Theo dữ liệu mới công bố, các đơn đặt hàng mới cho hàng nhà máy Mỹ tăng hơn dự kiến trong tháng 6 và lĩnh vực dịch vụ cũng có tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 8 năm rưỡi.
Dù dữ liệu kinh tế khả quan, nhưng các chỉ số chính của phố Wall chỉ dao động dưới mức tham chiếu do kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố không tích cực và dữ liệu kinh tế kém tích cực của Trung Quốc khi chỉ số PMI của nước này xuống mức thấp nhất kể từ 9/2005.
Đến cuối phiên, thông tin về tình hình căng thẳng ở Ukraine đã khiến giới đầu tư bán tháo, kéo cả 3 chỉ số chính của phố Wall giảm mạnh.
Theo tin từ AP, giao tranh dữ dội đã diễn ra ngày 5/8 tại Donetsk - thành trì của phe ly khai miền Đông Ukraine. Quân đội và phe ly khai cùng nã tên lửa làm dấy lên lo ngại là trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở miền đông nước này.
Trong khi đó, tăng cường binh sỹ dọc biên giới với Ukraine, làm dấy lên lo ngại Matxcơva có thể can thiệp vào cuộc chiến ở Ukraine.
Kết thúc phiên 5/8, chỉ số Dow Jones giảm 139,81 điểm (-0,84%), xuống 16.429,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 18,7 điểm (-0,97%), xuống 1.920,21 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 31,05 điểm (-0,71%), xuống 4.352,83 điểm.
Trái ngược với chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu lại có phiên tăng nhẹ hôm thứ Ba bất chấp lo ngại về tình hình căng thẳng gia tăng ở Ukraine và dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc. Chứng khoán châu Âu được hỗ trợ bởi thông tin PMI tháng 7 của khu vực tăng lên, cho thấy kinh tế của khu vực đã có sự phát triển như mong đợi. Tuy nhiên, sản xuất vẫn còn yếu và vẫn cần sự Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nới lỏng thêm chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, chứng khoán châu Âu còn được hỗ trợ bởi các thông tin về kết quả kinh doanh khả quan và hoạt động M&A. Tuy nhiên, chứng khoán châu Âu yếu lực cuối phiên khi chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tăng lên mức 60,8, mức cao nhất 8 năm rưỡi đúng như kỳ vọng của FED, nên gây lo ngại FED sẽ sớm tăng lãi suất.
Kết thúc phiên 5/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 4,96 điểm (+0,07%), lên 6.682,48 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 35,60 điểm (+0,39%), lên 9.189,74 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 15,66 điểm (+0,37%), lên 4.232,88 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng có phiên giảm điểm trước những thông tin không tích cực. Nhật Bản vừa đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga về tình hình Ukraine, tạo căng thẳng giữa 2 nước. Không chỉ dừng lại ở đó, ngày 4/8, Nga đã tiến hành tập trận ở quần đảo tranh chấp giữa 2 nước là Kuril mà Nhật Bản gọi là lãnh thổ phương Bắc càng làm tăng thêm sự căng thẳng. Vì vậy, chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm rưỡi trong phiên thứ Ba. Trong khi đó, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống mức 50 trong tháng 7, từ mức 53,1 trong tháng 6, mức thấp nhất từ tháng 9/2005, khiến chứng khoán Trung Quốc quay đầu giảm điểm.
Kết thúc phiên 5/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 254,19 điểm (-1,63%), xuống 15.320,31 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 24/7. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 48,18 điểm (+0,20%), lên 24.648,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 3,39 điểm (-0,15%), xuống 2.219,95 điểm.
Giá vàng có phiên “đánh võng” trong ngày giao dịch thứ Ba. Sau khi giảm ở phiên 4/8, giá vàng đã hồi trở lại trong phiên giao dịch châu Á và châu Âu ngày 5/8. Tuy nhiên, khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, những dữ liệu khả quan về PMI trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ làm mối lo FED sẽ sớm tăng lãi suất lại tăng lên khiến giá vàng lao dốc. Sau khi xuống sát mốc 1.282 USD/ounce, giá kim loại quý này lại nhảy vọt 10 USD/ounce khi thông tin về tình hình căng thẳng ở Ukraine được đưa ra, trước khi giảm trở lại và đi ngang quanh mốc 1.288 USD/ounce trong thời gian còn lại của phiên giao dịch do đồng USD tăng mạnh, lên mức cao nhất 11 tháng.
Kết thúc phiên 5/8, giá vàng giao ngay tăng 0,4 USD (+0,03%), lên 1.288,60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 3,7 USD (-0,29%), xuống 1.284,0 USD/ounce.
Thông thường, cuộc căng thẳng và khủng hoảng ở khu vực sản xuất dầu lớn như Trung Đông hay Nga sẽ khiến giá dầu tăng. Tuy nhiên, bất chấp căng thẳng ở Ukraine đang gia tăng, giá dầu lại giảm mạnh trong phiên thứ Ba. Theo các chuyên gia phân tích, nhu cầu yếu chính là lý do khiến giá dầu giảm mạnh, dù nguồn cung chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Đó cũng chính là lý do khiến cổ phiếu năng lượng bị mất điểm mạnh nhất trong rổ S&P 500.
Kết thúc phiên 5/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,91 USD (-0,93%), xuống 97,38 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,8 USD (-0,80%), xuống 104,61 USD/thùng.