạm phát kèm suy thoái ám ảnh tâm trí.
Năm 2020, một lần nữa, giá vàng “bùng cháy” trước “mồi lửa” Covid, tạo nên môi trường “ưu ái” cho loại tài sản trú ẩn này: Nền kinh tế đình trệ vì đại dịch chưa được kiểm soát, các ngân hàng trung ương mạnh tay bơm tiền như phương thuốc cứu chữa, đồng USD suy yếu, lãi suất ở mức gần 0, thậm chí âm…
Tương lai là rộng mở với giá vàng, nhưng con đường trước mắt sẽ rất gập ghềnh. Thực tế, sau khi đạt đỉnh lịch sử 2.075 USD/ounce ngày 7/8, tăng 42% so với đáy tháng 3/2020, giá vàng đã điều chỉnh về dưới 1.900 USD/ounce.
Theo tín hiệu kỹ thuật, sau khi vượt qua ngưỡng cản 2.000 USD/ounce lần đầu tiên trong lịch sử, ngưỡng kháng cự tiếp theo của giá vàng là 2.500 USD/ounce. Vì thế, nhiều nhà đầu tư tin rằng, đợt điều chỉnh hiện tại là cơ hội để mua vào, khi mà giá vàng được dự báo sẽ còn leo dốc.
Tại thị trường trong nước, nhà đầu tư vừa trải qua quãng thời gian “bạc mặt” vì giá vàng loạn nhịp, đảo chiều liên tục. Cụ thể, sau khi gần chạm mức đỉnh cao lịch sử 63 triệu đồng/lượng, giá vàng liên tục hạ, thậm chí có thời điểm giảm về 52,48 triệu đồng/lượng, tức giảm hơn 9 triệu đồng/lượng.
Chỉ trong vài ngày, vàng khiến câu chuyện “kẻ khóc, người cười” chưa bao giờ chân thực tới vậy: Người vui mừng vì “mua đúng đáy, bán đúng đỉnh”, kẻ ăn ngủ không yên vì “đứt tay khi bắt dao rơi”.
Ngay cả những người đứng ngoài vòng xoáy này nhờ đã gom vàng trước đó cũng chưa hẳn hưởng trọn niềm vui bởi mức chênh lệch lớn giữa giá mua vào và giá bán ra khiến khoản lợi nhuận tưởng có rồi lại tan mất.
Thực tế trên phần nào cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường vàng. Bởi ngay cả những nhà đầu tư vàng chuyên nghiệp cũng khó có thể luôn đảm bảo đạt lợi nhuận cao, nhất là trong bối cảnh có nhiều biến động bất ngờ chi phối diễn biến của giá vàng.
Có câu nói thị trường chứng khoán như đường tàu lượn siêu tốc với những cú rẽ tốc độ cao bất ngờ. Thì nay, giá vàng cũng đã thiết lập “đường ray” siêu tốc riêng cho mình và những nhà đầu tư “chân ướt, chân ráo” cần học cách làm sao để tránh cảnh kiệt sức trên chặng đường tới đích.