Trái phiếu - Mở lối đi cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nghị định 65/2022/NĐ-CP không “siết chặt” hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ như nhiều ý kiến lo ngại trước đó, kỳ vọng sẽ giúp thị trường này dần khởi sắc trở lại, dù thị trường có thể cần thời gian để thích nghi với các quy định mới.
Số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân dự kiến giảm mạnh theo quy định mới. Số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân dự kiến giảm mạnh theo quy định mới.

Một số lúng túng, lo ngại

Nhân viên mảng trái phiếu của một công ty chứng khoán cho biết, do có tệp khách hàng đặc thù (đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức) nên lần phân phối trái phiếu doanh nghiệp nào cũng đều thành công. Với nhà đầu tư cá nhân, dù không nhiều như khách hàng tổ chức, nhưng trái phiếu cũng được hấp thụ tốt.

Theo nhân viên này, các khách hàng tổ chức là doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi nên muốn sử dụng hiệu quả đồng vốn thông qua đầu tư vào trái phiếu, còn khách hàng cá nhân cũng khá đặc thù, đa phần đã quen với thị trường tài chính, có sự hiểu biết về kênh đầu tư này.

Tuy nhiên, vài tháng gần đây, các đợt phát hành trái phiếu mới sụt giảm nên hoạt động phân phối của công ty chững lại và công ty đang lúng túng trong việc làm thế nào để xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp theo quy định mới, đó là danh mục chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng trong thời gian tối thiểu 180 ngày, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại.

Ông Vương Hoàng Sơn, Giám đốc IB, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, quy định mới về nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ làm giảm số lượng khách hàng đạt điều kiện, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu trên thị trường trái phiếu và quy mô thị trường này có thể giảm trong thời gian tới.

Theo ông Sơn, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực ngay khi ban hành (16/9/2022) nên có khách hàng đang từ chuyên nghiệp thành không chuyên nghiệp và không thể thực hiện đầu tư trái phiếu như kế hoạch. Quy trình và hệ thống xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp, giao dịch trái phiếu phải dừng lại để sửa đổi theo quy định mới đã làm gián đoạn giao dịch trong một thời gian. Mặt khác, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thường “hạ nhiệt” khi các văn bản pháp luật mới được ban hành, vì cần có thời gian để thích nghi.

Giám đốc tư vấn tại một công ty chứng khoán khác nhận xét, quy định “thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán, tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên” tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP giúp giảm thời gian chào bán và phân phối trái phiếu (quy định cũ là tối đa 90 ngày), nhất là với những trái phiếu phát hành nhiều đợt (quy định cũ là tối đa 12 tháng), phù hợp với mục đích đầu tư dự án vốn có đặc điểm là thời gian triển khai kéo dài, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa dòng vốn giải ngân, nhưng có thể gây khó khăn và làm tăng chi phí vốn.

Đáng lưu ý, việc bổ sung một số quy định về hồ sơ, phương án phát hành và chế độ công bố thông tin, báo cáo, đồng thời nâng điều kiện về nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tạo ra thách thức cho số lượng các đợt phát hành trái phiếu sắp tới, đặc biệt là khối bất động sản (Top 2 về phát hành trái phiếu, chỉ sau ngân hàng).

Áp lực khi trái phiếu cũ dần đáo hạn

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, cuối năm 2022 và năm 2023 - 2024 sẽ là giai đoạn khó khăn về dòng tiền đối với các doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu đáo hạn. Đặc biệt, các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, chất lượng tài sản thấp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nguồn vốn để xoay vòng.

Thực tế gần đây cho thấy, một số doanh nghiệp đã phải xin gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu do gặp áp lực dòng tiền.

Doanh nghiệp bất động sản được cho là sẽ khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, trong khi nguồn từ phát hành trái phiếu thời gian qua suy giảm và thời gian tới không dễ huy động vì các quy định mới, đó là chưa kể sức hấp thụ của thị trường bất động sản trong 2 năm tới dự kiến không cao.

Theo tính toán của KBSV, việc các doanh nghiệp tăng cường huy động vốn trái phiếu giai đoạn 2019 - 2021 làm gia tăng áp lực đáo hạn kể từ năm 2022. Năm 2023 và 2024, tổng giá trị đáo hạn trái phiếu lần lượt là 374.300 tỷ đồng và 381.200 tỷ đồng. Trong đó, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, lần lượt đạt 120.400 tỷ đồng (32,1%) và 121.100 tỷ đồng (32%).

Trong giai đoạn 2020 - 2021, các doanh nghiệp bất động sản có quy mô vốn chủ sở hữu dưới 20.000 tỷ đồng có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh (CFO) dương; còn nhóm doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu từ 1.000 - 5.000 tỷ đồng có tổng CFO âm trong năm 2021 và quý I/2022.

“Những chủ đầu tư có nguồn thu, có dòng tiền về theo đúng kế hoạch mới có khả năng thực hiện đúng cam kết với trái chủ”, một chuyên gia nhận định.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG) cho biết, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty đang đi theo kế hoạch, các dự án bất động sản, năng lượng tái tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng bám sát tiến độ đề ra, kỳ vọng sẽ tạo ra dòng tiền ổn định.

Bamboo Capital sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với các trái chủ. Tỷ lệ nợ trái phiếu đến hạn phải trả từng năm so với tổng nợ 9.159 tỷ đồng trái phiếu tính đến 31/12/2021 là hợp lý và bám sát kế hoạch doanh thu. Dòng tiền để trả nợ trái phiếu các năm tới vẫn chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất - kinh doanh chính.

Về công tác huy động vốn, Bamboo Capital đang tiếp cận ở nhiều kênh khác nhau, bao gồm phát hành cổ phiếu ra công chúng, hợp tác với các đối tác chiến lược.

Cửa huy động vốn dành cho doanh nghiệp có năng lực và minh bạch

Nghị định mới không cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động như quy định cũ, nhưng cho phép phát hành để cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp đó.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank cho rằng, Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ có các quy định khá chung, tương đối dễ cho cả tổ chức phát hành, tư vấn và nhà đầu tư cá nhân tham gia. Từ quy định dễ chuyển sang quy định nghiêm ngặt hơn, tâm lý ban đầu của các bên tham gia cảm thấy khó khăn hơn. Với các quy định mới trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP, trong ngắn hạn có thể làm “khựng” lại số lượng tham gia là nhà đầu tư cá nhân, khối lượng phân phối trái phiếu của công ty chứng khoán, nhưng các doanh nghiệp đã quen với phát hành trái phiếu và có dự án tốt vẫn đáp ứng được quy định, sẽ huy động được vốn từ kênh này. Còn các đơn vị chưa đáp ứng chuẩn sẽ phải chuẩn bị và làm lại hồ sơ phát hành trái phiếu, ước tính khoảng 6 tháng mới trở lại bình thường.

“Tôi cho rằng, Nghị định 65/2022/NĐ-CP theo hướng chặt chẽ, nhưng hợp lý, giúp thị trường phát triển bền vững hơn, buộc các thành viên tham gia thị trường phải chuyên nghiệp, bài bản hơn. Chỉ cần các bên tham gia nỗ lực đáp ứng điều kiện một chút”, ông Thành nói.

Nghị định mới không cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động như quy định cũ, nhưng cho phép phát hành để cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp đó, chứ không cấm như dự thảo ban đầu, giúp các doanh nghiệp bớt lo.

Theo ông Thành, nhiều doanh nghiệp mới bắt đầu mở rộng kinh doanh cần thời gian khoảng 5 năm mới đến giai đoạn hòa vốn và có lãi. Nhưng đa phần trái phiếu của các doanh nghiệp có kỳ hạn 3 - 4 năm, thậm chí 1 - 2 năm, vì người mua không chấp nhận thời gian nắm giữ trái phiếu quá dài. Bởi vậy, nhu cầu đảo nợ để huy động vốn nhằm mục đích trả nợ cũ và có thêm vốn hoạt động tiếp là rất lớn.

Một số điểm thay đổi khác được đánh giá “chặt hơn” là điều kiện về người mua trái phiếu. Chuyên gia của VNDIRECT dự báo, các công ty chứng khoán không được phép xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp theo tiêu chí danh mục đầu tư mang tính thời điểm như trước nên số lượng nhà đầu tư đáp ứng tiêu chí mới sẽ giảm mạnh. Việc này còn làm tăng chi phí và công việc cho các bên do xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp chỉ có hiệu lực trong 3 tháng.

Bên cạnh đó, Nghị định 65/2022/NĐ-CP thay đổi quy định về mệnh giá trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước từ 100.000 đồng hoặc bội số của 100.000 đồng lên 100 triệu đồng hoặc bội số của 100 triệu đồng. Quy định này sẽ gây khó khăn trong việc phân phối và đầu tư trái phiếu, do quy mô mua tối thiểu tăng mạnh.

Về vấn đề này, vị giám đốc phân tích của Chứng khoán Maybank Investment Bank nêu quan điểm, điều kiện với nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu chặt chẽ hơn, chuyên nghiệp hơn. Với các nhà đầu tư không chuyên, họ có thể tham gia thông qua quỹ trái phiếu, hoặc các công ty chứng khoán biết cách tạo các sản phẩm liên quan đến quản lý tài sản, cụ thể là chọn trái phiếu chất lượng, đủ năng lực cung cấp cho nhà đầu tư cá nhân.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam nhận xét, tinh thần của Nghị định 65/2022/NĐ-CP là tăng cường tính minh bạch cho trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời đề cao yêu cầu trách nhiệm đối với các thành phần tham gia.

Theo ông Quỳnh, cơ hội huy động vốn trái phiếu đối với các doanh nghiệp vẫn rộng khi Nghị định mới không thắt chặt điều kiện phát hành, mà chỉ bổ sung một số quy định về hồ sơ, phương án phát hành và chế độ công bố thông tin, báo cáo để tăng cường tính minh bạch của trái phiếu. Đối với quy định nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, điều này có thể thu hẹp số lượng nhà đầu tư tham gia trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, thị trường sẽ tự mở rộng đối tượng các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức mới như các quỹ đầu tư.

Nhiều công ty chứng khoán dự báo, tính minh bạch và thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được cải thiện, tỷ trọng phát hành riêng lẻ giảm, lực cầu từ cả các ngân hàng và nhà đầu tư cá nhân đều giảm, lãi suất phát hành có xu hướng tăng, tốc độ tăng trưởng quy mô của thị trường giảm trong năm 2022 nhưng sẽ được cải thiện cả về số lượng và chất lượng kể từ năm 2023.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính

Nghị định 65/2022/NĐ-CP không tăng điều kiện phát hành trái phiếu, mà chỉ bổ sung một số yêu cầu để phục vụ việc minh bạch hoá thị trường, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và cả quyền lợi của chính doanh nghiệp phát hành.

Trước đó, Chính phủ và Bộ Tài chính không có động thái nào “siết chặt” thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà chỉ tăng cường giám sát việc thực hiện, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo nhà đầu tư.

Với một số quy định mới, tôi cho rằng, những doanh nghiệp có tài chính lành mạnh, minh bạch thông tin sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu bình thường và không hy vọng những công ty không tốt mà vẫn phát hành được trái phiếu như trước.

Chúng tôi sẽ tập trung phát triển nhà đầu tư tổ chức bao gồm quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ, quỹ hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm... Với nhà đầu tư cá nhân, chúng tôi khuyến khích mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng hoặc tiếp cận các sản phẩm tài chính an toàn hơn như chứng chỉ quỹ đầu tư, uỷ thác cho công ty quản lý quỹ thực hiện đầu tư...

TS. Phan Phương Nam, Phó trưởng khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM
TS. Phan Phương Nam, Phó trưởng khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM

Để hoàn thiện chính sách về trái phiếu doanh nghiệp, các văn bản hướng dẫn Nghị định 65/2022/NĐ-CP cần làm rõ thêm một số nội dung sau.

Thứ nhất, đối với quy định “người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu”, cần làm rõ việc xác định danh sách này như thế nào, vì trái phiếu có thể ghi danh và không ghi danh nên mặc dù được giao dịch trên hệ thống của Sở Giao dịch chứng khoán nhưng sẽ xảy ra tình trạng nhà đầu tư nay mua, mai bán.

Thứ hai, theo quy định, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp “khi bán trái phiếu trên thị trường thứ cấp phải cung cấp đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành”, nhưng Nghị định 65/2022/NĐ-CP chưa làm rõ họ cung cấp đầy đủ thông tin của doanh nghiệp phát hành cho đến thời điểm nào. Việc xác định đầy đủ là không đơn giản.

Thứ ba, xác định rõ cơ chế thanh tra, giám sát của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ bao gồm xây dựng hệ thống cảnh báo mức rủi ro của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, xác định rõ doanh nghiệp phát hành có thời gian tồn tại lâu dài và tài chính ổn định với doanh nghiệp được thành lập chủ yếu để đáp ứng nhu cầu vốn của tập đoàn để từ đó có cơ chế kiểm tra, thanh tra hợp lý.

Liên quan đến công tác thanh, kiểm tra đối với giá trị trái phiếu doanh nghiệp 1,5 triệu tỷ đồng đã phát hành theo Nghị định 153/2020/NĐ-CP trong 2 năm qua, cần xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát và xử lý tiếp.

Tuỳ loại trái phiếu của mỗi doanh nghiệp khác nhau thì có cơ quan khác nhau quản lý. Sai phạm thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nào thì cơ quan đó tiến hành kiểm tra và xử phạt. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần nhanh chóng rà soát, bổ sung quy định về xử phạt để đảm bảo mức xử lý vi phạm hợp lý, tương thích với các hành vi vi phạm và đảm bảo có đầy đủ chế tài cho mọi hành vi vi phạm, kể cả các hành vi vi phạm theo quy định của Nghị định 65/2020/NĐ-CP.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

Bằng việc ra đời Nghị định 65/2022/NĐ-CP, quy định về trái phiếu doanh nghiệp đã được bổ sung, chỉnh sửa rất nhiều theo hướng tiến gần với thông lệ quốc tế.

Tiến bộ lớn nhất của Nghị định là đã thừa nhận công cụ xếp hạng tín nhiệm và đưa vào chính sách thành một yêu cầu gần như là bắt buộc đối với phát hành riêng lẻ (còn phát hành ra công chúng thì đã có quy định bắt buộc trước đó), nhưng vẫn “chiếu cố” đến điều kiện của doanh nghiệp Việt Nam ở chỗ doanh nghiệp nào phát hành từ 500 tỷ đồng trở lên và trên 50% vốn chủ sở hữu thì mới phải xếp hạng.

Như thế là hợp lý và có thể nói, đây là bước tiến dài nhất của việc sửa công cụ chính sách trong lĩnh vực này.

Tiến bộ thứ hai của Nghị định là có nói đến nhiệm vụ phải sớm xây dựng thị trường thứ cấp cho trái phiếu doanh nghiệp. Phải có thị trường thứ cấp để khi cần thì nhà đầu tư bán trái phiếu và khi không cần thì cứ để đó, giống như cổ phiếu. Chừng nào chưa có thị trường thứ cấp thì doanh nghiệp khó có thể phát hành trái phiếu dài hạn. Nếu cứ phát hành trái phiếu với kỳ hạn phổ biến là 3 năm thì doanh nghiệp quanh năm lo đảo nợ trái phiếu, chưa kể phải chịu lãi suất cao.

Nhóm phóng viên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục