Tín dụng dự báo khó tăng cao nửa cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch Covid-19 dù được khống chế trong tháng 4, nhưng tín dụng vẫn tăng chậm trong nửa đầu năm và được dự báo sẽ khó tăng cao trong nửa cuối năm khi dịch bệnh tái bùng phát.
Tín dụng toàn hệ thống tính đến 28/7/2020 mới tăng 3,45% và dự báo tăng khoảng 10% trong năm nay. Tín dụng toàn hệ thống tính đến 28/7/2020 mới tăng 3,45% và dự báo tăng khoảng 10% trong năm nay.

Báo cáo tại hội nghị với các địa phương về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 diễn ra đầu tháng 7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, nhu cầu tín dụng thời gian qua rất yếu, đặc biệt là trong tháng 4 và 5.

Theo đó, tính đến 30/6/2020, tín dụng chỉ tăng 3,26% so với đầu năm - mức tăng trưởng 6 tháng thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

Số liệu thống kê mới nhất của cơ quan này cũng chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể, khi tính đến 28/7/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45% (cùng kỳ tăng 7,13%), trong khi huy động vốn cũng chỉ tăng 5,31%,

Thực tế, trước khó khăn vì dịch bệnh, ngành ngân hàng đã sớm vào cuộc tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch với việc Thông tư 01/2020/TT-NHNN được ban hành, đồng thời đưa ra nhiều gói vốn ưu đãi lãi suất cho khách hàng. NHNN cũng đã 2 lần giảm lãi suất điều hành và dự báo sẽ còn giảm thêm thời gian tới.

Theo đó, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường giảm phổ biến khoảng 0,1-0,33%/năm, dao động quanh mức 7,33-9,05%/năm đối với ngắn hạn và 9,73-10,48%/năm đối với trung - dài hạn.

Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực ưu tiên tối đa ở mức 5%/năm theo đúng quy định của NHNN. Lãi suất cho vay trung - dài hạn bằng VND đối với các khoản vay đầu tư, kinh doanh bất động sản được áp dụng cao nhất ở mức 12,4%/năm.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá để miễn, giảm lãi cho các khách hàng theo Thông tư 01.

Thế nhưng, tín dụng của nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm nay. Ðơn cử, tại
Saigonbank, dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,79%, đạt 14.151 tỷ đồng. Với Eximbank, dư nợ giảm tới 9%, xuống mức 103.529 tỷ đồng…

Thực tế, dịch Covid-19 tác động mạnh tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, dẫn đến cầu vốn vay giảm.

Báo cáo cập nhật tình hình vĩ mô tháng 7/2020 của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, thể hiện qua mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì mức thấp kỷ lục (0,15-0,3%/năm cho các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần).

BVSC kỳ vọng tín dụng trong nửa cuối năm 2020 sẽ cải thiện hơn so với nửa đầu năm, nhưng cũng không nhiều, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát khiến các doanh nghiệp duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh, qua đó hạn chế mở rộng sản xuất.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2020 của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) vừa thực hiện cho thấy, các tổ chức tín dụng đã hạ mức dự báo về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2020 ở 2 kỳ điều tra liên tiếp.

Cụ thể, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 3,5% trong quý III/2020 và tăng 10,5% trong năm 2020, giảm mạnh so với kỳ vọng tương ứng 13,1% và 14,1% của 2 kỳ điều tra trước.

Mặc dù đang dư thừa thanh khoản và tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng các ngân hàng vẫn cẩn trọng giải ngân vốn mới vì lo ngại nợ xấu gia tăng do dịch.

Lãnh đạo NHNN cũng khuyến nghị, cơ quan này sẵn sàng cung ứng vốn đủ cho nền kinh tế, trường hợp cần thiết sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để có nguồn vốn bơm ra thị trường. Tuy nhiên, ngân hàng không thể cho vay dưới chuẩn.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, với sức hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, tín dụng sẽ khó tăng cao, kỳ vọng đạt mức tăng trưởng khoảng 10% trong năm 2020, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch 13-14% đặt ra hồi đầu năm. Ðể kích cầu tín dụng, theo TS. Lịch, cần giảm thêm lãi suất, kể cả với tín dụng tiêu dùng.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục