Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu điều kiện tái gia nhập WHO

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 25/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông có thể cân nhắc tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau khi cách đây vài ngày chính ông đã ký sắc lệnh để rút Mỹ khỏi tổ chức quốc tế này.
Biểu tượng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN Biểu tượng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại một cuộc mít tinh ở thành phố Las Vegas, Tổng thống Trump đã tiếp tục nhấn mạnh rằng ông không hài lòng khi Mỹ đóng góp cho WHO nhiều hơn Trung Quốc - quốc gia có dân số lớn hơn nhiều. Tuy vậy, ông để ngỏ cơ hội khi đã nói: "Có lẽ chúng ta sẽ cân nhắc làm lại điều đó, tôi không biết. Có thể chúng ta sẽ làm vậy. Họ sẽ phải ‘dọn dẹp’ nó".

Trong bài phát biểu trên cũng mình, ông Trump đã nhắc đến việc sẽ yêu cầu Saudi Arabia đầu tư khoảng 1.000 tỷ USD vào Mỹ, tăng so với mức 600 tỷ USD mà Saudi Arabia đã cam kết đầu tư. Trước đó vào tuần trước, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã nói với Tổng thống Trump rằng nước này muốn đầu tư 600 tỷ USD vào việc mở rộng đầu tư và thương mại với Mỹ trong 4 năm tới.

Ngoài ra, sắc lệnh của Tổng thống Trump nhấn mạnh các khoản đóng góp từ Mỹ là “quá lớn và không công bằng”, đồng thời chỉ trích Trung Quốc với dân số lớn hơn nhưng đóng góp thấp hơn gần 90%.

Tuy vậy, việc Mỹ rút khỏi WHO không phải là quyết định bất ngờ vì từ năm 2020, ông Donald Trump, khi đó đang giữ cương vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ, đã có hàng loạt công kích nhằm vào cách thức tổ chức y tế lớn nhất thế giới xử lý đại dịch COVID-19, cũng như tuyên bố sẽ cắt nguồn tài trợ của Mỹ dành cho ngân sách thường niên của cơ quan y tế này. Những động thái vừa qua cũng gần như đang tái hiện nỗ lực của ông Trump vào năm 2020. Khi đó, ông Trump đã lần đầu tiên tuyên bố ý định rút khỏi WHO nhưng bị đảo ngược bởi chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Giới chuyên gia y tế cho rằng động thái này sẽ làm suy yếu vị thế của Washington trong cộng đồng y tế toàn cầu, đồng thời khiến cho việc ứng phó với đại dịch tiếp theo trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó với WHO, việc mất đi khoản tài trợ này sẽ làm suy yếu khả năng ứng phó của tổ chức này trước các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, như các đợt bùng phát dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp khác.

Quyết định của Mỹ rút khỏi WHO sẽ có hiệu lực trong 12 tháng nữa và nếu không có gì thay đổi thì Mỹ sẽ chính thức rời khỏi WHO vào ngày 22/1/2026. Khi đó, Washington cũng sẽ cắt mọi đóng góp tài chính cho tổ chức này. Theo quy định, với việc nước Mỹ rời WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ sẽ không còn quyền truy cập hệ thống dữ liệu toàn cầu do WHO cung cấp. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng việc mất đi sự hỗ trợ của WHO sẽ làm giảm khả năng giám sát và phản ứng của CDC Mỹ đối với các mối đe dọa y tế ở nước ngoài. Những nơi mà nhân viên CDC từng có thể hoạt động an toàn nhờ sự hỗ trợ của WHO giờ đây sẽ trở thành thách thức lớn.

Bên cạnh đó, ngành dược phẩm Mỹ cũng đối mặt với nguy cơ mất đi sự hỗ trợ từ WHO trong việc chứng nhận các loại thuốc, vaccine và thiết bị y tế để sử dụng tại các nước đang phát triển.

Hiện nay, Mỹ là quốc gia đóng góp lớn nhất cho WHO, đóng góp khoảng 18% tổng kinh phí. Ngân sách 2 năm gần đây nhất của WHO trong giai đoạn 2024-2025 là 6,8 tỷ USD.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục