Hơn 30 hiệp hội DN Việt Nam và nước ngoài cùng hơn 200 doanh nghiệp FDI và các DN niêm yết lớn của Việt Nam đã tham dự.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP nhấn mạnh rằng, Việt Nam là 1 trong 8 nước được mời tham gia đàm phán TPP ngay từ những ngày đầu, bởi trong mắt các nhà đầu tư quốc tế thì Việt Nam là một nước năng động, nhất quán thi hành đường lối mới, nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế. Với hành trang hội nhập 20 năm, Việt Nam hoàn toàn chủ động khi gia nhập TPP.
Khi hiệp định chính thức có hiệu lực sẽ tạo ra xung lực cho xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường là thành viên nội khối TPP. Đồng thời, Việt Nam là điểm giao thoa duy nhất kết nối với các thị trường lớn trên thế giới thông qua các hiệp định FTA.
Đây chính là xung lực mới trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các NĐT nước ngoài sẽ không nhìn Việt Nam đơn thuần là quốc gia 90 triệu dân, mà Việt Nam sẽ là điểm đến để tiếp cận thị trường 600 triệu dân ASEAN.
Tuy nhiên, ông Khánh cũng nhấn mạnh, cơ hội nhiều nhưng đều dựa trên các giả định, nên các DN cần rất thận trọng. Thứ hai, cơ hội không tự biến thành lợi ích mà phụ thuộc vào năng lực của từng chủ thể, cộng thêm sự hỗ trợ từ phía Chính phủ tạo điều kiện để các DN nắm bắt.
DN nào chuẩn bị tốt hơn thì sẽ nắm bắt được cơ hội và hiện tại các DN FDI đang chuẩn bị tốt hơn các DN trong nước. Quan trọng hơn cả, cơ hội luôn đi kèm thách thức, tạo sức ép cạnh tranh, sức ép thay đổi tâm thế, chủ động đổi mới sáng tạo.
Bản thân DN cần nhận thức rõ hội nhập không phải là công việc, nỗ lực riêng của Chính phủ, mà là sự nghiệp toàn dân. Bước vào cuộc chơi với tâm thế chấp nhận cạnh tranh, “người khổng lồ” có công việc của họ và DN nhỏ và vừa cũng có vai trò của riêng mình. Để có thể cạnh tranh, DN trước hết cần chú ý đến quản trị hiện đại, thay vì đa phần là quản trị gia đình như hiện nay.
Hội thảo “TPP với lĩnh vực dệt may và da giày: Làm gì để tận dụng cơ hội?”, do Báo Đầu tư và Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra tại Trung tâm hội nghị White Palace (số 194 Hoàng Văn Thụ, Q. Phú Nhuận, TP. HCM) vào sáng ngày 24/3/2016. Hội thảo dự kiến thu hút sự tham gia của hơn 200 khách mời, gồm lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Hiệp hội Dệt may (Vitas), Hiệp hội Da giày và túi xách (Lefaso), tham tán thương mại một số nước và đông đảo các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và da giày. Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh – Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, sẽ tham dự và đối thoại cùng các doanh nghiệp tại Hội thảo.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các DN, hiệp hội cho rằng, TPP sẽ tạo ra động lực mới, tuân theo các chuẩn mực quốc tế hơn, các chính sách cũng phải thay đổi. Tuy nhiên, với đa phần các DN Việt Nam đều là DN vừa và nhỏ, ví như học sinh tiểu học so với các DN quốc tế đã học tới đại học, nên cần được hướng dẫn, định hướng và hỗ trợ để “trưởng thành”. Ngoài ra, các DN cũng đề nghị cần có sự tương tác và hỗ trợ sâu sát hơn nữa từ cơ quan quản lý.
Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT HOSE kỳ vọng, dưới tác động của TPP, TTCK sẽ có nhiều thay đổi tích cực. Dựa trên nền tảng phát triển chung của nền kinh tế, chất lượng hàng hoá trên TTCK cũng sẽ được cải thiện đáng kể, không chỉ đối với chứng khoán của các ngành hưởng lợi mà còn cộng hưởng các ngành phụ trợ khác. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh, tạo động lực tăng trưởng mới cho thị trường. Tuy nhiên, cơ hội thuận lợi cũng đi kèm với khó khăn, thách thức.
Có thể thấy rằng quy mô hiện nay của TTCK chưa đủ lớn để có thể hấp thụ lượng vốn khổng lồ từ nước ngoài; sức ép cạnh tranh đối với các DN là không nhỏ trên sân chơi chung của quốc tế. Để chuyển cơ hội thành lợi ích kinh tế, không những đòi hỏi các DN không ngừng chuyển mình thay đổi, mà còn yêu cầu sự đổi mới của Nhà nước, các cơ quan quản lý, điều hành.
Đã có sự dịch chuyển nhiều đơn hàng ở phân khúc cao hơn vào Việt Nam
Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT CTCP Sợi Thế Kỷ (STK)
Trong vài năm trở lại đây, xu hướng chính là các DN dệt may mở rộng sản xuất và xuất hiện nhu cầu sợi cao cấp. Nhiều nước đã và đang dịch chuyển nhà máy sang các nước thành viên nội khối TPP, trong đó, Việt Nam là điểm đến có nhiều tiềm năng sản xuất nhất. Luồng vốn đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam chủ yếu là vào ngành dệt nhuộm. Theo quy luật, khi dệt nhuộm lớn mạnh thì nhu cầu về sợi cũng sẽ nhiều hơn. Năm 2016 chủ yếu dịch chuyển đơn hàng may mặc, nhưng từ năm 2017, nhu cầu về sợi có thể sẽ tăng nhanh do các nhà máy dệt nhuộm lớn của DN FDI bắt đầu đi vào hoạt động.
Cần chú ý, từ trước đến nay, thị trường sợi Việt Nam đi vào sản phẩm phân khúc thấp và trung bình, nhưng từ năm 2015, các nhà mua thay đổi chiến lược, họ chuyển dần những mặt hàng cao cấp hơn, do vậy thị trường trong nước cũng có sự thay đổi. Điều này có lợi cho STK, dự báo đơn hàng sẽ tăng nhiều trong các năm tới bởi đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng cao, điều hiếm có DN Việt thực hiện được.
Trong năm 2015, STK đã hoàn tất đầu tư Nhà máy Trảng Bàng giai đoạn 3 và đưa vào hoạt động từ đầu năm nay. STK đang tiến hành xây dựng giai đoạn 4, dự kiến tháng 4 lắp máy và khoảng quý III/2016 sẽ đi vào hoạt động với công suất đầu tư mới khoảng 8.000 tấn/năm, qua đó nâng tổng công suất lên 60.000 tấn/năm. Bên cạnh mở rộng sản xuất, định hướng chiến lược của STK còn là phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng như sản phẩm tái chế, sản phẩm thân thiện môi trường. Đây cũng sẽ là lợi thế cạnh tranh chính của STK trong những năm sau.
Tập trung vào sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC)
GMC đã chính thức nhận một thương hiệu may mặc Mỹ mà Công ty đã mua lại từ tháng 7/2015 và đang trong giai đoạn xây dựng thị trường. Hiện tại, GMC đang gia công theo hình thức FOB (tự chủ về nguyên liệu), nên phụ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu.
Khi mua lại thương hiệu này, GMC dự định sẽ tạo chu trình khép kín từ khâu thiết kế, tạo mẫu, phát triển nguyên phụ liệu cho đến phân phối tới các hệ thống. Nếu thành công, biên lợi nhuận sẽ cao hơn.
Ngoài ra, kênh bán hàng trực tiếp cũng giúp GMC trong công tác đánh giá thị trường.
GMC đặt kế hoạch đến năm 2018, chi nhánh tại Mỹ sẽ đóng góp 10% tổng doanh thu, tương đương 15 triệu USD.
Bên cạnh đó, GMC định hình phương thức kinh doanh OBM (từ thiết kế, phát triển mẫu mã, nguyên phụ liệu đến sản xuất, phân phối) bằng nhãn hiệu Công ty làm chủ. GMC đặt kỳ vọng, doanh thu đến năm 2018 sẽ đạt 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận từ 3 - 5%/doanh thu, cổ tức từ 20 - 30%/năm.
GMC đã lên kế hoạch đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất tăng 85 - 90 chuyền may và đầu tư chiều sâu, chủ yếu là đầu tư thiết bị chuyên dùng, đào tạo kỹ năng, hoàn thiện mô hình quản lý, thay đổi chiến lược sản phẩm, tập trung vào sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao.
Sắp tới, GMC sẽ trình ĐHCĐ kế hoạch kinh doanh 2016, với doanh thu mục tiêu từ 1.800-1.900 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến từ 3-5%/doanh thu.
DN Việt phải liên kết để tận dụng cơ hội từ TPP
Ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM)
Để có thể tận dụng được cơ hội từ Hiệp định TPP, các DN dệt may Việt Nam cần phải tính đến bài toán liên kết với nhau để tự tạo chuỗi “khép kín” từ dệt, nhuộm, đan và cắt may. Bản thân mỗi DN cũng cần chú trọng hơn đến vấn đề nâng cao năng suất lao động, đầu tư hơn vào chất lượng, quản trị DN thì mới có thể cạnh tranh. Đối với TCM, hàng xuất khẩu chủ yếu là đơn hàng thời trang cho cổ đông lớn E-land và sản phẩm bán ở các trung tâm thương mại của Mỹ, là mặt hàng trung cấp. Định hướng của TCM là tăng tỷ trọng đơn hàng thời trang, cao cấp hơn, đi kèm theo đó đương nhiên là nâng cao hơn kỹ năng của người lao động và chất lượng sản phẩm.
Về khả năng sản xuất, trong khoảng 3 năm qua, TCM đã đầu tư khoảng 20 triệu USD cho các nhà máy. Dự kiến, trong vài năm tới, TCM ước tính tổng vốn đầu tư lên tới khoảng 25 triệu USD, chủ yếu là thực hiện các giai đoạn còn lại của Nhà máy Vĩnh Long.
Hiện tại, TCM đang sở hữu 1 nhà máy dệt, 1 nhà máy đan, nhà máy nhuộm và nhà máy sợi. Đặc biệt, với 4 nhà máy sợi có tổng công suất 21.000 tấn/năm, nhưng nhu cầu sản xuất của TCM chỉ 30 - 40% công suất, còn khoảng 70% dự kiến sẽ bán cho các công ty khác tại Việt Nam.
Vừa qua, HĐQT TCM đã đề xuất kế hoạch kinh doanh năm 2016 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lần lượt đạt 3.264 tỷ đồng và 212 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất 3.264 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 160 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận này tăng nhẹ so với thực hiện trong năm 2015 do nhà máy may của dự án Vĩnh Long mới đi vào khai thác, chưa thể đạt mức hòa vốn ngay.
Cơ sở để đặt kế hoạch này dựa trên sự dịch chuyển đơn hàng về Việt Nam xuất hiện từ năm 2014, mạnh hơn trong năm 2015 và dự báo tiếp tục khả quan trong năm 2016. Với TCM, đơn hàng áo đã nhận đủ cho cả năm 2016.
Nhờ cơ hội từ TPP và FTA, cộng thêm việc mở rộng quy mô sản xuất, TCM ước tính các năm tới, doanh thu của Công ty sẽ tăng trưởng 25 - 30%/năm.