Trăm dâu đổ đầu giá điện

(ĐTCK) Tăng giá than bán cho điện, tăng giá điện..., những động thái liên tục được đưa ra gần đây khiến thị trường năng lượng dậy sóng. 
Giá bán than tăng sẽ tác động trực tiếp tới giá điện, từ đó ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế. Giá bán than tăng sẽ tác động trực tiếp tới giá điện, từ đó ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế.

Giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện thường thấp hơn so với thị trường, có thời điểm rẻ hơn so với giá thị trường là 50.000 đồng/tấn. Than là nhiên liệu đầu vào của nhiệt điện, giá than là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới giá thành sản xuất của các nhà máy nhiệt điện, do vậy, việc giải quyết hài hòa giá cung cấp than cho nhà máy điện là không dễ. Bởi giá than tăng sẽ tác động trực tiếp đến giá điện, từ đó ảnh hưởng chung tới toàn nền kinh tế cũng như đời sống sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần đảm bảo tính thị trường trong việc xây dựng giá bán của các ngành thuộc lĩnh vực năng lượng, trong đó có ngành sản xuất than, nhằm tính đúng tính đủ chi phí để duy trì hoạt động cũng như tạo động lực cho doanh nghiệp ngành than phát triển, từ đó mới có thể đảm bảo hài hòa nguồn cung ứng ổn định và lâu dài cho các hộ sản xuất, trong khi vẫn đảm bảo lợi ích của tất cả các bên. 

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, xung quanh câu chuyện mua bán than giữa hai tập đoàn lớn này đặt ra vấn đề: Không nên và không thể can thiệp vào vấn đề kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước bằng các biện pháp hành chính.

Bởi hệ lụy nhãn tiền là sẽ tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và lớn hơn nữa là không thể duy trì được chuỗi cung ứng ổn định giữa các doanh nghiệp.

Liên quan đến lo ngại về việc thiếu nguồn cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện, dẫn tới khó khăn trong công tác huy động nguồn điện, thậm chí một số nhà máy nhiệt điện phải chạy cầm chừng, đại diện TKV khẳng định, Tập đoàn đảm bảo cấp đủ than theo hợp đồng đã ký cho các nhà máy nhiệt điện. Theo hợp đồng năm 2018 giữa TKV và Nhiệt điện Quảng Ninh, TKV cung cấp 2,6 triệu tấn than cho Nhiệt điện Quảng Ninh.

“Đến nay, TKV đã cấp cho Nhiệt điện Quảng Ninh 2,605 triệu tấn, hoàn thành khối lượng hợp đồng đã ký. Phần tăng thêm, TKV và EVN đã bàn bạc thống nhất. Trong tháng 12/2018, TKV cấp tiếp khoảng 200.000 tấn. Dự kiến, cả năm 2018, TKV cung cấp Nhiệt điện Quảng Ninh là  2,830 triệu tấn than, tăng 21% so với năm 2017”, lãnh đạo TKV cho biết.

Cũng theo vị này, trong các cuộc họp ngày 12/11/2018 và ngày 14/11/2018 do Thứ trưởng Bộ Công thương chủ trì, TKV và Tổng công ty Đông Bắc (Tổng công ty Đông Bắc, công ty con của TKV) đã cam kết đảm bảo cấp đủ than theo hợp đồng đã ký với các nhà máy nhiệt điện sản xuất, tuy nhiên không đảm bảo cho các nhà máy tăng lượng dự trữ tồn kho theo yêu cầu.

Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh là một trong những nhà máy của EVN chưa ký hợp đồng dài hạn với TKV về cung cấp than, do đó, TKV chưa có cơ sở để cân đối nhu cầu của Nhà máy trong dài hạn để chủ động điều hành sản xuất đảm bảo tăng sản lượng theo yêu cầu.

“Thời gian tới, hai bên cần phải thống nhất ký hợp đồng cung cấp than dài hạn để chủ động về nguồn cung cho Nhà máy, cũng như chủ động việc bố trí sản xuất, đầu tư của TKV”, đại diện TKV đề xuất.

Căn cứ tình hình thực hiện cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện trong những năm gần đây, căn cứ năng lực sản xuất, chế biến của TKV, Tập đoàn dự kiến kế hoạch tiêu thụ than năm 2019 là 40 triệu tấn, trong đó cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện là 31,90 triệu tấn (kể cả phần nhập khẩu 4 triệu tấn để pha trộn).

Trên cơ sở năng lực sản xuất của TKV theo các giấy phép khai thác than hiện có, TKV xây dựng kế hoạch sản xuất 39 triệu tấn than nguyên khai, chế biến 36 triệu tấn than sạch trong năm tới.

Phần thiếu hụt, TKV sẽ nhập khẩu để pha trộn với than sản xuất trong nước thành than đảm bảo tiêu chuẩn để cung cấp cho các hộ tiêu thụ. Tuy nhiên, do nhu cầu than cho sản xuất điện thời gian qua biến động rất lớn và phụ thuộc rất nhiều vào việc huy động các nhà máy nhiệt điện chạy than nên cần phải có cam kết của các nhà máy điện về việc nhận đủ than theo hợp đồng kể cả trong trường hợp giảm phát để TKV có thể chủ động trong sản xuất, đầu tư.

Bên cạnh đó, do giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện hiện nay thấp hơn giá thị trường và thấp hơn nhiều so với giá than nhập khẩu, TKV cũng đề xuất cần sớm có chính sách giá đối với than pha trộn từ than nhập khẩu với than trong nước sản xuất để TKV (và Tổng công ty Đông Bắc) chủ động tính toán phương án nhập khẩu đảm bảo nhu cầu cho các nhà máy điện ngay từ đầu năm 2019.

Tại buổi họp báo công bố chi phí sản xuất - kinh doanh điện năm 2017 vào chiều ngày 30/11/2018, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho biết sẽ sớm xây dựng phương án điều hành giá điện trong năm 2019 và trình thẩm định, báo cáo với Ban Chỉ đạo điều hành giá Chính phủ để quyết định tăng giá điện và thời điểm tăng giá điện.

Nếu chi phí làm giá điện tăng từ 3% thì sẽ được quyền điều chỉnh. Theo đó, nếu mức tăng từ 3 - 5%, EVN sẽ được tự quyết việc điều chỉnh, nếu từ 5 - 10%, Bộ Công thương sẽ điều chỉnh, còn nếu trên 10% hay vượt khung giá, các đơn vị sẽ phải trình xin ý kiến Thủ tướng.

Theo Bộ Công thương, EVN bị lỗ 1.323,68 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh điện. Tuy nhiên, phần lỗ này được bù đắp nhờ thu nhập từ các hoạt động khác 4.115,76 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng hoạt động sản xuất - kinh doanh điện năm 2017 và các hoạt động liên quan, EVN theo Bộ Công thương lãi 2.792,08 tỷ đồng.

Hai Thu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục