Tin dữ từ Nhật kéo chứng khoán lao dốc, giá vàng thăng hoa

(ĐTCK) Đúng như lo ngại của giới đầu tư, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) không giảm thêm lãi suất, khéo chứng khoán giảm mạnh, tạo cơ hội tốt cho giá vàng.
Phố Wall có phiên lao dốc do ảnh hưởng thông tin từ Nhật Bản và cổ phiếu Apple (Ảnh minh họa: AFP) Phố Wall có phiên lao dốc do ảnh hưởng thông tin từ Nhật Bản và cổ phiếu Apple (Ảnh minh họa: AFP)

Sau chuỗi phiên tăng điểm liên tiếp nhờ hiệu ứng từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất và kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp tích cực, phố Wall đã có phiên lao dốc trong ngày thứ Năm do nhận tin dữ từ Nhật Bản.

Bên cạnh đó, cổ phiếu Apple vốn đã rất yếu ớt trong 2 phiên vừa qua do kết quả kinh doanh tệ nhất hơn một thập kỷ, lại còn bị tỷ phú Carl Icahn bồi thêm một đòn đau nữa khi cho biết, ông đã bán ra cổ phiếu này, khiến cổ phiếu của đại gia công nghệ này gần như bị “knock-out” trong phiên thứ Năm (giảm 3% sau khi đã mất hơn 13% trong 2 phiên trước), góp phần đẩy phố Wall giảm mạnh. Trong đó, chỉ số S&P 500 đã có phiên giảm mạnh nhất trong 3 tuần, trong khi Dow Jones và Nasdaq cũng đều mất hơn 1% giá trị.

Kết thúc phiên 28/4, chỉ số Dow Jones giảm 210,79 điểm (-1,17%), xuống 17.830,76 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,34 điểm (-0,92%), xuống 2.075,81 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 57,85 điểm (-1,19%), xuống 4.808,29 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh sau thông tin từ BOJ, tuy nhiên, nhờ giá dầu tiếp tục tăng lên mức đỉnh mới của năm 2016, cùng kết quả kinh doanh khả quan của Facebook đã tác động tích cực tới tâm lý giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu, giúp các chỉ số chính trên thị trường này đảo chiều ngoạn mục.

Kết thúc phiên 28/4, chỉ FTSE 100 tại Anh tăng 2,49 điểm (+0,04%), lên 6.322,40 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 21,32 điểm (+0,21%), lên 10.321,15 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Phát giảm 2,04 điểm (-0,04%), xuống 4.557,36 điểm.

Sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, BOJ đã đưa quyết định rằng cần có thêm thời gian để đánh giá tác động của chính sách lãi suất thấp. Các nhà hoạch định chính sách BOJ cũng trì hoãn khung thời gian đạt được mục tiêu lạm phát 2%, lần trì hoãn thứ 4 trong vòng một năm qua.

Trước đó, nhiều dự báo cho rằng, BOJ sẽ tiếp tục giảm lãi suất, bởi một báo cáo mới nhất cho thấy, lạm phát của Nhật Bản trong tháng 3 giảm 0,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giới đầu tư cũng đã lo lắng về khả năng cơ quan này sẽ không có hành động gì và điều lo lắng đó đã xảy ra.

Thông tin từ BOJ đã khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản ồ ạt bán ra, đẩy chỉ số Nikkei 225 giảm tới hơn 3,6% trong phiên thứ Năm, dù phiên sáng còn tăng rất tốt nhờ hiệu ứng từ Fed.

Chứng khoán Trung Quốc cũng tiếp tục có phiên giảm điểm, trong khi chứng khoán Hồng Kông may mắn giữ được sắc xanh nhạt trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 28/4, chỉ số Nikkei 225 giảm 624,44 điểm (-3,61%), xuống 16.666,05 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 26,76 điểm (+0,13%), lên 21.388,36 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 8,08 điểm (-0,27%), xuống 2.945,59 điểm.

BOJ gây hoảng loạn cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, lại tạo cơ hội cho giá vàng thăng hoa. Ngoài ra, việc đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng sau quyết định của Fed cũng là yếu tố góp phần đẩy giá vàng vọt tăng mạnh trong phiên thứ Năm, vượt qua mốc 1.265 USD/ounce, mức đóng cửa cao nhất hơn 1 tháng rưỡi.

Kết thúc phiên 28/4, giá vàng giao ngay tăng 20,6 USD (+1,65%), lên 1.266,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 16 USD (+1,28%), lên 1.266,4 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô nhận được các thông tin hỗ trợ tích cực từ sản lượng khai thác của Mỹ giảm và đồng USD giảm để leo lên mức cao nhất trong năm 2016.

Kết thúc phiên 28/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,7 USD (+1,52%), lên 46,03 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,96 USD (+1,99%), lên 48,14 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục