Tín dụng tăng đột biến không phải lần đầu
Báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến ngày 30/9, tín dụng tăng 9%, nên mục tiêu tăng trưởng 15% của cả năm là hoàn toàn khả thi. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63%.
Như vậy, trong tháng 9 và tuần cuối cùng của tháng 8, tín dụng tăng 2,37%, cao gấp gần 3 lần so với tốc độ tăng bình quân của 8 tháng đầu năm (hơn 0,8%/tháng).
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần giải thích, tín dụng tăng cao vào những tháng cuối năm là hoàn toàn bình thường, do cầu vốn của nền kinh tế thường tăng cao vào những tháng cuối năm.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, tín dụng đang cải thiện dần về cuối năm do cầu vốn gia tăng. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất hỗ trợ tốt hơn cho cầu tín dụng xuất khẩu. Thị trường bất động sản ấm hơn cũng đang hút vốn tín dụng. Ngoài ra, cơn bão lịch sử Yagi đã gây ra thiệt hại lớn cho 26 tỉnh phía Bắc, nên cầu tín dụng để phục hồi, tái sản xuất của doanh nghiệp và người dân các tỉnh này đang rất lớn.
Tuy vậy, nhìn vào lịch sử, tín dụng cũng nhiều lần ghi nhận tăng trưởng bất thường vào một số thời điểm then chốt (như trước khi Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp room tín dụng). Cụ thể, tháng 6/2023, tín dụng tăng 1,46%, gấp 6 lần tốc độ tăng của tháng liền trước đó (tháng 5/2023). Tín dụng tháng 12/2023 của ngành ngân hàng tăng tới hơn 4,6%, cao gấp 4 lần so với tốc độ tăng trung bình hàng tháng năm 2023.
Như vậy, tín dụng bứt tốc bất ngờ thời điểm này, ngoài yếu tố cầu vốn tăng, cũng không loại trừ yếu tố “kỹ thuật” khi thời điểm cấp room tín dụng cho năm sau không còn xa.
Trừ việc tăng trưởng đột biến trong tháng 9/2024, nhìn chung, tín dụng 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng chậm. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp trong 9 tháng còn hạn chế.
Cung - cầu tín dụng chưa gặp nhau
Theo phản ánh của các tổ chức tín dụng, nhu cầu vốn của nền kinh tế còn yếu, đặc biệt là tín dụng bán lẻ. Trong 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng chủ yếu dựa vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp, trong khi cầu vốn của khu vực khách hàng cá nhân rất yếu. Đơn cử, trong lĩnh vực bất động sản, cho vay các chủ đầu tư, doanh nghiệp có tốc độ tăng cao gấp 10 lần tốc độ tăng trưởng tín dụng cá nhân mua nhà, sửa nhà.
Ngoài cầu tín dụng yếu, cung - cầu vốn cũng chưa thật sự gặp nhau. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu, song không thể tiếp cận vốn vì đã cạn kiệt tài sản thế chấp sau 2 năm Covid-19 và thiên tai.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng giám đốc STP Group cho hay, bão Yagi đã xóa sổ gần như toàn bộ vùng nuôi trên biển của doanh nghiệp này. Bà Bình cho biết, Công ty muốn vay 30 tỷ đồng từ ngân hàng để khởi nghiệp lại, nhưng lo không thể vay vốn vì tài sản thế chấp không có. Vùng nuôi trên biển của doanh nghiệp trước đó chưa được định giá và chưa tham gia bảo hiểm, nên gần như mất trắng.
Mặc dù các ngân hàng đều cho biết sẵn sàng cho vay không có tài sản đảm bảo, song để vay được vốn, doanh nghiệp cũng cần đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe từ phía ngân hàng.
Về vấn đề này, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng, cầu vốn tăng mạnh vào cuối năm là thực tế, song vốn có chảy được hay không lại là chuyện khác. Trên thực tế, rất nhiều khách hàng có nhu cầu vay vốn, nhưng không thể tiếp cận tín dụng. Đây là nguyên nhân khiến tín dụng 9 tháng đầu năm vẫn chậm.
Trong khi đó, về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, do 98% doanh nghiệp nước ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên cần có đánh giá để tăng cường bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp này, từ đó khơi thông dòng vốn tín dụng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nên mở rộng hoạt động của các quỹ hỗ trợ, quỹ bảo lãnh để doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn vay, thay vì chỉ yêu cầu hạ chuẩn cấp tín dụng - vốn dễ gây rủi ro cho toàn hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh tiêu dùng và xuất khẩu phục hồi chậm, bất động sản là “cửa” đẩy vốn khả thi nhất. Đây là lĩnh vực chiếm tới 30% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, nên nếu gỡ được đầu ra cho bất động sản, thì tín dụng hệ thống sẽ tăng nhanh. Hiện nay, cầu tín dụng bất động sản - nhất là cầu vay mua nhà - vẫn rất yếu, do giá nhà cao, Dự án hiếm hoi. Do đó, muốn thúc đẩy tín dụng bất động sản, thì điều đầu tiên là phải tăng nguồn cung. Có 1.500 Dự án ở Hà Nội và gần 3.000 Dự án tại TP.HCM đang “đắp chiếu”. Tháo gỡ vướng mắc cho các Dự án này sẽ khiến thị trường bất động sản khai thông, đồng thời đẩy mạnh tín dụng chung toàn hệ thống.
- TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế