Số liệu nhà mới được bán trong tháng 12/2013 cũng được điều chỉnh tăng từ mức 414.000 căn, theo số liệu sơ bộ lên 427.000 căn.
Với số liệu tích cực này, chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh trong phiên, chỉ số S&P 500 thậm chí vượt 1.850 điểm, mức cao kỷ lục mới. Dow Jones, Nasdaq cũng vụt tăng mạnh nhờ dữ liệu kinh tế tích cực này, cũng như sự hỗ trợ của cổ phiếu bán lẻ khi các nhà bán lẻ công bố kết quả lợi nhuận khả quan trước đó.
Tuy nhiên, về cuối phiên, Phố Wall đã đánh mất gần như toàn bộ những gì đã có được trong phiên, S&P 500 không giữ được đỉnh cao lịch sử khi giới đầu tư đẩy mạnh xả hàng, bởi phía trước họ là phiên điều trần về chính sách tiền tệ của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen vào ngày thứ Năm.
Đặc biệt, những lo ngại về cuộc khủng hoảng ở Ukraine khiến giới đầu tư không yên tâm nắm giữ cổ phiếu, mà chuyển hướng đầu tư sang các kênh đầu tư an toàn hơn như đồng USD, trái phiếu chính phủ Mỹ.
Kết thúc phiên 26/2, chỉ số Dow Jones tăng 18,75 điểm (+0,12%), lên 16.198,41 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,04 điểm (+0,00%), lên 1.845,16 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 4,48 điểm (+0,10%), lên 4.292,06 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên giảm điểm trong ngày thứ Tư. Trong phiên thứ Ba, chứng khoán châu Âu bị ảnh hưởng bởi cổ phiếu khai khoáng khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn nhất là Trung Quốc sụt giảm, thì trong phiên thứ Tư, chứng khoán châu Âu lại chịu ảnh hưởng bởi cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xa xỉ khi lượng tiêu thụ tại Trung Quốc và các thị trường mới khác nổi kém khả quan.
Cổ phiếu Credit Suisse giảm 2,5% sau khi một tiểu ban của Thượng viện Mỹ cáo buộc các ngân hàng của Thụy Sĩ giúp nhiều đối tượng trốn thuế cũng đã ảnh hưởng tới chứng khoán châu Âu.
Kết thúc phiên 26/2, chỉ số FTSE tại Anh giảm 31,35 điểm (-0,46%), xuống 6.799,15 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 37,62 điểm (-0,39%), xuống 9.661,73 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 17,64 điểm (-0,40%), xuống 4.396,91 điểm.
Chứng khoán châu Á trượt dài lúc đầu phiên giao dịch ngày thứ Tư khi bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine và chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch FED. Thị trường chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh giảm từ mức cao nhất 4 tuần, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc lại bất ngờ tăng trở lại.
Kết thúc phiên 26/2, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản giảm 80,63 điểm (-0,54%), xuống 14.970,97 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 120,24 điểm (+0,54%), lên 22.437,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 7,04 điểm (+0,35%), lên 2.041,25 điểm.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang có chiều hướng xấu hơn khi Nga đang điều 150.000 quân tới sát biên giới với Ukraine. Diễn biến mới này khiến đồng USD tăng mạnh, lên mức cao nhất 2 tuầnvà tác động trở lại giá vàng. Việc đồng USD tăng giá đã khiến giá kim loại quý giảm trở lại từ mức cao nhất 4 tháng, bất chấp những rủi ro về kinh tế và chính trị tăng lên.
Kết thúc phiên 26/2, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 11,80 USD (-0,88%), xuống 1.329,80 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 12,3 USD (-0,92%), xuống 1.328,0 USD/ounce.
Giá dầu hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh ngày 25/2. Kết thúc phiên 26/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,76 USD (+0,74%), lên 102,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,01 (+0,01%), lên 109,52 USD/thùng.