Tổng thống Donald Trump tạm dừng áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico trong 30 ngày

(ĐTCK) Cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump với ba đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ đã đạt được những tiến triển ban đầu sau khi có nguy cơ làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá lên cao hơn trong những tháng tới.

Trước đó vào ngày 1/2, Tổng thống Trump đã ra sắc lệnh áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, trong khi năng lượng nhập khẩu từ Canada sẽ có mức thuế thấp hơn là 10%. Đồng thời, cũng áp thuế 10% đối với Trung Quốc ngoài các khoản thuế đã áp dụng từ ngày 4/2.

Tuy nhiên, các cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo của cả Mexico và Canada đã mang lại tiến triển rõ ràng và Tổng thống Trump đã quyết định hoãn thuế quan đối với cả hai nước trong 30 ngày. Tổng thống Trump cũng sẽ trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc trong tuần này, mặc dù các mức thuế quan đó vẫn có hiệu lực vào ngày 4/2.

Trong cả hai trường hợp, việc tạm dừng diễn ra sau khi Canana và Mexico đồng ý thực hiện các bước nhằm ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp và việc buôn bán thuốc phiện fentanyl vào Mỹ.

Trong bài đăng trên Truth Social vào ngày 3/2, Tổng thống Trump cho biết: “Canada đã đồng ý đảm bảo chúng ta có biên giới phía Bắc an toàn và cuối cùng chấm dứt nạn ma túy chết người như Fentanyl đang tràn vào đất nước chúng ta, giết chết hàng trăm nghìn người Mỹ, đồng thời phá hủy gia đình và cộng đồng của họ trên khắp đất nước chúng ta…Tôi rất hài lòng với kết quả ban đầu này và mức thuế quan được công bố vào ngày 1/2 sẽ bị tạm dừng trong thời hạn 30 ngày để xem liệu có thể xây dựng được một thỏa thuận kinh tế cuối cùng với Canada hay không”.

Nguy cơ trả đũa thương mại khi thuế quan có hiệu lực

Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù Tổng thống Trump đang sử dụng mức thuế quan cao như một công cụ chính để giải quyết nhiều vấn đề, nhưng hầu hết các vấn đề trong số đó sẽ không thực sự được giải quyết bằng chính các khoản thuế đó.

Alex Capri, giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết, cuộc chiến thương mại có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và kết thúc rất tệ nếu không ai nhượng bộ.

Trước đó, Trung Quốc, Mexico và Canada đều tuyên bố sẽ trả đũa khi thuế quan có hiệu lực vào thứ Ba (4/2).

Trong khi đó, Tổng thống Trump thừa nhận rằng người Mỹ có thể cảm thấy "đau đớn" về kinh tế từ mức thuế quan toàn diện này, nhưng lập luận rằng điều đó là "đáng giá" để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuế quan không chính thống của ông "sẽ là một loại thuế đối với công dân Mỹ", Matthew Holmes, Phó chủ tịch điều hành và Giám đốc chính sách công tại Phòng Thương mại Canada cho biết.

Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo rằng động thái trả đũa của Canada khi áp dụng mức thuế 25% đối với hàng hóa của Mỹ là không bền vững về lâu dài.

Các chuyên gia nhấn mạnh cách thuế quan của Tổng thống Trump đi ngược lại Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) - hiệp định thương mại tự do có hiệu lực vào năm 2020 nhằm thúc đẩy thương mại công bằng hơn giữa ba nước láng giềng.

"Không rõ liệu Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump có muốn USMCA hoạt động hay không…việc áp dụng thuế quan 25% đột ngột trên diện rộng", chuyên gia về chính sách thương mại và kinh tế Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại tại tổ chức từ thiện Hinrich Foundation cho biết.

Mục tiêu thuế quan tiếp theo?

Thuế quan của Tổng thống Trump đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại rộng lớn hơn.

Tim Harcourt, nhà kinh tế trưởng tại Viện Chính sách Công và Quản trị của Đại học Công nghệ Sydney cho biết, việc trả đũa liên tục sẽ gây lo ngại cho thị trường toàn cầu.

“Cuối cùng, chiến tranh thương mại gây tổn hại cho tất cả mọi người - người lao động, người tiêu dùng, nông dân và nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là nếu tác động lan rộng… Nếu Mỹ có thể sử dụng thuế quan như một vũ khí kinh tế, rõ ràng các quốc gia khác cũng sẽ làm như vậy. Vì vậy, ngay cả khi những tác động này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, thì hiệu ứng chứng minh về những gì có thể làm với thuế quan để sử dụng cho các mục đích phi kinh tế, điều đó có thể khá đáng lo ngại đối với quan hệ quốc tế”, ông cho biết.

Về các quốc gia có thể bị áp thuế tiếp theo, những quốc gia không liên kết với Mỹ khi nói đến các hoạt động khác nhau như chuyển giao công nghệ sẽ gặp rủi ro.

“Tùy thuộc vào lợi ích có thể đạt được, hoặc ít nhất là lợi ích được nhận thức có thể đạt được, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể bị nhắm đến, bao gồm cả các đồng minh truyền thống và các đối tác chiến lược thân cận của Mỹ”, nhà kinh tế trưởng Tim Harcourt cho biết.

Mặc dù các mức thuế quan mới nhất nhắm vào Canada, Mexico và Trung Quốc, các nhà phân tích cho biết những hành động này có thể gây ra hậu quả sâu rộng đối với phần còn lại của thế giới khi xét đến bản chất của chuỗi cung ứng.

“Đây cũng là một tín hiệu mạnh mẽ gửi đến phần còn lại của thế giới rằng Mỹ đã sẵn sàng làm những điều cực kỳ bất thường để đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại như Tổng thống Trump nói”, chuyên gia Deborah Elms cho biết.

“Ông ấy còn nhắm đến những quốc gia khác. Ông ấy đã đe dọa Liên minh châu Âu bằng các mức thuế quan sắp tới vào cuối tháng 2…Vì vậy, tôi nghĩ đây chỉ là khởi đầu cho những gì Tổng thống Trump dự định sẽ là một cuộc tấn công rộng lớn hơn nhiều vào những gì ông ấy xem là các hoạt động thương mại không công bằng của phần còn lại của thế giới đối với Mỹ”, chuyên gia Deborah Elms cho biết thêm.

Trong khi đó, các nền kinh tế châu Á đã được hưởng lợi dưới nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Tổng thống Trump từ năm 2017 đến năm 2021 do Mỹ áp thuế đối với hàng trăm tỷ đô la hàng hóa của Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với thời kỳ khó khăn hơn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.

“Tôi nghĩ rằng thật sai lầm khi nghĩ rằng Trump 2.0 sẽ vô hại đối với châu Á. Tôi nghi ngờ rằng sau khi Mỹ bắt đầu áp đặt các mức thuế này đối với Canada, Mexico, Trung Quốc và chuyển sang EU, các công ty trên khắp châu Á sẽ khó khăn hơn nhiều trong việc sử dụng đầu vào từ Trung Quốc và có khả năng là Canada và Mexico để xuất khẩu sang Mỹ…Mặc dù Châu Á hiện đang cảm thấy khá thoải mái về những động thái này, nhưng hậu quả cũng sẽ khá nghiêm trọng đối với bất kỳ công ty nào đang cố gắng giao thương với Mỹ”, chuyên gia Deborah Elms cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục