Diễn biến đáng chú ý trong tăng trưởng các ngành 6 tháng đầu năm nay được Trung tâm Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) chỉ ra là sự chững lại của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do sức cầu đối với mặt hàng điện tử, điện thoại - vốn là những ngành hàng có đóng góp chính cho tăng trưởng của lĩnh vực này.
Tuy nhiên, đánh giá về triển vọng nhóm ngành chủ chốt này trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công thương dự báo sẽ có sự phục hồi khả quan hơn do đã xuất hiện các nhân tố tạo động lực tăng trưởng. Các ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tháng 5 bắt đầu phục hồi sau 2 tháng liên tiếp tăng trưởng âm.
Bên cạnh đó, những tín hiệu tích cực từ khu vực doanh nghiệp trong các ngành hàng chế biến cho thấy, từ nay tới cuối năm, nhiều ngành hàng của Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi để thay thế cho hàng Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Ðặc biệt là trong ngành dệt may và da giày, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng ổn định đến hết năm.
Cũng cần nói thêm, sự chuyển dịch đầu tư từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sang những thị trường lân cận đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho thấy, dòng vốn FDI đổ vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong nửa đầu năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tới 71% tỷ trọng cơ cấu vốn đầu tư. Trong khi đó, dòng vốn vào các lĩnh vực từng thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài như bất động sản, phân phối bán lẻ, sản xuất và phân phối điện đều giảm so với cùng kỳ.
Một yếu tố nữa được NCIF chỉ ra là, xuất khẩu sang thị trường Mỹ của một số ngành hàng gần đây tăng mạnh trong xu hướng chuyển dịch thị trường nhập khẩu, bao gồm các ngành sản xuất sản phẩm từ chất dẻo, gỗ, giấy và các sản phẩm từ gỗ, giấy, sắt thép, đặc biệt là nhóm hàng điện tử và linh kiện điện tử, điện thoại, máy móc thiết bị phụ tùng. Theo NCIF, đây là cơ sở để kỳ vọng hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các ngành công nghiệp nhóm ngành chủ chốt này có sự bứt phá trong những tháng cuối năm.
Ngành công nghiệp thép trong 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, động lực tăng trưởng là dự án thép Formosa Hà Tĩnh năm 2019 sẽ đi vào vận hành hai lò cao hết công suất, đạt công suất 7,5 triệu tấn/năm. Năm 2018, dự án này mới huy động khoảng 4,5 triệu tấn.
Một dự án khác là Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất cũng có kế hoạch đi vào vận hành trong năm 2019. Theo đó, lò cao số 1 dự kiến sẽ đi vào sản xuất trong tháng 6/2019, các lò cao còn lại sẽ hoàn thành theo tiến độ 4 tháng/lò. Dự tính, nếu huy động hết công suất sẽ sản xuất khoảng 2 triệu tấn thép, đóng góp vào tăng trưởng của ngành thép nói riêng và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung.
Về đầu ra, theo phân tích của NCIF, với xu hướng xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép sang các thị trường lớn khả quan, trong đó có thị trường Mỹ sẽ tạo thuận lợi cho ngành này tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, với ngành nông thủy sản, nửa cuối năm 2019 sẽ tiếp tục giai đoạn đầy khó khăn khi tình trạng bão hòa thị trường, cung vượt cầu gia tăng. Ðối với nhóm ngành thủy sản, theo cảnh báo của Bộ Công thương, vấn đề lớn nhất hiện nay là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm còn thấp, tình trạng sản xuất vượt quá nhu cầu, cạnh tranh nội bộ (chủ yếu về giá cả) còn phổ biến, dẫn đến bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong định giá xuất khẩu và gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, nguy cơ chưa được gỡ thẻ vàng vẫn tiếp tục hiện hữu là mối đe dọa cho xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu cũng như sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành.
Tương tự, nhóm hàng nông sản đang phải chật vật đối mặt với tình trạng đầu ra khó khăn, giá nông sản đang giảm mạnh trên thị trường thế giới do cung vượt cầu. Số liệu của Bộ Công thương ghi nhận giá xuất khẩu gạo đã giảm tới 15,1% so với cùng kỳ năm 2018, cà phê giảm 11,7%, cao su giảm 6%.
Ðáng chú ý, một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất hàng nông sản của Việt Nam là Trung Quốc đang xuất hiện nhiều trở ngại khi nước này tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng.
Theo dự báo của NCIF, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 dự báo sẽ ở mức 6,86%, thấp so với mức 7,08% tương ứng của năm 2018). Trong đó, tăng trưởng của ba khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ lần lượt là 3,02%; 8,61% và 6,84%. Trong khi đó, số liệu dự báo mới nhất của Ciem vừa đưa ra thận trọng hơn với mức tăng GDP 6,82%.