Ukraina khiến Phố Wall mất hứng

(ĐTCK) Đang trên đà hưng phấn với tăng mạnh trong suốt phiên giao dịch cuối tuần, bỗng dưng chứng khoán Mỹ yếu dần khi giới đầu tư lo ngại về cuộc khủng hoảng Ukraina.
S&P 500 có tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2013 - Ảnh: Reuters S&P 500 có tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2013 - Ảnh: Reuters
Trong phiên giao dịch cuối tuần, Dow Jones và S&P 500 tiếp tục thăng hoa nhờ cổ phiếu bán lẻ và dư âm của bài phát biểu của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày trước đó. Trong khi đó, Nasdaq yếu thế do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Trong phiên điều trần này, bà Yellen cho biết, những dữ liệu kinh tế yếu thời gian qua là do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, còn xét ở bình diện chung, nền kinh tế Mỹ vẫn trên đà phục hồi tốt. Cũng trong bài phát biểu này, bà Yellen không đưa ra thông tin cụ thể nào về việc cắt giảm gói kích thích kinh tế, mà chỉ phát biểu chung là sẽ thận trọng xem xét chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, gần về cuối phiên, sau Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ lâm thời Ukraina cáo buộc Nga xâm lược quân sự quốc gia này khi đưa quân vào Crimea. Ngoài ra, Chính phủ lâm thời Ukraina cũng cáo buộc Nga đang lập lại kích bản can thiệp quân sự và chia cắt Ukraina như với Gruzia năm 2008. Giới đầu tư Phố Wall vốn rất nhạy cảm với các thông tin kinh tế, chính trị ngay tức khắc phản ứng với thông tin quan trọng này. Họ đã bán mạnh cổ phiếu ra cuối phiên, đẩy Dow Jones và S&P 500 đảo chiều. Tuy nhiên, sau đó, các chỉ số này đã kịp phục hồi trở lại trong phút cuối để chốt phiên trong sắc xanh. Trong đó, S&P 500 tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Kết thúc phiên 28/2, chỉ số Dow Jones tăng 49,06 điểm (+0,30%), lên 16.321,71 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,16 điểm (+0,28%), lên 1.859,45 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 10,81 điểm (-0,25%), xuống 4.308,12 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,4%, chỉ số S&P 500 tăng 1,3% và chỉ số Nasdaq tăng 1%. Trong tháng 2, chỉ số Dow Jones tăng 4%, mức cao nhất từ đầu năm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,3%, mức tăng tốt nhất kể từ tháng 10/2013 và chỉ số Nasdaq tăng 5%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, trong khi chứng khoán Anh đảo chiều giảm nhẹ trở lại, thì chứng khoán Đức lại tăng cao nhờ lợi nhuận khả quan của hãng dược phẩm Bayer. Chính cổ phiếu của hãng dược này đưa chỉ số DAX tăng gần 1,1%, lên mức gần cao nhất 1 tháng 9.694,05 điểm.

Kết thúc phiên 28/2, chỉ số FTSE tại Anh giảm 0,57 điểm (-0,01%), xuống 6.809,70 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 103,75 điểm (+1,08%), lên 9.692,08 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 11,69 điểm (+0,27%), lên 4.408,08 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có giảm nhẹ thứ 3 liên tiếp trong phiên cuối tuần khi nhà đầu tư vẫn lo lắng về cuộc khủng hưởng Ukraina và đồng yên tăng mạnh, gây áp lực lên nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng.

Kết thúc phiên 28/2, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản giảm 82,04 điểm (-0,55%), xuống 14.841,07 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 8,78 điểm (+0,04%), lên 22.836,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 8,95 điểm (+0,44%), lên 2.056,30 điểm.

Giá vàng giảm nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần. Kết thúc phiên 28/2, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 3,20 USD (-0,24%), xuống 1.328,60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 10,2 USD (-0,77%), xuống 1.321,6 USD/ounce. Trong cuộc thăm dò về xu hướng của giá kim loại quý này, đa số các chuyên gia đưa ra dự báo, giá vàng sẽ giảm.

Giá dầu tăng trở lại trong phiên cuối tuần, lấy lại đúng những gì đã để mất trong phiên thứ Năm. Kết thúc phiên 28/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,19 USD (+0,19%), lên 102,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,11 (-0,10%), lên 109,07 USD/thùng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục