Trái phiếu chính phủ: Đừng để cung - cầu quá lệch nhau

(ĐTCK) Vào cuối tháng 7/2018, lợi suất phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) ở nhiều kỳ hạn từ 1 - 15 năm trên thị trường sơ cấp đều tăng so với cuối tháng 6. Tuy nhiên, trái phiếu vẫn khó bán vì nhà đầu không mấy mặn mà.
Trái phiếu chính phủ: Đừng để cung - cầu quá lệch nhau

Nghịch lý

Một nghịch lý tiếp tục tồn tại trên thị trường sơ cấp TPCP và có xu hướng trầm trọng hơn, đó là bất chấp lợi suất TPCP nhiều kỳ hạn đã tăng so với cuối tháng 6/2018, nhưng TPCP vẫn khó bán khi tỷ lệ tổng giá trị trúng thầu chỉ đạt 43,7%/tổng giá trị gọi thầu, giảm khá mạnh so với tỷ lệ này trong tháng 6/2018 là 60%.

Theo số liệu từ phòng chào giá các nhà tạo lập thị trường của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), lợi suất giao dịch TPCP ở các kỳ hạn vào cuối tháng 7/2018 đã tăng ở tất cả các kỳ hạn từ 1 - 15 năm so với cuối tháng 6, nhất là các kỳ hạn từ 1 - 5 năm: TPCP kỳ hạn 1 năm tăng 91 điểm cơ bản (bps), 2 năm tăng 68 bps, 3 năm tăng 43 bps, 5 năm tăng 32 bps...

Lợi suất tăng, nhưng chưa tạo ra sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư khi trong tháng 7/2018, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức gọi thầu 35.250 tỷ đồng, nhưng tổng giá trị trúng thầu đạt 15.420 tỷ đồng, tương đương 43,7%.

Lượng trái phiếu ế ẩm tăng khiến cho đến hết tháng 7/2018, Kho bạc Nhà nước mới hoàn thành hơn 20,5% kế hoạch phát hành TPCP của quý III/2018. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, nhà phát hành chỉ huy động được 105.001 tỷ đồng, tương đương 38,05% kế hoạch năm.

Tình cảnh ế cũng xảy ra với trái phiếu do Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam phát hành. Trong tháng 7/2018, ngân hàng này chỉ huy động được 350 tỷ đồng trên 2.000 tỷ đồng gọi thầu.

Diễn biến từ thị trường cho thấy, nếu mặt bằng lãi suất sắp tới đi ngang hoặc tăng nhẹ như thời gian qua, sẽ khó cải thiện sức cầu cho thị trường sơ cấp TPCP. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến khả năng hoàn thành kế hoạch phát hành TPCP đề ra cho năm nay. 

Sức cầu suy giảm, do đâu?

Hiện ngân hàng thương mại vẫn là nhà đầu tư chủ lực trên thị trường TPCP, trong khi càng về cuối năm, theo chu kỳ kinh doanh, các ngân hàng thường tăng dự trữ thanh khoản để đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao.

Điều này khiến cho số vốn sẵn sàng đầu tư vào kênh TPCP của khối nhà đầu tư lớn này không còn dồi dào như nửa đầu năm. Sức cầu trên thị trường giảm khiến cho khả năng hấp thụ TPCP trên thị trường sơ cấp suy giảm.

Mặt khác, hiện vẫn còn sự chênh lệch khá lớn giữa lợi suất trái phiếu trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. Điều này khiến cho nhà đầu tư ưa thích mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp, vì cơ hội kiếm lời cao hơn so với mua trên thị trường sơ cấp.

Cụ thể, theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tại phiên đấu thầu ngày 18/7, TPCP kỳ hạn 7 năm có lãi suất trúng thầu 3,85%/năm (tăng 0,42%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó); trái phiếu kỳ hạn 15 năm có lãi suất trúng thầu 4,76%/năm (tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên liền trước), trái phiếu kỳ hạn 30 năm có lãi suất trúng thầu 5,42%/năm...

Trong khi đó, cũng trong ngày giao dịch 18/7, trên thị trường sơ cấp, lợi suất TPCP kỳ hạn 5 năm, 15 năm, 30 năm lần lượt được giao dịch ở mức 4,16%/năm, 5,15%/năm và 5,9%/năm.

Trong bối cảnh giải ngân nguồn vốn TPCP chậm, nhà phát hành có lý do để chưa vội điều chỉnh lợi suất phát hành trên thị trường sơ cấp theo sát tín hiệu của thị trường, bởi huy động được lượng vốn TPCP lớn, nhưng giải ngân chậm sẽ gây gánh nặng trả lãi cho ngân sách.

Tuy nhiên, ý kiến từ lãnh đạo một ngân hàng lớn, đồng thời là thành viên của VBMA cho rằng, nếu để sức cầu trên thị trường thứ cấp suy giảm tiếp thì khi có nhu cầu tăng huy động vốn qua kênh TPCP cho ngân sách nhà nước dễ dẫn đến sự giật cục trong điều hành lãi suất phát hành như đã từng xảy ra.

Khi cần tiền, nếu nhà phát hành đột ngột tăng lãi suất phát hành cũng không dễ hút dòng tiền vào TPCP, bởi kế hoạch kinh doanh của các nhà đầu tư nói chung, khối ngân hàng nói riêng có độ trễ, chứ không thể trong thời gian ngắn thu xếp được lượng vốn rót vào TPCP.

Do đó, để cung - cầu cân đối hơn và khắc phục tình trạng ế TPCP, Bộ Tài chính cần rà soát lại thật kỹ nhu cầu sử dụng vốn TPCP trong năm nay, nếu không cần phát hành với khối lượng như kế hoạch công bố hồi đầu năm nay thì nên giảm tổng mức phát hành.

Khi tín hiệu nguồn cung sẽ giảm được phát đi, cùng với việc điều hành lãi suất bám sát tín hiệu của thị trường hơn, sẽ tạo ra sức hấp dẫn cho TPCP, giúp cung - cầu bớt lệch và hình ảnh thị trường đặc biệt này trở nên chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Tân Văn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