Đang trên đà tăng khá tốt do nhận dược sự hỗ trợ của một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt và cổ phiếu năng lượng, cùng kỳ vọng Fed sẽ không đưa ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp đang diễn ra do dữ liệu kinh tế vừa công bố không mấy tích cực, phố Wall đã suýt mất điểm khi cổ phiếu của đại gia Apple lao dốc mạnh cuối phiên.
Cổ phiếu Apple giảm gần 7% khi đại gia công nghệ này công bố lợi nhuận thấp hơn dự báo.
Trước đó, Bộ Lao động Mỹ công bố đơn đặt hàng hóa lâu bên trong tháng 3 tăng chậm hơn dự báo do nhu cầu ô tô, máy tính và các thiết bị giảm mạnh. Người tiêu dùng Mỹ cũng đã xuất hiện một chút bi quan về triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế và niềm tin người tiêu dùng giảm trong tháng 4.
Kết thúc phiên 26/4, chỉ số Dow Jones tăng 13,08 điểm (+0,07%), xuống 17.990,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,91 điểm (+0,19%), lên 2.091,70 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 7,51 điểm (-0,15%), xuống 4.888,28 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng tăng nhẹ nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô đã có quý tăng tốt trong quý I. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực cũng hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, khi chốt phiên, các chỉ số gần như không mấy thay đổi khi tâm lý nhà đầu tư vẫn đang hướng về cuộc họp của Fed.
Kết thúc phiên 26/4, chỉ FTSE 100 tại Anh tăng 23,6 điểm (+0,38%), lên 6.384,52 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 34,76 điểm (-0,34%), xuống 10.259,59 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Phát giảm 12,94 điểm (-0,28%), xuống 4.533,18 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ trở lại khi đồng yên hồi phục từ mức thấp nhất 3 tuần so với đồng USD. Lý do đồng yên tăng trở lại là giới đầu tư không chắc chắn về khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ cung cấp thêm thông tin về việc hỗ trợ nền kinh tế trong cuộc họp ngày 27 và 28/4 này.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tăng nhẹ trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của Fed.
Kết thúc phiên 26/4, chỉ số Nikkei 225 giảm 86,02 điểm (-0,49%), xuống 17.353,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 102,83 điểm (+0,84%), lên 21.407,27 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 18,03 điểm (+0,61%), lên 2.964,70 điểm.
Giá vàng trong phiên thứ Ba đang lình xình theo xu thế giảm trong phiên châu Á và châu Âu, đã bất ngờ dựng đứng khi bước vào phiên giao dịch Mỹ nhờ nhận được sự hỗ trợ của các yếu tố bên ngoài, đó là việc đồng USD giảm mạnh.
Kết thúc phiên 26/4, giá vàng giao ngay tăng 5,4 USD (+0,44%), lên 1.243,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 3,2 USD (+0,26%), lên 1.243,4 USD/ounce.
Đà tăng của giá dầu bị gián đoạn trong phiên thứ Ba khi có thông tin về kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng hơn dự báo.
Kết thúc phiên 26/4, giá dầu thô Mỹ giảm 1,09 USD (-2,56%), xuống 42,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,63 USD (-1,42%), xuống 44,48 USD/thùng.