Tìm kiếm dưới đáy biển chưa đủ, bạch tuộc phi thân lên cạn săn mồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuy trên cạn không phải môi trường sinh sống sở trường của bạch tuộc, nhưng với việc chủ động rình rập rồi sau đó tấn công dứt khoát, bạch tuộc vẫn cho thấy khả năng săn mồi hiệu quả của mình.
Tìm kiếm dưới đáy biển chưa đủ, bạch tuộc phi thân lên cạn săn mồi

Trong tất cả các loài sinh vật biển, bạch tuộc được xếp loại là loài động vật thông minh nhất. Hệ thần kinh của chúng hoạt động khá phức tạp, hơn 2/3 noron nằm trong những dây thần kinh ở các tua. Các tua bạch tuộc có những phản xạ phức tạp với sự điều khiển của ít nhất ba cấp độ của hệ thần kinh.

Có khoảng 300 loài bạch tuộc đã được các nhà khoa học phát hiện trong thế giới đại dương rộng lớn. Và loài động vật không xương sống này cũng ẩn chứa rất nhiều điều thú vị khiến các nhà khoa học không khỏi kinh ngạc.

Bạch tuộc là kẻ đi săn "đáng gờm" dưới biển nhờ cấu tạo cơ thể đặc biệt. Bạch tuộc không có xương cũng như vỏ ngoài bảo vệ, điều này cho phép chúng có thể luồn lách, kể cả trong những khe đá cực hẹp và né tránh một cách rất tài tình khi bị kẻ thù tấn công.

Cấu tạo thân mềm cũng giúp chúng chịu áp lực nước rất tốt. Vì thế, có những loài bạch tuộc sống được ở tầng nước ngầm sâu hàng cây số, nơi rất ít sinh vật có thể tồn tại do thiếu ánh sáng mặt trời, ít thức ăn, áp lực nước cực lớn.

Nhưng điểm đặc biệt nhất của bạch tuộc nằm ở bộ xúc tu, được coi là những cánh tay vô cùng uyển chuyển và nguy hiểm khiến chúng trở thành “quái vật” biển cả.

Ở dưới đáy biển đã là thợ săn lão luyện, trong một vài trường hợp đặc biệt, bạch tuộc còn có thể săn những con mồi ở trên cạn một cách hiệu quả.

Đoạn clip được quay lại bởi một vị khách du lịch ở bãi biển thuộc thị trấn Yallingup, tây Úc đã cho chúng ta thấy được điều đó.

Nguồn clip: Roaring Earth.

Theo như đoạn clip, một con cua đang dạo chơi trên bờ biển, khi nó bò đến gần mép nước thì bất ngờ bị một con bạch tuộc đang ngụy trang ẩn nấp ở gần đó. Quan sát thấy con cua đang bị mất cảnh giác, con bạch tuộc phi thân từ dưới nước lên cạn tóm chặt con mồi.

Mặc dù cố gắng vùng vãy và chạy ra khỏi vùng nguy hiểm, tuy nhiên những xúc tu của bạch tuộc quá khỏe đã ôm chặt được cả người con cua rồi từ từ lôi nó xuống nước.

Julian Finn, người phụ trách mảng động vật không xương sống tại Bảo tàng Victoria, Úc cho biết: "Việc bò ra khỏi mặt nước không phải là điều gì quá hiếm đối với các loài bạch tuộc sống ven bờ gần khu vực thủy triền lên xuống. Khi nước thủy triều rút, rất nhiều các con vật là món ăn khoái khẩu của bạch tuộc bị bỏ lại như cua, sò, ốc... Chỉ cần cơ thể bạch tuộc vẫn giữ được nước, điều này giúp hít thở thì bạch tuộc có thể sống trên cạn trong một khoảng thời gian ngắn để săn mồi. Tuy nhiên, việc bò lên cạn săn mồi khá rủi ro đối với loài bạch tuộc".

Anh Quý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục