Giá vàng trong nước tăng giảm khó lường, nhiều người thua lỗ trong ngày 12/8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ trong một ngày 12/8, cùng với đà giảm của giá vàng thế giới, vàng SJC bán ra trong nước liên tục điều chỉnh giá, khiến nhiều người không kịp trở tạy và thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Giá vàng trong nước tăng giảm khó lường, nhiều người thua lỗ trong ngày 12/8

Nhiều người thua lỗ vì vàng lên xuống chóng mặt

Mở cửa phiên giao dịch đầu ngày 12/8, vàng được niêm yết ở mức 53,58 - 55,48 triệu đồng/lượng, nhưng chỉ sau 30 phút, giá đã lao dốc xuống còn 47,62 - 51,17 triệu đồng/lượng (mua-bán), giảm hơn 10 triệu đồng/lượng so với cuối ngày 11/8.

Thế nhưng, đến 15h30 chiều cùng ngày 12/8, giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý SJC niêm yếu mức 53,11 - 56,93 triệu đồng/lượng (mua-bán), tăng 5,6 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 4,7 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với cuối giờ sáng.

Trước diễn biến giá vàng lao dốc không phanh, nhiều người nắm giữ vàng lòng như “lửa đốt” do đã mua ở mức giá cao trước đó nên có một số nhà đầu tư đã nhanh chóng chốt lời, đem vàng đi bán.

Vì lo ngại, vàng sẽ giảm thêm sau khi đã tăng nóng trong những ngày trước đó vượt đỉnh 62 triệu đồng/lượng.

Gặp ông Minh Quý tại một tiệm vàng ở một cửa hàng kinh doanh vàng của SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM cho biết, do ông mua vàng ở vùng giá trên 50 triệu đồng/lượng, nhưng khi giá vượt 60 triệu đồng/lượng chưa vội bán ra nên thấy vàng giảm mạnh ông tranh thủ cắt lỗ.

Vì nếu giảm thêm, ông sẽ mất ít nhất 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng cho khoản vốn vừa đỗ vào vàng.

Thế nhưng, điều khiến ông Quý đau lòng là khi vừa bán vàng xong cuối giờ sáng và mất không dưới 50 triệu đồng thì đầu giờ chiều 12/8 lại mất thêm cả trăm triệu đồng khi giá vàng tăng trở lại vượt lên trên 53 triệu đồng/lượng.

Chị Minh Nguyệt – một người chuyên mua bán vàng nhỏ, lẻ cũng cho hay, thấy vàng rớt không phanh trong sáng ngày 12/8 nên cũng nhanh chóng cắt lỗ, do chị đã mua một ít vàng ở vùng giá trên 55 triệu đồng sau khi bán ra trước đó ở mức giá trên 60 triệu đồng.

Tuy nhiên, so với giá chiều cùng ngày hôm nay chị Nguyệt đã mất đến hàng trăm triệu đồng/lượng do vội bán vàng trong buổi sáng 12/8.

Trong khi đó, ông Thuận Anh – một nhà đầu tư nhỏ, lẻ cũng cho hay, 3 tháng trước do ảnh hưởng dịch Covid-19, một người bạn cần tiền bán căn nhà giá “mềm” hơn so với giá thị trường, ông đã bàn với vợ bán vàng lấy 6,5 tỷ đồng mua căn nhà.

Tại thời điểm ông bán vàng để mua vàng, giá mặt hàng kim quý này chỉ mới giao động trên dưới 45 triệu đồng/lượng. Do đó, khi vàng biến động lên trên 55 triệu đồng/lượng anh tỏ ra tiếc nối và đã mua vào một ít vàng ở vùng giá 57 triệu đồng/lượng.

Nhưng khi vàng lên trên 60 triệu đồng/lượng anh Thuận Anh đã nhanh chóng bán ra, vì lo ngại vàng tăng nóng sẽ đảo chiều. Trong sáng ngày 12/8, khi vàng giảm mạnh về dưới 50 triệu đồng/lượng anh lại tiếp tục “xuống” tiền, vì kỳ vọng giá tăng nên khi giá tăng lên 53 triệu đồng/lượng anh chưa vội bán. 

Giá vàng biến động “chóng mặt” chỉ trong một ngày khiến người dân và kể cả nhà đầu tư không kịp trở tạy. Nhiều người mua vàng trước đó lo ngại giảm thêm đã vội bán ra, trong khi những người chưa mua vàng thấy giá giảm cũng không dám nhảy vào.

Điều đáng nói là trong ngày vàng biến động mạnh, giao dịch mua vào tại các tiệm vàng tăng, trong khi bán ra không nhiều.

Chủ một doanh nghiệp vàng tại đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM cho biết, đa số người dân đến tiệm vàng hôm nay bán nhiều hơn mua.

Quan sát tại một số tiệm vàng của PNJ, SJC trong chiều ngày 12/8 cũng cho thấy, nhiều người đã mang vàng tới bán.

Trong khi đó, giá niêm yết tại các tiệm vàng vẫn nới rộng khoảng cách mua-bán lên đến 4 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Chính điều này đã khiến những người mua vàng những ngày gần đây thua lỗ không ít. Vì dù giá tăng cao, các chủ tiệm vàng niêm yết giá bán mua vào luôn thấp hơn 4 triệu đồng/lượng so với giá bán ra.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty SJC Phú Thọ cho hay, vàng biến động song biên độ mua – bán được doanh nghiệp kinh doanh vàng niêm yết khá rộng. Đồng thời, giá trong nước luôn chênh lệch với quốc tế.

Những ngày vàng lên trên 60 triệu đồng/lượng, vàng trong nước luôn cao hơn quốc tế 4-5 triệu đồng/lượng, nhưng hôm nay giá vàng SJC lại thấp hơn vàng thế giới.

Nguyên nhân, cầu bán vàng ra nhiều khiến doanh nghiệp vàng nhiều thời điểm dư thừa nguồn cung vàng miếng, thay vì khan hiếm như những ngày vàng cao giá trước đó.

Vả lại, tâm lý của người Việt Nam thường đỗ xô mua vàng giá cao, bán ra khi vàng điều chỉnh, cho dù vàng quốc tế vẫn được dự báo còn cơ hội tăng thời gian tới.

Có nên tiếp tục mua vàng hay bán ra khi giá lên

Vàng trong nước biến động mạnh trong ngày 12/8 do ảnh hưởng bởi giá quốc tế giảm. Giá vàng thế giới đã nhanh chóng mất mốc 2.000 USD/ounce chỉ trong một đêm (11/8) khi thông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo rằng, nước này trở thành quốc gia đầu tiên đăng ký có vắc-xin ngừa virus corona gây ra đại dịch Covid-19 và con gái của Tổng thống Nga đã được tiêm vắc – xin Covid-19, mặc dù thông báo này đã bị các chuyên gia y tế chỉ trích.

Vàng thế giới giao dịch sáng 12/8 ở mức 1.917,4 USD/ounce trong sáng ngày 12/8, giảm 110,5 USD so với kết phiên giao dịch gần nhất. Còn giá vàng giao ngay có thời điểm tụt xuống mức 1.899,6 USD/ounce. 

Nhưng đầu giờ chiều ngày 12/8, giá vàng giao ngay chỉ còn 1.887,6 USD, giảm 22,5 USD tương đương hơn 1% so với chốt phiên trước.

Giá mặt hàng kim quý vàng giảm, thị trường vàng thế giới vừa ghi nhận phiên bán tháo mạnh nhất trong vòng 2 tháng qua của SPDR- quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới.

Tính từ ngày 3-7/8, SPDR mua vào 26,1 tấn vàng nhưng chỉ trong ngày cuối tuần trước (7/8) khi giá vàng bật lên mốc cao nhất trong lịch sử thì quỹ này đã chốt lời 5,84 tấn. Đây là số lượng vàng bán ra cao nhất của SPDR tính theo tuần kể từ đầu tháng 4 tới thời điểm này.

Ngay lập tức, giá vàng giao ngay rơi xuống sát 2.033 USD/ounce, tương đương khoảng 57 triệu đồng/lượng, so với 2 ngày trước giảm khoảng 42 USD/ounce, tương đương giảm khoảng 1,2 triệu đồng/lượng.

Ngân hàng Commerzbank cho biết, giá vàng đã bắt đầu quỹ đạo đi xuống. Điều dễ hiểu là các nhà đầu tư hiện đang chốt lời, thể hiện rõ ràng ở các quỹ đầu tư ETF vàng với dòng tiền ra vào liên tục.

Thế nhưng, nhà băng này cho rằng đà phục hồi sẽ tiếp tục sau khi giá củng cố ở mức thấp hơn, dự báo đà phục hồi của kim loại quý sẽ tiếp tục sau khi một số hoạt động chốt lời đã diễn ra.

Tuy giá vàng quốc tế đang chiều hướng giảm, song các nhận định đưa ra từ giới phân tích lĩnh vực vàng, khả năng mặt hàng kim quý này còn có cơ hội bật tăng khi dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được trong một sớm một chiều, dù đã có vắc-xin và căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.

Tuy có điều chỉnh nhẹ, song theo nhận định của ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng vàng Thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam, giá vàng thế giới vẫn đang tiếp tục chiều hướng đi lên. Nguyên nhân chính là do dịch bệnh Covid-19 bùng phát diện rộng trên toàn cầu, diễn biến phức tạp, chưa dừng lại, nhất là ở Mỹ.

Kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng âm trong năm nay. Vì vậy, hầu hết các nước đều nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ với mức độ chưa từng có.

Theo thống kê mới nhất, nếu tháng 4/2020, tổng các gói kích thích tài khóa mới là 8.000 tỷ USD thì đến nay đã tăng lên 11.000 tỷ USD, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại nếu chưa kiểm soát được dịch bệnh.

Các Ngân hàng Trung ương trên thế giới tiếp tục giảm lãi suất để kích cầu thị trường. Chính điều này đã tác động mạnh lên mặt hàng kim quý vàng.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục