Trần giá vé vận chuyển hành khách hàng không nội địa: Giữ hay buông?

0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vẫn bảo lưu quan điểm cần tiếp tục duy trì dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa trong danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.
Khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ vận chuyển hàng không, với sản phẩm đa dạng, mức giá phù hợp. Ảnh: Đức Thanh Khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ vận chuyển hàng không, với sản phẩm đa dạng, mức giá phù hợp. Ảnh: Đức Thanh

Nhà nước vẫn quyết giá tối đa

Quan điểm này một lần nữa được thể hiện rõ trong Công văn số 6058/BGTVT - VT vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính về việc góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Theo đó, đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, Bộ GTVT thống nhất với nội dung tại mục 7.2, phần I, Báo cáo số 243/BCCP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về hình thức định giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa: Bộ GTVT quyết định giá tối đa, các hãng hàng không quyết định giá cụ thể.

Liên quan đến tên danh mục hàng hóa, dịch vụ, Bộ GTVT cho biết, tại Phụ lục 2, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) quy định: “Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa” do Bộ GTVT định giá tối đa.

Sau khi rà soát, Bộ GTVT kiến nghị sửa đổi quy định chi tiết hơn với danh mục này theo hướng: “Dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản” do Bộ GTVT định giá tối đa.

Theo Bộ GTVT, việc điều chỉnh tên dịch vụ là để phù hợp hơn với tình hình thực tế kinh doanh của các hãng hàng không. Tùy theo chiến lược kinh doanh, đội tàu bay, chất lượng dịch vụ của mình, các hãng sẽ chủ động phân thành các hạng vé với điều kiện, dịch vụ khác nhau.

“Trong đó, hạng phổ thông cơ bản là hạng vé đáp ứng được nhu cầu cơ bản của hành khách khi tham gia vận chuyển bằng đường hàng không, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn sử dụng nhất, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số vé cung ứng của hãng hàng không”, Công văn số 6058 do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ.

Được biết, các hãng hàng không, bao gồm cả hãng bay có chi phí thấp (Vietjet) vẫn cung cấp các dịch vụ dành cho khách hàng có yêu cầu đặc biệt có dịch vụ cao hơn mức phổ thông của đa số hành khách.

Tuy nhiên, chính sách giá vé của các hạng dịch vụ này không tác động đến số đông hành khách tham gia vận chuyển bằng đường hàng không, mà chỉ tác động đến một tỷ lệ rất thấp khách hàng là những người có khả năng chi trả và có yêu cầu về chất lượng dịch vụ cao hơn.

Trong thời gian vừa qua, để tạo tính chủ động của các hãng hàng không, Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 9/5/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cũng chỉ quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa.

“Việc quy định mức tối đa đối với các vé như hạng C hay hạng Phổ thông đặc biệt sẽ hạn chế việc đầu tư, nâng cấp, đa dạng hóa sản phẩm của các hãng hàng không, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đánh giá tác động cụ thể việc quy định mức tối đa với các hạng vé này tới hoạt động sản xuất, kinh doanh các hãng hàng không chưa được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, lãnh đạo Bộ GTVT phân tích.

Một điểm khác cũng chưa có sự đồng thuận cao giữa Bộ GTVT và cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) là giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa nội địa.

Tại điểm c, khoản 1, Điều 73, Dự thảo Luật Giá ngày 30/5/2023 quy định: “Sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 116 như sau: “Giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về giá. Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai với Bộ GTVT”.

Tại Công văn số 6058, Bộ GTVT cho rằng, đây là nội dung mới phát sinh so với các Dự thảo Luật Giá trước, Bộ GTVT đề xuất không thực hiện định giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa trên các đường bay nội địa và kiến nghị sửa đổi điểm c, khoản 1, Điều 73, Dự thảo Luật Giá như sau: “Sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 116 như sau: “Giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản thực hiện theo quy định của pháp luật về giá”.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về GTVT cho rằng, thị trường vận chuyển hàng không nội địa Việt Nam có sự tham gia của 6 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Viettravel Airlines, Vasco) với đội tàu bay khai thác 100% là chủng loại tàu bay chuyên chở hành khách, kết hợp vận chuyển hàng hóa, bưu kiện.

Do các hãng hàng không chưa có chủng loại tàu bay chuyên chở hàng hóa chuyên dụng, nên hoạt động vận chuyển hàng hóa hoàn toàn phụ thuộc vào các chuyến bay chuyên chở hành khách.

Với thực tế là hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không nội địa chủ yếu là những hàng hóa có tính chất đặc thù, cần ưu tiên về thời gian vận chuyển hoặc một số mặt hàng cao cấp, có giá trị kinh tế lớn chiếm tỷ trọng rất nhỏ về khối lượng so với việc vận chuyển hàng hóa trong nước bằng các phương tiện vận tải khác như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

“Hiện nay, thị trường vận chuyển hàng hóa có sức cạnh tranh rất mạnh mẽ, thị trường tự điều tiết mức giá phù hợp nhu cầu của người sử dụng dịch vụ, việc Nhà nước thực hiện định giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa nội địa qua đường hàng không là không thực sự cần thiết”, Bộ GTVT nêu quan điểm.

Thị trường không còn độc quyền?

Một điểm rất đáng chú ý là, tại Công văn số 6058, Bộ GTVT đề nghị bổ sung dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không vào tiểu mục g, khoản 5, Điều 8, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) về trường hợp hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ mà không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Trước đó, tháng 5/2023, Bộ GTVT cũng đã có ý kiến thống nhất với các hãng hàng không Việt Nam về việc đề nghị bổ sung dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không vào khoản 5, Điều 8, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, dịch vụ vận chuyển hàng không cũng như các loại hình vận tải khác là loại hàng hóa, dịch vụ không lưu kho được. Kể từ khi đóng cửa tàu bay thực hiện chuyến bay, thì những chỗ chưa được bán trên chuyến bay là ghế trống và không còn giá trị sử dụng.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thực hiện theo cơ chế linh hoạt với nhiều dải giá tùy tình hình thị trường, điều kiện vé, thời điểm xuất vé… Dịch vụ vận chuyển hàng không có tính thời vụ cao, biến động theo thời điểm rất rõ rệt.

Tùy thuộc nhu cầu đi lại của hành khách, kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không thường có mùa cao điểm, mùa thấp điểm; chuyến bay có giờ bay phù hợp sẽ có nhiều hành khách mua vé, thậm chí sẵn sàng trả giá cao có thể mua được vé sát giờ bay, điều kiện linh hoạt, chất lượng dịch vụ cao theo nhu cầu của khách hàng.

Do vậy, việc các hãng hàng không đưa ra nhiều dải giá phù hợp theo từng chuyến bay, thời gian bay của từng thời vụ, thời điểm là rất cần thiết. Đối với những chuyến bay trong mùa thấp điểm, giờ bay muộn, thường có giá vé phù hợp nhằm khuyến khích hành khách để lấp đầy chỗ trống trên tàu bay. Doanh thu, chi phí của các hãng hàng không sẽ được tập hợp theo chuyến bay, chặng bay, chứ không phải theo từng vé cung ứng.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2023, trong văn bản góp ý Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Vietnam Airlines đề nghị đưa dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bởi cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường vận chuyển hàng không nội địa, nên giá dịch vụ phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

Cụ thể, thị trường vận chuyển hành khách nội địa đã có sự tham gia của 6 hãng hàng không, với mức độ cạnh tranh cao cả về giá và chất lượng dịch vụ. Trong năm 2022, tại thị trường nội địa, không có hãng hàng không nào chiếm quá 40% thị phần để giữ vị trí thống lĩnh. Cụ thể, Vietjet chiếm khoảng 40%, Vietnam Airlines (35%), Bamboo Airways (16%), Pacific Airlines (6%), Vietravel Airlines (2%) và Vasco (1%). Khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, có nhiều lựa chọn hãng hàng không với sản phẩm đa dạng, mức giá phù hợp.

“Chính vì vậy, việc tiếp tục áp dụng khung giá sẽ làm hạn chế khả năng và động lực khuyến khích phát triển của các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không truyền thống, cung cấp thêm sản phẩm chất lượng cao với dịch vụ, tiện ích tương ứng với giá vé để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của hành khách”, đại diện Vietnam Airlines phân tích. Bên cạnh đó, theo Vietnam Airlines, việc duy trì trần giá vé còn gây “méo mó” cung - cầu.

Trong giai đoạn cao điểm, các đường bay thường khai thác lệch đầu, việc khống chế giá gây khó khăn cho công tác cân đối hiệu quả khai thác 2 chiều của đường bay, hãng bay sẽ phải cân nhắc tăng tần suất để đáp ứng nhu cầu đi lại của chiều cao điểm, dẫn tới hạn chế khả năng cung ứng sản phẩm cho khách hàng.

Cần phải nói thêm rằng, khi Quốc hội thảo luận một số nội dung của Dự án Luật Giá (sửa đổi), vấn đề giá trần, giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa đã nhận được khá nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Trong đó có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá, đưa mặt hàng này thực hiện hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Nhiều ý kiến ủng hộ tiếp tục giữ quy định như Dự thảo, Nhà nước định giá tối đa (giá trần) để đảm bảo lợi ích nhân dân, thúc đẩy kinh tế xã hội. Có ý kiến đề nghị giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn. Có ý kiến đề nghị chỉ định giá đối với hạng vé phổ thông.

Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay tại thời điểm này là phù hợp, bởi nếu tiếp tục duy trì sẽ không còn phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

“Bên cạnh đó, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia”, đại biểu Tạ Văn Hạ nêu quan điểm.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục