6 tháng đầu năm 2021, số chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt xấp xỉ 50.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng với ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế là nguồn tài chính đóng góp đáng kể cho việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân và đảm bảo an sinh xã hội.
Người dân đăng ký KCB tại BVĐK Hà Đông bằng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID (Nguồn BHXH TP.HN). Người dân đăng ký KCB tại BVĐK Hà Đông bằng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID (Nguồn BHXH TP.HN).

Hiện nay, có hơn 87,4 triệu người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt gần 90% dân số. Thống kê cho thấy, thực tế có khoảng 60% - 70% người tham gia BHYT sử dụng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh; tần suất khám chữa bệnh của người dân từ 2-2,1 lần/năm.

Theo số liệu thống kê trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT từ 01/01/2021 đến 02/7/2021, cả nước có 75,58 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT với số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là trên 48.774 tỷ đồng, trong đó có: Hơn 68,6 triệu lượt khám chữa bệnh ngoại trú với số tiền đề nghị thanh toán là trên 18.740 tỷ đồng; gần 7 triệu lượt khám chữa bệnh nội trú với số tiền đề nghị thanh toán là trên 30.033 tỷ đồng. Đáng chú ý, có 213 bệnh nhân có chi phí khám chữa bệnh BHYT đề nghị cơ quan BHXH thanh toán từ 0,5-1 tỷ đồng; 25 bệnh nhân có chi phí khám chữa bệnh BHYT đề nghị cơ quan BHXH thanh toán trên 1 tỷ đồng.

Trong những năm qua, ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh mạn tính khác như ung thư, tim mạch, suy thận đến các loại kỹ thuật cao như chi trả mổ rô bốt, mổ nội soi, chụp CT scanner...

Trong giai đoạn khó khăn của năm 2020 và 2021, khi dịch bệnh Covid-19 phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống người dân, quyền lợi người tham gia BHYT vẫn luôn được ngành BHXH Việt Nam phối hợp đảm bảo và thực hiện kịp thời.

Mới đây, từ ngày 01/6, nhằm giúp người bệnh được thuận tiện hơn trong khám chữa bệnh BHYT, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 lần thứ 3 và thứ 4 diễn biến phức tạp, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đưa vào sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động (cùng với giấy tờ tùy thân) của người tham gia để thay thế cho thẻ BHYT giấy khi đi KCB.

Việc gia tăng số người tham gia BHYT, cũng như gia tăng số lượt khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc là tín hiệu đáng mừng cho thấy chính sách BHYT đang đi đúng định hướng và đã trở thành một nguồn tài chính đáng kể góp phần cùng ngân sách nhà nước trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe hiệu quả cho người dân.

Kể từ năm 2016 đến nay, số chi khám chữa bệnh BHYT thường xuyên cao hơn quỹ khám chữa bệnh BHYT được sử dụng trong năm, tỷ lệ sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT trong năm của năm 2016 là 112%, của năm 2017 là 123,1%, năm 2018 là 109,7%, năm 2019 là 119% và năm 2020 ước tính là 112%. Ước tính 6 tháng đầu năm 2021, số chi khám chữa bệnh BHYT tăng so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ 50.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% số dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2021.

Đặc biệt, tỷ lệ khám chữa bệnh BHYT không đúng tuyến, điều trị nội trú đều có xu hướng tăng cao...

Do vậy, để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, để mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe thì không còn cách nào khác là phải phát triển BHYT bền vững, bằng hai yêu cầu rất cơ bản đó là: Đạt bao phủ BHYT toàn dân và bảo đảm bền vững tài chính.

Mặc dù trong bối cảnh bị tác động bởi dịch bệnh, số người tham gia BHYT theo diện người lao động tại doanh nghiệp giảm nhưng tổng số người tham gia BHYT trong cả nước vẫn đảm bảo duy trì được mục tiêu đề ra. Tính đến hết tháng 6/2021, số người tham gia BHYT là 87,4 triệu người, đạt 97,4% kế hoạch, chiếm 89,58% dân số, giảm 289,8 nghìn người so với tháng 05/2021, nhưng vẫn tăng 1,9 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.

Thực tế cho thấy, để phát triển BHYT bền vững, tiến tới BHYT toàn dân, điều kiện quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, “vào cuộc” của cả hệ thống chính trị, cũng như ý thức của người dân, cơ sở y tế về ý nghĩa của việc tham gia BHYT, gắn với việc đảm bảo an toàn và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; cũng như phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện hiệu quả chính sách BHYT toàn dân sẽ góp phần nâng cao sức khỏe Nhân dân, đẩy lùi dịch Covid-19.

Anh Quý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục