Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Vật vã sửa sai, gian nan thu hồi đất vàng

0:00 / 0:00
0:00

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ phải đưa đối tác của mình ra tòa để có thể thu hồi được khu đất vàng tại 80- Lý Thường Kiệt và 22- Phan Bội Châu, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn chưa thu hồi được khu đất tại 80 - Lý Thường Kiệt và 22- Phan Bội Châu (Hà Nội). Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn chưa thu hồi được khu đất tại 80 - Lý Thường Kiệt và 22- Phan Bội Châu (Hà Nội).

Bế tắc

Đã không có bất cứ tiến triển gì trong việc thực hiện yêu cầu thu hồi khu đất 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu theo yêu cầu của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nếu chiểu theo báo cáo mới nhất liên quan đến vụ việc này vừa được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Công ty TNHH Hà Thành (đối tác tham gia góp vốn thành lập Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn để xây dựng khách sạn 4 sao trên lô đất số 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu) đã nhất quyết không thống nhất hủy bỏ Biên bản thỏa thuận hợp tác đã ký trước đó.

“Do vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ khởi kiện ra tòa án cấp có thẩm quyền”, ông Mạnh báo cáo.

Vào giữa tháng 6/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4766/VPCP - VI truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng tại Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 31/10/2018 của Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc góp vốn của Tổng công ty tại khu đất số 80 - Lý Thường Kiệt và số 22 - Phan Bội Châu, đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước.

“Nếu các bên liên quan không chấp hành nghiêm sẽ chuyển cơ quan chức năng xem xét hình sự”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Được biết, vào tháng 5/2013, khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty TNHH Hà Thành ký kết Biên bản hợp tác đầu tư, sở hữu, quản lý và kinh doanh khách sạn tại khu đất số 80 - Lý Thường Kiệt và số 22 - Phan Bội Châu với diện tích khoảng 1.000 m2. Theo đó, hai bên đồng ý hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới (Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn) để đầu tư xây dựng và khai thác khách sạn tiêu chuẩn 4 sao tại khu đất trên theo tỷ lệ góp vốn 50/50.

Trong khi Công ty TNHH Hà Thành góp vốn bằng tiền mặt, thì Tổng công ty Đường sắt Việt Nam góp bằng tài sản và quyền thuê đất tại 2 lô đất, được định giá 30 tỷ đồng, bằng 50% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn. Hiện Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn đã được UBND TP. Hà Nội cho thuê đất để thực hiện dự án khách sạn 4 sao theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty TNHH Hà Thành.

Tuy nhiên, tại Kết luận số 2222/KL-TTCP ngày 26/8/2016, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc góp vốn kinh doanh bằng quyền thuê đất và tài sản trên đất tại khu đất trên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn một số tồn tại như: không xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới theo ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT; quá trình đàm phán góp vốn, Hội đồng Thành viên Tổng công ty đã quyết định giá trị góp vốn là 47 tỷ đồng thiếu cơ sở.

“Thực chất, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu”, Kết luận số 2222/KL-TTCP nêu rõ.

Vật vã sửa sai

Mặc dù chưa đạt được kết quả cụ thể, nhưng dàn lãnh đạo hiện nay tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã rất cố gắng để có thể sửa sai cho quyết định của người tiền nhiệm, sớm thu hồi lô đất 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu.

Do Dự án xây dựng khách sạn 4 sao đã dừng triển khai từ 6 năm qua, nên Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn không có bất cứ nguồn thu nào, trong khi mỗi năm phải trả hàng tỷ đồng tiền thuê đất và chi phí quản lý.

Ngay khi nhận được Thông báo số 165, từ tháng 1/2019 đến ngày 3/9/2020, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chủ động liên hệ và gửi 6 văn bản đề nghị Công ty TNHH Hà Thành cử đại diện hợp pháp làm việc với Tổng công ty để thỏa thuận hủy bỏ Biên bản thỏa thuận hợp tác đã ký kết, nhưng không nhận được phản hồi của đối tác.

Để hỗ trợ pháp lý, tháng 4/2020, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ký hợp đồng với Văn phòng luật sư Khánh Hưng (Hà Nội), triển khai dịch vụ pháp lý giải quyết vụ việc thu hồi tài sản tại số 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu.

Sau nhiều lần liên hệ, ngày 15/9, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và ông Phan Huy Lệ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hà Thành mới có cuộc tiếp xúc, thảo luận đầu tiên để giải quyết Biên bản thỏa thuận hợp tác trên tinh thần hạn chế thấp nhất các thiệt hại phát sinh. Đến ngày 16/10, hai bên tiếp tục có cuộc đàm phán thứ hai. Tuy nhiên, tại cuộc gặp mới nhất này, Công ty TNHH Hà Thành không đồng ý việc bãi bỏ thỏa thuận hợp tác đầu tư, quản lý, sở hữu, kinh doanh khách sạn tại khu đất 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu.

“Đại diện Công ty TNHH Hà Thành khẳng định, họ chỉ thực hiện theo đúng nội dung Biên bản thỏa thuận hợp tác đã ký với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Các việc khác, nhà đầu tư này đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo pháp luật thực hiện”, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông tin.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, việc Công ty TNHH Hà Thành từ chối hủy thỏa thuận hợp tác là điều đã được dự liệu từ trước. Tổng công ty sẽ làm hết sức, theo đúng quy định của pháp luật để sớm hoàn thành chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục