Dùng ngân sách hoặc sử dụng một phần Quỹ bảo hiểm y tế để chi trả cho khám, chữa bệnh liên quan đến Covid-19 là một trong những vấn đề đáng chú ý khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, sáng 11/10.
Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật có nội dung: "Đối với đề nghị quy định việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19) do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo hướng ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị Covid-19; đối với bệnh nhân mắc Covid-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm y tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan".
Ngay từ khi nghị quyết mới được ban hành, có vị đại biểu Quốc hội đang công tác trong ngành y cho rằng quy định này quá "cứng", cực kỳ khó cho ngành y. Vì trên thực tế không ai chết chỉ vì nhiễm Covid-19 mà vì nhiễm Covid-19 mới gây ra suy giảm các cơ quan khác và bệnh nền tăng lên, nhiễm trùng tăng lên dẫn đến tử vong.
Vì thế, điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tức là cùng lúc phải điều trị rất nhiều bệnh khác nữa, và những bệnh đó phải được ghi vào bệnh án. Song, nếu áp vào quy định trên thì bảo hiểm sẽ không thanh toán. Vậy nên quy định đó là quá khó để thực hiện, và người thiệt thòi đầu tiên là bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Đề cập vướng mắc này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, vừa rồi ông có làm việc với các bệnh viện và các chuyên gia về vấn đề chi trả cho người bị Covid-19 có bệnh nền và được phản ánh là không thể tách được chi phí như yêu cầu của nghị quyết, nên kiến nghị ngân sách trả toàn bộ chi phí này.
Ông Định đề nghị Chính phủ xem xét, nếu không tách được thật thì có thể báo lại với Thường vụ để Thường vụ quyết rồi cho ngân sách trả.
Các bệnh viện phản ánh có những người nghèo nên không có tiền trả, người chết rồi lấy ai trả, hơn nữa là có bệnh nhân mắc bệnh thường thôi nhưng khi mắc Covid vào thì bệnh nặng lên. Việc này nếu như bảo hiểm y tế không trả được thì Chính phủ phải trình lại Thường vụ để Thường vụ có thay đổi, điều chỉnh, để giải quyết cho đội ngũ y tế và các cơ quan bảo hiểm, ông Định nói.
Phó chủ tịch cũng gợi ý giải pháp dùng tiền của quỹ Bảo hiểm y tế. Vì căn cứ vào số thu của Quỹ Bảo hiểm y tế thì năm 2019-2020 là quỹ này dương. Năm 2020 thu dương được 5.071 tỷ, số dư lũy kế là 32.992 tỷ đồng. Dự toán thu 2021 sẽ dương 3.829 tỷ nữa, cho nên số dư quỹ dự kiến sẽ tăng bằng 111,6% so với năm 2020. Như vậy, có thể trích một phần ở quỹ này ra đưa vào ngân sách, cấp cho các bệnh viện để chữa cho bệnh nhân mắc Covid-19, ông Định đề nghị.
Cụ thể là có thể trích ở trong quỹ này ra khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng, chuyển sang ngân sách Bộ Y tế, cấp cho các bệnh viện để chữa cho những người vừa có bệnh nền, vừa có bảo hiểm y tế, vừa bị Covid-19.
"Cách làm như thế có được không? Còn nếu không được thì các đồng chí báo cáo Thường vụ để ngân sách chi trả hết để cho dứt đi. Tôi làm việc với các chuyên gia và các bệnh viện, anh em người ta cũng mệt mỏi và người ta nói là khó làm", ông Định phản ánh.
Nhất trí với ý kiến của Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, các giám đốc bệnh viện lớn đều kiến nghị là phải tháo gỡ khó khăn liên quan việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với trường hợp bệnh nền gắn với việc nhiễm Covid-19, đây là vấn đề rất khó khăn.
"Tôi thấy rằng Quỹ Bảo hiểm y tế đang kết dư hơn 32.000 tỷ, ta nên có phương án tính toán đảm bảo an toàn của quỹ nhưng cũng có thể xử lý một phần ở trong đó để tháo gỡ khó khăn, giảm bớt chi từ ngân sách, đồng thời đảm bảo sự công bằng", ông Tùng phát biểu.
Theo Chủ nhệm Uỷ ban Pháp luật thì ngân sách chi cho cả chữa bệnh nền lẫn chữa bệnh Covid-19 thì đúng là cũng chưa thực sự phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Nhưng nếu sử dụng được một phần quỹ bảo hiểm y tế thì rất phù hợp. Đây là vấn đề cần ưu tiên giải quyết, ông Tùng nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần sớm có phương án để bổ sung nội dung trong nghị quyết chung của kỳ họp thứ hai của Quốc hội, phần chi phí nào tách được thì tách, còn không tách được, có thể ngân sách sẽ chi trả.