1. Nguyễn Tiến Đoàn (thuộc thế hệ 9X) vừa trở về từ Singapore với tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Khác với nhiều bạn trẻ đi du học về là kiếm việc trong một công ty lớn để làm, Đoàn chiều theo ý bố mẹ vào làm chân chuyên viên tại Bộ Công thương, ăn lương công chức, phần vì có sẵn “suất” của bố mẹ để lại, phần vì anh cũng muốn mang những gì mình học được ở nước ngoài về để góp phần phát triển đất nước.
“Mình là người trẻ phải có trách nhiệm với tương lai của đất nước. Có nhiều thứ thế hệ đi trước làm và để lại, nhưng cuộc chơi hội nhập giờ đã khác, có những thứ, những quy định, điều lệ không còn phù hợp, cần phải thay đổi. Thế hệ đó đang rơi rụng dần, thế mạnh thuộc về những người trẻ”, Đoàn chia sẻ.
Hiện nay, có tình trạng cán bộ vừa yếu, thiếu, già, nhưng lại thừa chỉ tiêu so với biên chế. “Tôi đã gặp nhiều cán bộ trẻ có năng lực, nhiều người có bằng thạc sỹ, tiến sỹ, có khi là hai bằng học ở nước ngoài về, có trình độ chuyên môn cao, tin học, ngoại ngữ giỏi, giỏi về luật pháp, quản lý và có tâm huyết với đất nước, đã tự nguyện bỏ công việc có lương cao ở nước ngoài để về nước, nhưng sau một vài năm thì lại bỏ sang doanh nghiệp nước ngoài. Đó là điều rất đáng tiếc cho thế hệ kế cận tương lai của khu vực nhà nước”, Đoàn trăn trở.
Trong khi đó, bạn Đặng Thanh Hằng, cũng vừa hoàn thành khóa học về kế toán ở Australia. Hằng cũng thuộc hàng “con ông cháu cha”, nhưng cô lại không thuận theo ý bố mẹ mà muốn tự chọn lấy con đường đi, tự khẳng định khả năng kiếm tiền của bản thân. Là sinh viên xuất sắc, Hằng liên tục được giới săn đầu người ngỏ lời về công việc mơ ước tại các tổ chức tài chính lớn đang có văn phòng tại Việt Nam. Cuối cùng, Hằng đã chọn làm cho Công ty Kiểm toán KPMG, với mức lương 2.000 USD/tháng.
“Vào cơ quan nhà nước là ổn, nhưng thật ra nếu không dựa vào suất của bố mẹ dành lấy cho thì những người trẻ có năng lực thật khó chen chân vào. Đó là chưa kể, người đủ năng lực làm việc thì không được làm đúng việc, người không đủ năng lực thì không cho nghỉ hưu được vì chưa đến tuổi. Cán bộ trẻ có năng lực thì không được trọng dụng, cán bộ già thì sợ lớp trẻ giỏi hơn mình nên chỉ thích nhận những cán bộ năng lực yếu, chỉ biết nghe lời. Tôi không muốn lãng phí tuổi thanh xuân và khả năng biết kiếm tiền của mình vào những nơi như thế”, Hằng chia sẻ.
Trên đây chỉ là 2 trong hàng ngàn bạn trẻ có trình độ có tư duy khác nhau về cách chọn con đường đi cho mình. Điều này cũng làm dấy lên một mối lo đối với các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay, thậm chí trở thành thách thức lớn nhất trong thời gian tới khi tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Mặc dù Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án tạo nguồn cán bộ từ sinh viên xuất sắc và các nhà khoa học trẻ, với mục tiêu tới năm 2020, sẽ có khoảng 1.000 sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào cơ quan nhà nước làm việc, nhưng điều này khó khả thi.
2.“Không thể trách các bạn ấy được, các bạn có quyền nắm bắt cơ hội riêng của mình. Là thế hệ đi trước, tôi chỉ cảm thấy xấu hổ và xót xa khi tư duy khoa bảng Việt Nam nặng đến mức độ, cha mẹ muốn con có bằng cấp cao chỉ để mở mày, mở mặt, trong khi thừa biết con chả có khả năng gì, nhưng ít nhất phải có bằng Đại học, sau đó làm gì cũng được, lương 3 triệu/tháng, thiếu bố mẹ chu cấp… Trong khi đó, một công nhân kỹ thuật lành nghề, lương 6-7 triệu đồng/tháng, có người 20 triệu đồng/ tháng, thì lại ít được chú trọng”, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế chia sẻ.
