Trái phiếu doanh nghiệp địa ốc “hút” nhà đầu tư cá nhân

(ĐTCK) Kênh huy động vốn đầu tư phát triển dự án qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khẳng định ưu thế so với nhiều kênh huy động vốn khác như tín dụng hay phát hành cổ phiếu.
Trái phiếu doanh nghiệp địa ốc “hút” nhà đầu tư cá nhân

“Cuộc chiến” hút vốn mới

Việc các doanh nghiệp hướng tới kênh huy động trái phiếu ngoài vấn đề do ảnh hưởng từ tín dụng dần bị siết lại đối với những lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán, thì một lý do quan trọng khác là việc từ ngày 1/2/2019, Nghị định 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phá hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực.

Với nhiều điểm thông thoáng hơn, đặc biệt là quy định doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu không bắt buộc phải có lãi năm liền kề trước đó đã tạo động lực cho các doanh nghiệp chủ động trong việc lên kế hoạch phát hành trái phiếu. Theo quy định trước đây, các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải có lãi năm liền kề trước đó. Điều này khiến một số doanh nghiệp muốn huy động vốn cho mục đích cơ cấu lại các khoản nợ không thực hiện được.

Nay Nghị định 163/2018 cho phép doanh nghiệp được phát hành trái phiếu để thực hiện dự án đầu tư, tăng quy mô vốn hoặc cơ cấu lại các khoản nợ. Đồng thời, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu thành nhiều đợt, điều này tạo thêm điều kiện cho các công ty có thể huy động vốn phù hợp với các dự án đầu tư của mình. Chính điều này đã tạo động lực cho các doanh nghiệp liên tục đặt kế hoạch phát hành trái phiếu.

Trong đó, Vingroup là tập đoàn được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây khi chào bán 20 triệu trái phiếu không chuyển đổi, tổng giá chào bán lên đến 2.000 tỷ đồng. Tiến độ phát hành được chia làm 2 đợt, mỗi đợt 1.000 tỷ đồng, với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Trái phiếu được thanh toán lãi 6 tháng/lần, được lấy từ lợi nhuận kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trước đó, trong tháng 8/2018, Vingroup cũng đã phát hành riêng lẻ cổ phần ưu đãi cho đối tác Hanwha, thu về 9.322 tỷ đồng.

Một thành viên của Vingroup là Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) trong tháng 8/2018 cũng đã phát hành 20 triệu trái phiếu kỳ hạn 3 năm (từ 2/8/2018  đến 2/8/2021), tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. Đến tháng 9/2018, tiếp tục phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm (từ 13/9/2018 đến 13/9/2020). Trước đó, trong tháng 10/2017, doanh nghiệp này cũng đã phát hành 5.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm (từ 19/9/2017 đến 19/9/2020).

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine cũng vừa thông báo phát hành 100 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tương đương tổng giá trị 10.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu có kỳ hạn 3 năm (từ 8/10/2018 đến 8/10/2021), không được chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không có bảo lãnh thanh toán.

Đại diện Sunshine Group cho biết, 10.000 tỷ đồng trái phiếu này sẽ tăng quy mô vốn hoạt động và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của Tập đoàn. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có) sẽ được dùng thanh toán lãi trái phiếu và trái phiếu.

Ảnh: shutterstock 

Vào tháng 11/2018, Tập đoàn Novaland đã thành công trong việc phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 140 triệu USD trái phiếu chuyển đổi trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX). Trước đó, ngày 30/4/2018, Novaland công bố huy động thành công 160 triệu USD từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế được niêm yết trên SGX.

Tương tự, đầu tháng 11/2018, Tập đoàn Đất Xanh cũng đã xin ý kiến cổ đông để phát hành tối đa 1.400 trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 5 năm với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tương ứng với việc thu về 1.400 tỷ đồng. Ngày phát hành dự kiến trong quý II/2019 với lãi suất không cao hơn 7%/năm. Ngày 10/8/2018, Đất Xanh cũng đã thông qua phương án phát hành 470 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn tối đa 36 tháng và 250 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 24 tháng.

Một “ông lớn” bất động sản khác là TTC Land cũng phát hành riêng lẻ tối đa 470 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo lãnh. Số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu sẽ dùng để tăng quy mô hoạt động tài chính, thực hiện đầu tư vào các chương trình, dự án của Công ty.

Mới đây nhất, Công ty Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng công bố phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản bảo đảm và không kèm chứng quyền. Mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Lãi suất trái phiếu 14,45%/năm và đáo hạn trong một năm.

Huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp là một lợi thế

Đặc điểm của ngành bất động sản là cần nguồn vốn lớn, dài hạn và đòi hỏi tính liên tục suốt quá trình triển khai. Cho nên, các công ty nếu có kế hoạch triển khai “siêu dự án”, thường có xu hướng huy động vốn từ trái phiếu. Đây là một lợi thế, bởi không phải lúc nào ngân hàng cũng đáp ứng toàn bộ nguồn vốn doanh nghiệp mà doanh nghiệp đang cần.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, trong thời gian vừa qua, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng dịch chuyển dòng tiền nhiều hơn vào trái phiếu doanh nghiệp, một sản phẩm “thắng” kênh đầu tư tiết kiệm về mức sinh lời, nhưng “thua” kênh đầu tư cổ phiếu về mức độ lợi nhuận hoặc rủi ro. Trong vòng 1 năm trở lại đây, sức cầu của nhà đầu tư cá nhân đối với sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng tích cực nhờ khả năng sinh lời cạnh tranh so với kênh đầu tư gửi tiết kiệm, trong khi thanh khoản tốt hơn nhờ sản phẩm được thiết kế linh hoạt với nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.

Theo góc nhìn của giám đốc đầu tư và quản lý danh mục đầu tư tại một ngân hàng lớn, mức lãi mang lại cho nhà đầu tư khoảng 8% trong năm qua, trong khi lãi suất gửi tiết kiệm ở một số ngân hàng lớn dao động trong khoảng 5 - 6%/năm, đã tạo ra sức hấp dẫn cho sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp.

Sức hút của trái phiếu doanh nghiệp đối với nhà đầu tư cá nhân phần nào thể hiện qua lượng thống kê của Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), đơn vị chiếm thị phần giao dịch trái phiếu lớn nhất năm 2018 trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Trong năm qua, TCBS đã phân phối thành công hơn 61.992 tỷ đồng trái phiếu cho các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, tăng 79% so với tổng khối lượng 34.637 tỷ đồng đạt được năm 2017. Trong đó, phần lớn lượng trái phiếu được phân phối cho nhà đầu tư cá nhân.

Theo cập nhật mới nhất của TCBS, Quỹ đầu tư trái phiếu Techcom (TCBF) - do Công ty Quản lý quỹ Techcom quản lý, tại kỳ giao dịch ngày 15/2/2019, giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ đạt hơn 7.361 tỷ đồng, lớn nhất trên thị trường hiện nay. Tại kỳ giao dịch này, NAV của TCBF tăng 8,11% so với cách đây 1 năm, còn so với 2 năm trước, mức tăng là 17%.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), với việc thị trường trái phiếu đang phát triển tốt, việc tận dụng cơ hội để phát hành trái phiếu là một phương thức huy động vốn khả thi đối với doanh nghiệp hội đủ điều kiện và có phương án đầu tư, kinh doanh khả thi, góp phần làm đa dạng hóa các nguồn vốn và giảm bớt dần sự lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Ông Châu cho hay, Hiệp hội đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp quan tâm tới phương thức này và phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích nguồn vốn huy động từ trái phiếu, thực hiện hiệu quả phương án sản xuất - kinh doanh và dự án đầu tư để đảm bảo lợi ích của các bên.

Đồng ý với quan điểm này, tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV phân tích thêm, mặc dù ưu điểm của phát hành trái phiếu là huy động được nguồn vốn rất lớn, nhưng săn dòng tiền từ kênh này không phải lúc nào cũng là câu chuyện dễ dàng. Doanh nghiệp muốn huy động vốn bằng kênh trái phiếu phải lưu ý tới nhiều tiêu chí.

Trong đó, ngoài tính minh bạch cao, sức khỏe của doanh nghiệp tốt, muốn phát hành trái phiếu thành công, các công ty niêm yết còn phải kèm theo một số điều kiện, như chuyển đổi sang cổ phiếu (trái phiếu chuyển đổi), hoặc hoán đổi cổ phần một công ty thứ ba (trái phiếu hoán đổi), lãi suất thỏa thuận phải cao hơn so với ngân hàng. Có trường hợp trái phiếu kèm thỏa thuận thêm quyền mua sản phẩm với giá ưu đãi... để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Theo ông Lực, do giá trị của từng doanh nghiệp và cấu trúc tài chính khác nhau, nên cách sử dụng vốn huy động cũng không hề giống nhau. Từ đó, hiệu quả của dòng vốn cũng biến hóa khôn lường và điều này tác động không nhỏ đến niềm tin của nhà đầu tư. Những công ty có tên tuổi, thuộc nhóm blue-chip dễ dàng tiếp cận với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài để săn vốn lô lớn. Ngược lại, các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn chỉ có thể phát hành trái phiếu cho các tổ chức, nhà đầu tư cá nhân trong nước với số lượng khiêm tốn hơn.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trang Việt
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục