EU đã nhận phải nhiều lời chỉ trích về việc chương trình tiêm vắcxin diễn ra chậm chạp do không được cung cấp đủ liều lượng, trong khi Công ty Dubai Airports cho biết đã thiết lập hành lang phân phối vắcxin toàn cầu.
EU giải thích về việc chương trình tiêm vắcxin diễn ra chậm
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 4/1 đã lên tiếng bảo vệ chiến lược tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trong bối cảnh ngày càng vấp phải nhiều sự chỉ trích từ các quốc gia thành viên liên quan đến việc chậm triển khai tiêm chủng đối với khu vực có dân số 450 triệu người này.
Các chương trình tiêm chủng ở 27 quốc gia có khởi đầu chậm chạp và một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng đổ lỗi cho cơ quan điều hành của EU vì nhận thấy đã không được cung cấp đủ liều lượng vắcxin.
Trong một cuộc họp báo, người phát ngôn EC Eric Mamer cho biết vấn đề chính của việc triển khai các chương trình tiêm chủng "là năng lực sản xuất, một vấn đề mà mọi người đang phải đối mặt... Chúng tôi thực sự đã ký các hợp đồng cho phép các quốc gia thành viên tiếp cận với 2 tỷ liều, hầu như đủ để tiêm chủng cho toàn bộ dân số EU."
UAE: Công ty Dubai Airports thiết lập hành lang phân phối vắcxin toàn cầu
Liên quan đến kế hoạch phân phối vắcxin, Công ty vận hành sân bay Dubai Airports của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), điều hành sân bay quốc tế Dubai (DXB) và sân bay Al Maktoum (hay còn gọi là Dubai World Central - DWC), cùng hãng GMR Hyderabad (GMR-HYD) đã phối hợp thành lập một hành lang phân phối vắcxin ngừa COVID-19 toàn cầu.
Công ty Dubai Airports - với các cơ sở hàng hóa liên kết tại các sân bay DXB và DWC, kết hợp với đối tác cung cấp dịch vụ sân bay Dnata cargo, tạo ra hành lang vắcxin HYD-DXB cho phép vận chuyển lên tới 300 tấn vắcxin mỗi ngày.
Hai thực thể đã mất nhiều tháng chuẩn bị cho việc ký kết thỏa thuận thiết lập giải pháp hậu cần nối chuyến liên tục. Hành lang vắcxin HYD-DXB kết nối các nhà sản xuất vắcxin lớn ở Ấn Độ với các thị trường toàn cầu, thông qua trung tâm trung chuyển hàng hóa Dubai.
Moderna sẽ gia tăng sản lượng vắcxin trong năm 2021
Cùng ngày, hãng dược Moderna Inc của Mỹ thông báo trong năm 2021 sẽ sản xuất ít nhất 600 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19, tăng 100 triệu liều so với dự báo trước đó của hãng này, khi mà Mỹ tiếp tục triển khai tiêm phòng vắcxin.
Theo Moderna, công ty này đang nỗ lực đầu tư và tuyển dụng nhằm cung cấp lên đến 1 tỷ liều vắcxin, mức cao hơn dự báo sản lượng của hãng.
Moderna cho biết tới nay đã cung cấp khoảng 18 triệu liều vắcxin cho Chính phủ Mỹ, trong một phần thỏa thuận 200 triệu liều. Moderna cũng ký một thỏa thuận cung cấp cho Chính phủ Canada 40 triệu liều.
Hà Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắcxin
Ngày 4/1, Chính phủ Hà Lan sẽ bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sớm hơn kế hoạch ban đầu 2 ngày.
Bộ Y tế Hà Lan cho biết các nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhâm mắc COVID-19 hoặc chăm sóc cho người cao tuổi tại các viện dưỡng lão sẽ là những người đầu tiên được tiêm chủng vắcxin.
Chính phủ Hà Lan đã chịu sức ép từ công chúng yêu cầu đẩy nhanh kế hoạch tiêm chủng vắcxin sau khi các nước thành viên khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng.
Ngoài ra, chính phủ cũng được kêu gọi trợ giúp các nhân viên chăm sóc y khoa đầu tiên.
Pháp tiêm chủng cho hàng nghìn người trong ngày 4/1
Liên quan tới chương trình tiêm chủng vắcxin tại Pháp, Bộ trưởng Y tế nước này Olivier Veran cho biết, "vài nghìn" người dân sẽ được tiêm chủng trong ngày 4/1, so với con số hơn 500 người trong tuần qua.
Phát biểu sau khi thăm một bệnh viện ở Paris, Bộ trưởng Veran nêu rõ: "Hôm nay, chúng tôi sẽ tiêm chủng vắcxin cho hàng nghìn người trên khắp cả nước".