Thế hệ những người như ông Khánh ngày xưa được cử đi Nga học, với các ngành nghề như thư viện, cầu đường, kiến trúc, xây dựng… Nhưng ngày nay, 100% các bạn thanh niên đi học nước ngoài đều chọn ngành tài chính, kế toán, thiết kế, quản trị du lịch, khách sạn, nhà hàng… Thậm chí, ông Phạm Phú Ngọc Trai có lần đã thốt lên: “Hiếm có quốc gia nào mà tỷ lệ có bằng đại học đi bán hàng nhiều như Việt Nam”.
Với nguồn nhân lực như vậy thì cơ hội mở ra mà không có người để nắm bắt. Năm 2016 là năm bản lề đánh dấu sự chuyển đổi bộ máy tại Việt Nam, nên theo thường lệ sẽ nảy sinh tình trạng chờ đợi.
Tuy nhiên, cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước đều vấp phải nút thắt về đào tạo nguồn nhân lực kế cận. Hiện nay, nhiều công chức, thậm chí người quản lý chưa quen điều hành kinh tế thị trường lại hội nhập sâu với thế giới. Ngoài ra, ở nhiều người, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp chưa cao. Dù ý tưởng có hay đến đâu nhưng nếu không có nguồn nhân lực đủ tầm để thực hiện thì không thể thành công.
Nhiều năm nay, rất ít người giỏi chấp nhận đi làm nhà nước, có thể vì yếu tố thu nhập, lương của thứ trưởng không bằng lao động, chuyên viên tài chính, lãnh đạo phòng của một ngân hàng. Mặc dù vẫn có người giỏi, có tâm thi thố vào cơ quan nhà nước, nhưng số đó không đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai. Và điều gì sẽ xảy ra khi những người như thế lên vụ phó, vụ trưởng mà tham gia viết chính sách, nhất là một ngày đẹp trời nào đó, sẽ lên thứ trưởng… Trong khi đó, với TPP, để nắm bắt cơ hội, vận hành được nó thì phải đủ sức tạo ra khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với TPP. Mà không chỉ sửa đổi những chỗ TPP đòi hỏi phải sửa đổi, mà còn sửa đổi cả chỗ khác cho đồng bộ.
Chẳng hạn, hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam có sức ép cạnh tranh rất lớn, nhất là khi gia nhập TPP, Việt Nam đang cơ cấu lại nông nghiệp sao cho khuyến khích doanh nghiệp và người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp, nhưng lại không cho phép tích tụ đất đai. Riêng TPP không yêu cầu Việt Nam phải tích tụ đất đai, nhưng những người làm chính sách phải hiểu được sức ép với ngành nông nghiệp để phân bổ sao cho hợp lý. Muốn làm được điều này, ngành nông nghiệp cần đội ngũ chuyên viên, những nhà làm chính sách không chỉ thay đổi quy định cho hợp với TPP, mà còn sửa đổi rất nhiều quy định khác để cho đồng bộ, giúp nền kinh tế có thể ứng phó được với thách thức. Không chỉ vậy còn phải lập ra được các thiết chế mới và phải vận hành được thiết chế đó.
Đội ngũ cán bộ đó, chúng ta có chưa? Nếu có ở trung ương rồi thì ở các viện, địa phương thì sao? Ông Khánh đặt câu hỏi và mường tượng về một bức tranh không sáng sủa cho nguồn nhân lực của Việt Nam trong 10 năm tới. Vì một khi đã ngồi vào nhà nước rồi thì ít cán bộ có đủ can đảm đi ra ngoài làm. Trong khi Việt Nam không bao giờ đủ ngân sách để trả cho người tài.
Đối với doanh nghiệp, không chỉ đào tạo kiến thức, tay nghề mà cả văn hóa kinh doanh. Kiến thức sách vở nếu thiếu thì có thể bổ sung, nhưng kỹ năng và văn hóa làm kinh doanh thiếu thì không thể hội nhập. Ví dụ, doanh nghiệp rất khó liên kết, lấn lướt nhau. Điều này thể hiện chiều sâu văn hóa của những người sản xuất nhỏ lẻ, loanh quanh lũy tre làng.
Ông Khánh trăn trở về điều này, vì thách thức chính không được nhìn ra, hoặc nhìn ra mà không được đặt lên bàn phân tích.
3.Thời gian qua, nhiều thách thức khi Việt Nam tham gia TPP đã bị thổi phồng quá mức. Những hàng tít dài, đậm đặc thể hiện sự khác biệt, tầm quan trọng, cú hích liên quan đến TPP, như: sức ép cạnh tranh, cái chết của ngành nông nghiệp; doanh nghiệp yếu không tận dụng được ưu đãi, bị phá sản hàng loạt…
Với tư cách là người nằm lòng việc phái đoàn Việt Nam đàm phán TPP thế nào, ông Khánh phủ nhận những góc tiếp cận thông tin nêu trên.
“Họ cứ nói đùa. Tôi ngồi trên bàn đàm phán, tôi thấy nước ngoài họ sợ Việt Nam như thế nào. Họ cực kỳ sợ dệt may, giày dép, cà phê, tiêu, điều của Việt Nam. Thế mà có những thông tin ở trong nước dám nói sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam yếu. Những doanh nghiệp có sức cạnh tranh yếu vì họ rơi vào các ngành, lĩnh vực không có sức cạnh tranh. Đối với những ngành đó thì Việt Nam không nên líu kéo làm gì”, ông Khánh nói.
Minh chứng cho nhận định trên của mình, ông Khánh đưa ví dụ trong đàm phán TPP với Hoa Kỳ ở hạng mục dệt may, da giày, phía Việt Nam đàm phán rất khó khăn để họ mở cửa thị trường vì họ là nước đứng đầu về nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam. Dự kiến khi TPP được thông qua, đến năm 2020, Việt Nam sẽ là nước dẫn đầu trong khu vực châu Á về tỷ trọng xuất khẩu hàng vào Mỹ, với kim ngạch trên 180 tỷ USD. Trong đó riêng hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ hiện chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này.
“Trong mắt các đối tác quốc tế, Việt Nam trở thành câu chuyện thành công nhất khi gia nhập WTO, đúng lúc kinh tế thế giới khủng hoảng. Vậy tại sao chúng ta lại tự ti về bản thân như thế! Ai đó có thể bực mình khi tôi nói thế, nhưng ít nhất chúng ta không khen thì cũng có cái nhìn công bằng hơn”, ông Khánh cho biết.
Đặc biệt, hiện có những quan điểm còn kỳ thị đối với doanh nghiệp FDI khi nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam rơi vào tay họ. “Điều này tương tự việc cách đây vài năm, thấy các vị trí đẹp của Hà Nội rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài như Lotte, Hilton, ai cũng cảm thấy khó chịu, phê phán đầy trên mặt báo, nói hất nhà đầu tư Việt Nam, ưu ái nhà đầu tư nước ngoài, nhưng hãy nhìn xem giờ ai mua lại khách sạn Hilton, ai mua lại khách sạn Thắng Lợi. Rồi mỳ ăn liền, cách đây hơn chục năm, Acecook thống trị thị trường Việt Nam, thì nay đã có Masan phân chia lại thị phần, rồi bán lẻ, giờ có Vingroup… Cái gì cũng vậy, khi còn yếu thì chấp nhận, nhưng phải làm thế nào để có doanh nghiệp mạnh lên, có đầu tàu sẽ đủ sức lấy lại.
Với ông Khánh, vấn đề đơn giản thế thôi mà sao các chuyên gia kinh tế, doanh nghệp cứ lý luận mãi. Chúng ta có thể chậm chạp, có thể không lạc quan tột độ, nhưng cũng không tự ti. Mình không kém đến thế đâu. Thế hệ các bạn trẻ cứ tin điều đó đi!