Hiệu ứng từ Berkshire Hathaway giúp lan tỏa ra khắp thị trường. Nhiều nhà đầu tư đã trở lại sau hoạt động bán tháo tuần trước. Sắc xanh cũng lan rộng giúp cả 3 chỉ số chính của phố Wall tăng khá, lấy lại cả “vốn và lãi” phần đã mất trong phiên cuối tuần trước.
Ngoài ra, những dữ liệu về thị trường việc làm được công bố cuối tuần trước làm giới đầu tư giảm lo ngại về khả năng tăng lãi suất sớm của FED cũng giúp thị trường tăng điểm trở lại trong phiên đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 4/8, chỉ số Dow Jones tăng 75,91 điểm (+0,46%), lên 16.569,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,84 điểm (+0,72%), lên 1.938,99 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 31,25 điểm (+0,72%), lên 4.383,89 điểm.
Chứng khoán châu Âu phiên đầu tuần được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng khi Bồ Đào Nha đưa ra kế hoạch trị giá 5 tỷ euro (tương đương 6,6 tỷ USD) để giải cứu ngân hàng niêm yết lớn nhất nước này là Banco Espirito Santo để tranh lây lan sự sụp đổ sang các nhà băng của khu vực.
Tuy nhiên, thông tin này không đủ bù đắp hết những lo ngại về căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Các biện pháp trừng phạt Nga của EU cũng gây ra những thiệt hại cho các công ty châu Âu đang làm ăn tại Nga, trong đó số đông là các doanh nghiệp của Đức. Vì vậy, chứng khoán Đức tiếp tục giảm khá mạnh trong phiên đầu tuần, trong khi chứng khoán Anh yếu lực cuối phiên, ngoại trừ chứng khoán Pháp phục hồi khá tốt.
Kết thúc phiên 4/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 1,66 điểm (-0,02%), xuống 6.677,52 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 55,94 điểm (-0,61%), xuống 9.154,14 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 14,44 điểm (+0,34%), lên 4.217,22 điểm.
Chứng khoán châu Á có sự trái chiều trong phiên đầu tuần. Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm điểm phiên đầu tuần do bị ảnh hưởng bởi cổ phiếu tài chính và vận tải biển, cũng như lo ngại của nhà đầu tư về sức khỏe tài chính của lĩnh vực ngân hàng Bồ Đào Nha và việc Agrentia vỡ nợ. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông, đặc biệt là chứng khoán Trung Quốc đại lục phục hồi rất mạnh sau phiên điều chỉnh cuối tuần.
Kết thúc phiên 4/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 48,61 điểm (-0,31%), xuống 15.574,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 67,65 điểm (+0,28%), lên 24.600,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 38,03 điểm (+1,74%), lên 2.223,33 điểm.
Vàng đã giảm trở lại sau khi tăng mạnh cuối tuần trước nhờ thông tin thị trường lao động không khả quan như dự đoán. Nhiều nhà phân tích cho biết, giá vàng nhiều khả năng sẽ giảm trở lại khi nhà đầu tư lại hướng sự quan tâm vào thị trường chứng khoán. Việc Bồ Đào Nha đưa ra kế hoạch giải cứu ngân hàng Banco Espirito Santo giúp lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính lần 2 của khu vực châu Âu phần nào giảm bớt, cũng khiến sự hấp dẫn của vàng giảm bớt. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của vàng vẫn còn khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Trung Đông, bắc Phi vẫn còn, trong khi Agrentina bị vỡ nợ.
Kết thúc phiên 4/8, giá vàng giao ngay giảm 6 USD (-0,46%), xuống 1.288,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 5,9 USD (-0,46%), xuống 1.287,7 USD/ounce.
Trái ngược với giá vàng, giá dầu thô đã phục hồi trở lại sau khi giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng trong phiên cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 5/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,41 USD (+0,42%), lên 98,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,57 USD (+0,54%), lên 105,41 USD/thùng.