Thứ Sáu, thêm những thông tin quan trọng của nền kinh tế Mỹ được công bố. Theo đó, bảng lương phi nông nghiệp có thêm 209.000 việc làm trong tháng 7, thấp hơn mức dự báo 230.000 trước đó, trong khi tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ tăng lên 6,2% từ mức 6,1%, trong khi tiền lương chỉ tăng thêm 1 xu, nên sẽ giảm lo ngại về áp lực lạm phát. Điều này sẽ khiến FED phải tính lại khả năng tăng lãi suất sớm của mình.
Trong khi đó, theo một báo cáo của Viện quản lý nguồn cung, sản xuất đã mở rộng nhanh nhất trong hơn 3 năm vào tháng 7.
Mặc dù vậy, mối quan tâm lớn của giới đầu tư phố Wall hiện nay dường như đến ngoài nước Mỹ, đó là việc Agrentina vỡ nợ lần thứ 2 trong vòng 13 năm.
Sau cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, ảnh hưởng sâu rộng và là nguyên nhân khiến nền kinh tế thế giới suy thoái 7 năm trước, bây giờ mọi cuộc vỡ nợ quốc gia đều đem đến cảm giác bất an cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, phố Wall tiếp tục có phiên giảm điểm cuối tuần, sau phiên lao dốc ngày thứ Năm.
Hai phiên giảm mạnh cuối tuần khiến phố Wall có tuần giảm điểm tồi tệ, trong đó S&P 500 có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2012.
Kết thúc phiên 1/8, chỉ số Dow Jones giảm 69,93 điểm (-0,42%), xuống 16.493,37 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,52 điểm (-0,29%), xuống 1.925,15 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 17,13 điểm (-0,39%), xuống 4.352,64 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 2,8%, chỉ số Nasdaq giảm 2,2%. S&P mất 2,7%, mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 1/6/2012.
Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên giảm điểm trong ngày cuối tuần, thậm chí, mức giảm còn mạnh hơn ngày thứ Năm.
Cuộc xung đột kéo dài và ngày càng khốc liệt giữa quân đội Ukraine và phe ly khai, kéo căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây chính là mối lo lắng hiện hữu đối với giới đầu tư châu Âu.
Bên cạnh đó, mối lo thường trực về khả năng đổ vỡ của Ngân hàng Banco Espirito Santo của Bồ Đào Nha cũng khiến giới đầu tư châu Âu phải cảnh giác cao độ. Cổ phiếu của ngân hàng này giảm tới 40% và giảm thêm 42% chỉ trong phiên thứ Năm khi ngân hàng báo lỗ 3,6 tỷ Euro. Ảnh hưởng từ ngân hàng này, nhóm cổ phiếu ngân hàng của châu Âu đã giảm 3,5% và là một trong những nguyên nhân khiến chứng khoán châu Âu giảm sâu trong 2 phiên cuối tuần.
Căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây khi EU và Mỹ đưa thêm các lệnh trừng phạt mới với Nga cũng khiến chứng khoán châu Âu lo lắng. Châu Âu đã phải gồng mình để trừng phạt Nga, bởi có nhiều công ty lớn của châu Âu đang làm ăn ở Nga và thu được những khoản lợi nhuận lớn ở thị trường này, nay khi Nga bị trừng phạt, những công ty này sẽ chịu tác động mạnh, gây ảnh hưởng chung đến hoạt động kinh doanh. Vì vậy, không khó hiểu khi nhà đầu tư đồng loạt bán tháo các cổ phiếu bluechip, nhất là trên thị trường chứng khoán Đức trong 2 phiên vừa qua, đẩy chứng khoán châu Âu giảm mạnh.
Kết thúc phiên 1/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 50,93 điểm (-0,76%), xuống 6.679,18 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 197,40 điểm (-2,10%), xuống 9.210,08 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 43,36 điểm (-1,02%), xuống 4.202,78 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,65%, chỉ số DAX giảm 4,50%, chỉ số CAC 40 giảm 2,95%.
Chứng khoán châu Á đã không thể thoát khỏi “virut đỏ” trong phiên cuối tuần. Ảnh hưởng từ những phiên sụt giảm mạnh, nhất là phiên lao đốc thứ Năm của chứng khoán Âu, Mỹ đã có tác động tiêu cực tới chứng khoán châu Á, chấm dứt chuỗi tăng điểm ấn tượng của chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc. Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm thứ 2 liên tiếp, xuống mức thấp nhất tuần.
Kết thúc phiên 1/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 97,66 điểm (-0,63%), xuống 15.523,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 224,42 điểm (-0,91%), xuống 24.532,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 16,26 điểm (-0,74%), xuống 2.185,30 điểm.
Dù giảm điểm trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Á, đặc biệt là chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc tiếp tục có tuần tăng điểm ấn tượng. Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,42%, chỉ số Hang Seng tăng 1,31%, chỉ số Shanghai Composite tăng 2,76%.
Vàng kết thúc chuỗi 4 phiên giảm khi bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ công bố thấp hơn kỳ vọng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, nên lo ngại về việc FED sẽ sớm tăng lãi suất đã giảm đi phần nào.
Bên cạnh đó, những căng thẳng địa chính trị gia tăng, cùng với việc Agrentina vỡ nợ cũng là những thông tin hỗ trợ tích cực cho vàng phục hồi.
Kết thúc phiên 1/8, giá vàng giao ngay tăng 13,70 USD (+1,07%), lên 1.294,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 12,3 USD (+0,96%), lên 1.293,6 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,08%, giá vàng giao tháng 8 giảm 0,74%, mức giảm mạnh hơn nhiều so với tuần trước đó.
Theo cuộc khảo sát của Kitco, trong số 24 chuyên gia, nhà môi giới và đại lý vàng uy tín trả lời trong tuần này, có 12 người dự báo giá vàng sẽ giảm trong tuần tới, 8 người dự báo giá sẽ đi lên và 4 người cho rằng sẽ đi ngang.
Giá dầu thô có phiên giảm thứ 4 liên tiếp, xuống mức thấp nhất 2 tuần do nguồn cung dồi dào ở khu vực Đại Tây Dương, trong khi nhu cầu thấp do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, Ukraine và Bắc Phi ngày càng ra tăng.
Kết thúc phiên 29/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,29 USD (-0,30%), xuống 97,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,18 USD (-1,13%), xuống 104,84 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 4,12%, giá dầu thô Brent giảm 3,28%.