Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế, song mức tăng trưởng cao của ngành này có xu hướng chững lại, thưa ông?
Năm 2019, công nghiệp tăng trưởng 8,86% nhờ lĩnh vực chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt mức tăng trưởng chung. Nếu năm vừa qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không đạt mức tăng trưởng 11,29%, thì chắc chắn GDP không thể đạt mức tăng ấn tượng là 7,02%.
Tuy nhiên, kể từ năm 2018, xu hướng tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chững lại và tốc độ tăng trưởng năm sau giảm dần so với năm trước vì quy mô của ngành này ngày càng lớn và hiện nay đã rất lớn, đóng góp đến 1/3 tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Khi mẫu số càng lớn thì tốc độ tăng trưởng thấp đi cũng là điều đương nhiên.
Hơn nữa, trước đây, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cao là nhờ có những dự án lớn như Samsung, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn…, nhưng năm 2020 và các năm tiếp theo chưa thấy có dự án nào tầm cỡ như vậy đi vào hoạt động, nên tốc độ tăng trưởng của ngành này sẽ giảm dần. Điều này là hợp quy luật.
Nhưng thưa ông, vấn đề là chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại giảm, trong khi tỷ lệ hàng tồn kho lại tăng, nên trong tương lai có thể ngành này sẽ gặp rất nhiều khó khăn?
Tính chung cả năm 2019, chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%, trong khi năm 2018, chỉ số này là 12,4%. Tỷ lệ tồn kho của ngành này bình quân năm 2019 là 68,8%, tăng so với tỷ lệ tồn kho 64,4% của năm 2018. Đáng lưu ý là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng yếu lại có chỉ số hàng tồn kho giảm như sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan…
Đánh giá chung, năm 2019, chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm so với năm 2018; tồn kho tăng, nhưng chỉ là tạm thời và sẽ sớm được giải tỏa.
Những lý do nào khiến ông cho rằng, tồn kho tăng, tiêu thụ giảm chỉ là tạm thời?
Nguyên nhân chính dẫn đến tồn kho là do sản xuất và tiêu thụ chưa gặp được nhau. Năm 2019, tồn kho tăng, tiêu thụ giảm xuất phát từ mấy nguyên nhân sau.
Thứ nhất, là mặc dù Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đi vào hoạt động và cũng chỉ hoạt động 50% công suất, nhưng sản phẩm xăng dầu thành phẩm của Nhà máy chưa tìm được tiếng nói chung với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, nên việc tiêu thụ sản phẩm của nhà máy này ở thị trường nội địa gặp khó khăn. Sắp tới, với sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan thì Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ tìm được cách giải quyết bài toán tồn kho xăng dầu.
Khác với các loại hàng hóa, sản phẩm khác, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, chỉ sử dụng một lần, nên xử lý tồn kho xăng dầu không quá khó. Một khi xăng dầu chế biến trong nước tìm được thị trường tiêu thụ, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành hết công suất sẽ trở thành điểm nhấn để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2020 tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số.
Thứ hai, là tồn kho của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa. Trước đây, Formosa sản xuất ra nguyên liệu thép, giữ lại một phần để sản xuất ra các loại sắt thép thành phẩm, một phần bán cho các doanh nghiệp sản xuất thép khác. Nhưng bây giờ họ thay đổi chiến lược là không bán nguyên liệu, mà giữ lại 100% để phục vụ cho sản xuất sắt thép thành phẩm. Như vậy, tồn kho thép của Formosa không phải là không tiêu thụ được, mà do doanh nghiệp giữ lại nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động của mình. Việc tiêu thụ sắt thép thành phẩm của toàn ngành thép nói chung, Formosa nói riêng rất khả quan, nhờ đó, năm 2019, tăng trưởng sản phẩm sắt, thép các loại rất cao (sắt, thép thô tăng 33,4%; thép thanh, thép góc tăng 19%).
Còn nguyên nhân nào nữa không, thưa ông?
VinFast đã chính thức gia nhập vào ngành sản xuất xe hơi và sẵn sàng cạnh tranh với ô tô nhập khẩu cũng như ô tô của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, so với các tên tuổi xe hơi lừng danh trên thế giới thì VinFast mới bắt đầu gây dựng chiến lược kinh doanh. Vì vậy, hiện nay, doanh nghiệp này cũng chỉ mới ở giai đoạn tiếp cận thị trường, thăm dò người tiêu dùng và từng bước chiếm lĩnh lòng tin, tình cảm, thậm chí là sự tự hào của người tiêu dùng trong nước, việc tiêu thụ chưa được như mong muốn.
Điều đáng mừng là, càng ngày người tiêu dùng Việt Nam càng có niềm tin vào sản phẩm ô tô của VinFast, cộng thêm nhiều chính sách hậu mãi, dịch vụ chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp này nên lượng tiêu thụ sẽ tăng lên cùng với thời gian.
Sản phẩm ô tô du lịch dưới 7 chỗ sản xuất trong nước năm qua tồn kho lớn còn có nguyên nhân kể từ năm 2018, Việt Nam chính thức bãi bỏ thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN, nhưng phải đến quý IV/2018, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mới đáp ứng được các điều kiện đặt ra trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, nên năm 2019, ô tô từ các nước ASEAN ồ ạt nhập khẩu về Việt Nam (số lượng và kim ngạch nhập khẩu ô tô năm 2019 gấp khoảng 2 lần năm 2018). Tuy nhiên, sau một thời gian lượng nhập về đã đủ bão hòa nên tồn kho sản phẩm này của các doanh nghiệp trong nước sẽ không tăng.