Trong khi đó, các số liệu kinh tế cho thấy lạm phát Mỹ ở mức thấp và niềm tin người tiêu dùng suy yếu càng khiến nhà đầu tư quan tâm với kênh đầu tư an toàn này.
Phương Tây đã đẩy mạnh các cuộc đàm phán về các biện pháp trừng phạt, trong khi Nga cũng phản ứng lại với những đe dọa về các biện pháp trả đũa. Hải quân Nga cho biết hôm thứ Sáu tuần trước rằng, máy bay chiến đấu của Nga đã bắt đầu diễn tập trên biển Địa Trung Hải. Những dấu hiệu bế tắc của Nga với Ukraine về tương lai của Crimea vẫn tiếp tục.
Trong một bài phát biểu cuối tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra cảnh báo rằng, nước Nga có nguy cơ phải hứng chịu những thiệt hại “nghiêm trọng” về cả chính trị và kinh tế, nếu như Moscow không thay đổi cách hành xử trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.
Không chỉ thị trường trái phiếu Mỹ phản ứng trước các động thái trên, tuần qua, cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã giảm mạnh do tác động bởi căng thẳng giữa phương Tây và Nga. Chỉ số VIX chuyên đo lường trạng thái bất ổn của nhà đầu tư phố Wall tăng thêm 9,9% lên mức 17,82 điểm.
Thay vì chứng khoán, giới đầu tư đã đổ mạnh tiền vào vàng và đồng Yên Nhật, những tài sản được coi là “tránh bão”.
Kết thúc ngày giao dịch cuối tuần qua (14/3), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 43,22 điểm, tương ứng với mức giảm 0,27%, xuống còn 16.065,67 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,21 điểm, tương ứng với mức giảm 0,28%, xuống còn 1.841,13 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 15,02 điểm, tương ứng với mức 0,35%, còn 4.245,40 điểm. Đáng chú ý là S&P 500 đã có ngày thứ hai liên tiếp đứng dưới ngưỡng cản kỹ thuật quan trọng 1.850 điểm.
Tính cả tuần, S&P 500 giảm 1,97%, xác lập tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ cuối tháng 1/2014. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,35% trong tuần, Nasdaq giảm 2,1%.
Khối lượng giao dịch cổ phiếu toàn thị trường cũng chỉ đạt 6,7 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức bình quân 6,9 tỷ cổ phiếu/ngày kể từ đầu tháng 3 cho đến nay.
Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, biến động của thị trường tài chính Mỹ tuần qua có nguyên nhân chính từ sự căng thẳng tại Ukraine, tất nhiên, cũng có thêm một số lý do kinh tế khác.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, giá cả các mặt hàng sản xuất của Mỹ giảm trong tháng 2, do sự suy giảm trong chi phí dịch vụ. Điều này cho thấy có rất ít dấu hiệu về một sự tăng áp lực lên lạm phát. “Thật sự rất khó để thấy được giá trái phiếu sẽ tăng mạnh (lãi suất giảm) đến mức nào với thông tin về lạm phát quá thấp và với quá nhiều những bất ổn về kinh tế và chính trị hiện nay”, ông Margaret Patel, quản lý danh mục đầu tư cao cấp tại Wells Capital Management ở Boston cho biết.
Số liệu cho thấy niềm tin tiêu dùng suy yếu đang làm tăng thêm nhu cầu đối với trái phiếu. Chỉ số tổng thể về niềm tin tiêu dùng của Thomson Reuters/University of Michigan đã giảm xuống mức 79,9 trong tháng 3, từ mức 81,6 trong tháng 2, đánh dấu mức thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 11.
Cùng với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, những lo ngại về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng đang kích thích nhu cầu đối với trái phiếu kho bạc Mỹ.
“Kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ làm chậm sự tăng trưởng kinh tế của thế giới”, Matt Duch, một nhà quản lý danh mục đầu tư của Calvert Investments tại Bethesda, Maryland nói và cho rằng, những lo ngại về kinh tế Trung Quốc đã khiến giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trong ngày thứ Năm tuần trước.
Vào ngày cuối tuần trước, Fed đã mua vào 1,15 tỷ USD trái phiếu kho bạc đáo hạn vào tháng 2/2036 và tháng 8/2043, khi lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm đã giảm 14 điểm cơ bản trong tuần, đánh dấu mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 9/2013, theo số liệu của Reuters.
Hiện các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi vào cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của các ngân hàng trung ương Mỹ vào tuần tới, khi Fed dự kiến sẽ duy trì tốc độ cắt giảm chương trình mua trái phiếu kích thích kinh tế hàng tháng của mình.