Đó là một trong những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 21/4.
Theo tờ trình của Chính phủ, lần sửa đổi này tập trung vào 10 nhóm chính sách lớn tại 10 chương và 101 điều, tập trung vào 4 nhóm nội dung lớn: nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh và đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.
Ba cấp thay cho bốn tuyến
Theo đó, về hệ thống tổ chức cơ sở khám chữa bệnh, dự án Luật quy định bao gồm cả Nhà nước và tư nhân được tổ chức thành 3 cấp: cấp khám chữa bệnh ban đầu, cấp khám chữa bệnh cơ bản, cấp khám chữa bệnh chuyên sâu thay vì phân định hệ thống cơ sở khám chữa bệnh thành 4 tuyến tương ứng với 4 cấp hành chính như Luật Khám chữa bệnh hiện hành.
Việc này, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long sẽ xác định mức độ cung cấp dịch vụ của từng cấp đồng thời cho phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa và kết hợp với sử dụng các công cụ về tài chính y tế như giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế để từng bước tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngay tại cơ sở, hạn chế việc người bệnh phải về các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của trung ương để được chăm sóc sức khỏe như hiện nay.
Thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, việc cải cách căn bản về tuyến khám chữa bệnh này là cần thiết để khắc phục những bất cập hiện tại và đáp ứng với yêu cầu mới trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, đây cũng là quan điểm được nêu tại Nghị quyết 20-NQ/TW.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh đề nghị cơ quan soạn thảo cần xác định rõ việc phân cấp này là phân tuyến chuyên môn hay phân loại hệ thống tổ chức, phân tích ưu điểm, nhược điểm, hiệu quả, mục đích của phân tuyến, phân cấp lại hệ thống khám chữa bệnh để làm rõ sự cần thiết, ưu việt của chính sách này so với việc phân tuyến hiện tại.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra đề nghị nêu cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của mỗi cấp nhằm xác định các chuyên môn kỹ thuật tương ứng, phương thức, cách thức kết nối của các tuyến với nhau trong chuỗi cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh cũng như lộ trình, việc chuẩn bị cho việc thay đổi cách thức phân tuyến khám chữa bệnh để tránh việc quy định không thống nhất .
Thay đổi cách tiếp cận về giá
Liên quan đến giá dịch vụ, Bộ trưởng Long cho biết, đã thay đổi từ cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định sang cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phát sinh. Đó là hàng hóa phục vụ cho việc khám chữa bệnh, dịch vụ khám chữa bệnh và các chi phí khác có liên quan đến quá trình khám chữa bệnh.
Quy định này được giải thích là nhằm khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đầu tư để nâng cao khả năng cung cấp cũng như chất lượng của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Thường trực Ủy ban Xã hội, dịch vụ khám chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, có tác động lớn đến quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, đến ngân sách nhà nước cũng như tài chính của mỗi người dân, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.
Theo Luật Giá, Nhà nước chỉ định khung giá và mức giá dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh và việc quản lý giá dịch khám chữa bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa vào dự thảo Luật quan điểm “tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở ” tại Nghị quyết 20-NQ/TW.
Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về khám chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa, nội dung được luật hóa qua quá trình triển khai trong thực tiễn đặc biệt trong giai đoạn vừa qua khi phải thực nhiều biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa vì dịch Covid-19.
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh trong hoạt động khám chữa bệnh từ xa, phân biệt rõ khái niệm “hỗ trợ chữa bệnh từ xa” với khái niệm “tư vấn” hiện nay đang thực hiện. Ngoài ra, đề nghị bổ sung quy định cụ thể về cơ chế thanh toán, trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan liên quan nhằm xác định được “chi phí hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa” để tháo gỡ được những vướng mắc về thanh toán chi phí khám chữa bệnh từ xa.
Sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới.